Chuyện trong lòng địch của vợ chồng người khai sinh ra Saigon Co.op

Bà có bí danh là Chín Ngân (Nguyễn Thị Nghĩa), ông là Năm Nghị (Phạm Chánh Trực), là những chiến sĩ hoạt động nội tuyến trước 1975 ở Sài Gòn.

48 năm sau ngày thống nhất đất nước, họ giờ đã là những ông bà nội, ngoại đang thanh thản vui vầy cùng con cháu. Ngày 30/4 lịch sử, trong ký ức của cặp đôi Chín Ngân - Năm Nghị vẫn nguyên vẹn những tháng ngày hào hùng mà nghiệt ngã gian lao trong hành trình đấu tranh giành độc lập.

Vợ chồng ông Phạm Chánh Trực và bà Nguyễn Thị Nghĩa hiện tại, thanh thản với tuổi về chiều

Vợ chồng ông Phạm Chánh Trực và bà Nguyễn Thị Nghĩa hiện tại, thanh thản với tuổi về chiều

Chín Ngân là bí danh của bà Nguyễn Thị Nghĩa, người khai sinh hệ thống Saigon Co.op và Năm Nghị là bí danh của ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó bí thư Thành ủy TP.HCM, Phó chủ tịch UBND TP.HCM.

Họ là những chiến sĩ hoạt động ở nội thành Sài Gòn những năm chống Mỹ.

Gác nỗi niềm riêng

Gia đình là cơ sở cách mạng, là nơi các anh chị cán bộ Thành đoàn hay lui tới, họp hành nên hành trình đến với cách mạng của Chín Ngân cũng diễn ra hết sức tự nhiên.

Ban đầu là những việc làm nhỏ như liên lạc, đưa thư từ cho cha và các anh chị. Đến năm 1965, khi mới 16 tuổi, cô nữ sinh ấy đã thoát ly gia đình, trở thành một thành viên cốt cán trong phong trào học sinh - sinh viên chống Mỹ tại Sài Gòn.

Bà Nguyễn Thị Nghĩa - Chủ tịch HĐQT đầu tiên của Saigon Co.op - trong một hoạt động cộng đồng của Saigon Co.op

Bà Nguyễn Thị Nghĩa - Chủ tịch HĐQT đầu tiên của Saigon Co.op - trong một hoạt động cộng đồng của Saigon Co.op

Những năm này, ông Phạm Chánh Trực (Năm Nghị) đã là cán bộ Ban Thường vụ Khu Đoàn Sài Gòn - Gia Định. Chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân 1968, những chiến sĩ hoạt động trong nội thành liên tục về căn cứ học tập, tập dượt kế hoạch vũ trang giành chính quyền.

Những lần gặp gỡ qua tấm khăn che mặt, tình yêu giữa người cán bộ Thành đoàn và người nữ chiến sĩ hoạt động trong lòng địch nảy nở. Với ông, đó là người con gái với tính cách dịu dàng, hồn nhiên cùng vẻ đẹp lý tưởng rạng ngời trong đôi mắt. Còn với bà, đó là người lãnh đạo tài năng, đức độ và cương trực như cái tên của mình.

Sau trận chiến Mậu Thân 1968, địch tăng cường đàn áp các phong trào cách mạng. Trong một cuộc biểu tình đòi hòa bình của sinh viên - học sinh, bà bị bắt. Không khai thác được, địch phải thả tự do cho bà.

Chiến tranh ác liệt, bà ngần ngại không dám nghĩ đến chuyện riêng tư, chỉ mong mỏi một ngày hòa bình, để niềm vui riêng của mình được hòa vào niềm vui của đất nước.

Nhưng sự kiên trì của ông cùng sự vun vào của đồng đội đã khiến bà mềm lòng. Ngày hạnh phúc của họ lẽ ra đã đến, nhưng những trận càn liên miên của địch khiến lễ cưới đành gác lại. Tháng 5/1969, đến lượt ông bị bắt.

Ngục tù không giam cầm được ý chí và bản lĩnh của người thanh niên yêu nước. Năm 1970, ông vượt song sắt của nhà tù Tân Hiệp để trở về với đồng đội và bà.

Nhưng oái oăm thay, khi ông về đến căn cứ mới hay tin bà đã bị bắt và phải trải qua rất nhiều nhà tù: Biệt khu thủ đô, nhà tù Biên Hòa, rồi Quy Nhơn…

Tháng 3/1973, Chín Ngân được trao trả theo Hiệp định Paris. Vừa ra khỏi nhà tù, bà lại tiếp tục lao vào công tác nên phải đến 5 tháng sau, bà mới về tới cơ quan Thành đoàn, nơi có ông đang chờ đợi. Đám cưới được tổ chức ngay sau đó, trong niềm vui của đồng chí, đồng đội. Năm 1974, bà sinh một cháu gái..

Con gái được 2 tháng tuổi, bà lại phải nhận nhiệm vụ mới, xa con. Công việc chất chồng, một mình ông vừa phải nuôi con vừa lo việc nước. Bà một lần nữa lại rứt ruột gửi con về cho cơ sở ở thành, khi đứa trẻ chỉ mới được hơn 5 tháng tuổi.

Tháng 4/1975, bà rời cứ trở về Sài Gòn trong những ngày bừng bừng khí thế cách mạng. Trong những phút tranh thủ hiếm hoi, người mẹ trẻ lại lặng lẽ tìm đến nhà cơ sở thăm con. Nhưng đứa trẻ rời vòng tay mẹ khi chỉ mới 5 tháng tuổi đâu kịp nhận ra người đã dứt ruột đẻ ra mình.

Không kịp để tình riêng lấn át, bà lại lao vào các hoạt động cho đến ngày lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Dinh Độc Lập: Ngày 30/4/1975 lịch sử.

Ngọn cờ trong thời bình

Đất nước thống nhất, ông bà tiếp tục gác tình riêng lao vào cuộc chiến mới. Người thủ lĩnh Đoàn năm xưa với vai trò là Bí thư Thành đoàn TP.HCM lại phất cao ngọn cờ Thanh niên xung kích, hiệu triệu các tầng lớp thanh niên lên rừng xuống biển xây dựng kinh tế mới ở các tỉnh phía Nam.

Rồi ông tiếp tục đảm nhận các nhiệm vụ: Giám đốc Sở Giáo dục TP.HCM, Phó chủ tịch UBND TP, Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Phó ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM...

Bà Nguyễn Thị Nghĩa (trái), Chủ tịch HĐQT đầu tiên của Saigon Co.op, nhận Danh hiệu Đơn vị Anh hùng lao động

Bà Nguyễn Thị Nghĩa (trái), Chủ tịch HĐQT đầu tiên của Saigon Co.op, nhận Danh hiệu Đơn vị Anh hùng lao động

Bà cũng lao vào công việc mới. Từ công tác thiếu nhi ở Thành đoàn, dân vận ở quận 4… rồi chuyển sang làm thương nghiệp, Phó ban quản lý HTX Mua bán thành phố…

Va chạm với thương trường, đi nhiều nước, bà ấp ủ ước mơ TP.HCM có được những cửa hàng văn minh hiện đại như ở nước ngoài. Ước mơ đó đã thành hiện thực vào năm 1996, khi siêu thị Cống Quỳnh ra đời.

Đó chính là dấu ấn lớn nhất của bà. Không chỉ là bước ngoặt quan trọng cho nền tảng hệ thống bán lẻ hiện đại, Liên hiệp HTX mua bán (Saigon Co.op ngày nay) do bà khai sinh và lèo lái còn đảm nhiệm những mục tiêu phục vụ cho xã hội, cộng đồng.

Gần nửa thế kỷ bên nhau sau ngày hòa bình, bà nói rằng, cuộc đời bà may mắn lớn nhất là được gặp ông. Tình yêu của những người cùng chung chí hướng đã giúp ông bà cùng vượt qua nghiệt ngã của chiến tranh, vượt qua sóng gió của thời bình và hạnh phúc bình an hiện tại.

Thùy Linh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/chuyen-trong-long-dich-cua-vo-chong-nguoi-khai-sinh-ra-saigon-coop-d589553.html