Chuyện tình già ven sông Mã

Không còn áp lực phải nuôi đàn con thơ dại như ngày nào, cũng không muốn trở thành gánh nặng cho con cháu nên bao nhiêu năm nay ông Căn và vợ cứ thế sống dựa vào nhau, nơi khúc sông ấy.

Ông Căn và bà Họa đã song hành bên nhau suốt 60 năm.

Song hành bên nhau

Chúng tôi về làng chài Thuyền Tôn, thôn Tiến Ích 2, xã Vĩnh Quang (Vĩnh Lộc), khi hoàng hôn dần buông xuống, những cơn gió hun hút thổi qua từng vách núi phất phơ lau lách. Bên bờ con sông Mã rộng lớn là khoảng chục nhà bè người dân dựng lên nuôi cá nằm san sát, kéo dài. Những bè cá xiêu vẹo, ọp ẹp nổi trôi theo con nước như chính số phận nhiều ngư dân nơi đây. Người làng bè tâm sự: Từ thời tổ tiên, họ đã xem sông là nhà, nước là quê hương, vì thế dẫu cuộc sống vất vả, cay đắng chẳng thể nào bỏ nghề. Cũng bởi cái “nghiệp duyên” đó mà vợ chồng ông Nguyễn Văn Căn, 81 tuổi và bà Nguyễn Thị Họa, 78 tuổi không còn sức nuôi cá, song vẫn ở lại bám lấy làng chài. Nơi nắng gió nhuộm đen nước da, làm săn cơ bắp, chỉ nụ cười hiền hậu chân chất mộc mạc thì vẫn thế.

Bên mạn thuyền, bà Họa ngồi trò chuyện cùng người bạn đời của mình như những thước phim quay chậm. Bà sinh ra trong một gia đình ngư dân nghèo nên phải lăn lộn, bươn chải ngay từ nhỏ. Vốn có tiếng là người con gái xinh đẹp, ngoan hiền, lại hết lòng vì gia đình nên bà Họa được nhiều chàng trai trong vùng để mắt tới. Thương bố mẹ mong có người về cùng nhà để chung tay gánh vác việc gia đình, lo lắng cho các em còn nhỏ dại nên chưa đầy 20 tuổi, bà Họa đồng ý lấy ông Căn - một người đàn ông cùng làng có tài “sát cá”. Ngày ông bà đến với nhau thật giản đơn, một mâm cơm dưới sự chứng kiến của hai nhà, không cưới hỏi rình rang, tuy nghèo vẫn hạnh phúc. Bằng chứng là đã gần 60 năm gắn bó với nhau rồi lần lượt lên chức ông bà, cụ, hai người vẫn “dính” lấy nhau như đôi sam. Hỏi về bí quyết giữ lửa tình yêu và hôn nhân, bà Họa cười: “Không có bí quyết gì cả. Ông ấy to tiếng thì tôi im lặng. Phụ nữ mà, cũng có lúc cằn nhằn này nọ nhưng cũng phải lựa lời mà nói, để góp ý với nhau mà sửa chứ. Thương nhau cả đời không hết, cãi nhau, giận nhau làm gì? Mình sống còn phải làm gương cho các con, các cháu nữa chứ”.

Cũng như bao người dân làng chài khác, hai vợ chồng ông bà mưu sinh bằng nghề chài lưới. Bản thân ông Căn cũng không biết nghề này có từ bao giờ, chỉ biết rằng cứ thế hệ này nối tiếp thế hệ sau sinh ra, lớn lên trên thuyền rồi lại kiếm kế sinh nhai nhờ thuyền, nhờ sông. Đến đời ông cũng vậy, vợ chồng ông sinh được 6 người con (4 gái, 2 trai) thì đến 5 lần vợ ông trở dạ và sinh con trên thuyền.

Có lẽ, mồ hôi, nước mắt cùng đổ ra trên dòng sông Mã làm họ thương nhau hơn. Bà Họa tâm sự: “Giữa sóng nước mênh mông mới thấy người cầm lái, cầm lưới khổ cực thế nào. Đó là chưa nói khi trời trở gió bất thường, chồng mình phải đứng mũi chịu sào trăm thứ. Bởi vậy khi rảnh tay lưới là tôi lo nấu nước, nấu mì cho ông ấy dùng, canh lưới cho ông chợp mắt năm mười phút...”. Bù lại, có vợ làm bạn chài, ông Căn như thêm sức mạnh, thêm sự cẩn trọng trên sóng nước. Ông Căn bộc bạch: “Cứ nghĩ vợ con người ta đang êm ấm trên giường rồi nhìn vợ mình lăn lộn trên sóng nước hiu quạnh với mình mà thương. Bởi vậy mình luôn cố làm để nhẹ bớt phần việc của vợ. Quan trọng hơn là mình luôn cẩn thận trong công việc, xử lý những tình huống bất ngờ xảy đến”.

Mấy năm trở lại đây, sức khỏe bà Họa nhanh chóng giảm sút, phần vì có tuổi, phần vì lao lực từ những ngày bé, không có tiền thuốc thang tẩm bổ. Bà bị viêm đa khớp nên mỗi khi trái gió trở trời, bà lại đau mỏi không dứt. Không có tiền nên bà cũng chẳng dám đi bệnh viện, cứ thế chịu đựng những cơn đau dai dẳng nên ngày một gầy mòn ốm yếu. Thương vợ, ông Căn lại làm việc nhiều hơn. Ông chăm sóc bà từng li từng tí, giành hết mọi công lớn việc nhỏ trong nhà về mình. Ông bảo, ông chỉ muốn bà khỏe, sống lâu hơn với mình.

Hỏi ông bà sao không cậy nhờ con cháu khi tuổi đã cao, ông Căn thở dài chia sẻ: “Hoàn cảnh của chúng nó cũng không mấy khá giả, nuôi được gia đình nhỏ đã là tốt lắm rồi. Còn khỏe ngày nào, chúng tôi vẫn ở đây chăm nhau để không ảnh hưởng đến con cháu, khi nào không thể làm được gì mới nhờ đến con cái. Điều mong mỏi lớn nhất của vợ chồng tôi bây giờ là có sức khỏe để cùng nhau đi hết quãng đời còn lại”.

Những câu chuyện nghĩ đến đã khiến lòng buồn nhưng ông Căn vẫn xem như không. Ông bảo: “Tôi vẫn hay xin trời chút chở che, để con cháu tôi được khỏe mạnh là đã mang ơn rồi, mọi việc khác chắc là do trời an bài cả, có buồn có trách cũng khác được đâu!”.

Được biết, trước đây, vợ chồng ông bà phải sống trên con thuyền dột nát, được vá víu bằng những tấm ni-lông rách nát. Mùa mưa rét, gió lùa từng cơn lạnh căm căm, nước dột vào cả chỗ nằm. Mùa hè nắng nóng hầm hập, điện không có, quạt càng không. Nóng quá thì ra mũi thuyền ngồi quạt mát. Khát nước thì lại múc nước sông lên đun nấu, tắm giặt. Bao nhiêu năm, ông bà chẳng biết đến đèn điện. Làm bạn với đèn pin, cây nến mãi rồi cũng thành quen. Bao năm lênh đênh trên thuyền là ngần đấy năm đón tết dưới sông, khi khắp nơi pháo hoa nổ rực rỡ trên bầu trời ông bà chỉ biết ngước nhìn và nghĩ về những điều xa xăm. Cách đây hơn 10 năm, nhờ sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương..., ông bà đã có nhà trên đất liền, ngay sát bờ sông. Ngôi nhà xây vững chãi, mưa gió bão bùng không còn phải lo lắng nhiều nhưng cuộc sống của hai vợ chồng già cũng không khá hơn là mấy.

Nhìn quanh ngôi nhà được xem là vững chãi của ông bà, nó sơ sài hơn những gì tôi có thể nghĩ đến. Giá trị nhất trong căn nhà chắc có lẽ là chiếc tivi nhỏ để xem phim chen lẫn những lần rột rẹt mất hình.

Chiều tắt nắng, nhà cửa, đường sá lên đèn, những chiếc thuyền dưới sông lại tiếp tục cuộc hành trình mưu sinh. Rồi đây những lớp người gắn bó với chài lưới sẽ già đi, những con thuyền sẽ đổi thay nhưng họ vẫn là những người ghi dấu một nét rất riêng trên dòng sông Mã bao đời vẫn chảy, chở buồn vui theo con nước vơi đầy giống như ông Căn, bà Họa. Gần hết đời người, 60 năm bên nhau, cuộc hôn nhân của họ được bồi đắp bằng yêu thương, sự thấu hiểu, tôn trọng và sẻ chia. Bên mạn thuyền, hai người bạn đời mái đầu bạc vẫn ngồi bên nhau, rì rầm những câu chuyện xưa cũ. “Thương nhau cả đời không hết, giận nhau, cãi nhau làm gì?”, câu nói của bà Họa khiến chúng tôi phải suy nghĩ. Bởi triết lý giữ lửa hôn nhân ấy không phải ai cũng hiểu và làm được...

Bài và ảnh: Tăng Thúy

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/chuyen-tinh-gia-ven-song-ma/114953.htm