Chuyện trường mầm non đạt chuẩn
Được dạy và học ở trường mầm non đạt chuẩn quốc gia là niềm hạnh phúc của cả cô và cháu. Tuy nhiên, quá trình xây dựng cũng như duy trì trường mầm non đạt chuẩn còn những khó khăn.
Niềm vui ở trường chuẩn quốc gia
Tới Trường Mầm non Hướng Dương (xã Cầu Bà, huyện Khánh Vĩnh), trước mắt chúng tôi là ngôi trường khang trang nằm bên con dốc nhỏ, dưới tán cây xanh, yên bình đến lạ. Cô giáo Trần Thị Loan kể: “Dạy học được 7 năm thì 5 năm tôi làm việc tại cơ sở cũ. Trường cũ mọi thứ đều thiếu, nhất là nước sạch. Giờ đây, ngôi trường đã thay đổi hoàn toàn. Trường chuẩn giúp chúng tôi có thêm động lực gắn bó, hoàn thành trách nhiệm chăm sóc trẻ và giữ gìn trường thêm đẹp”. Cô Lê Thị Nga - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường được thành lập năm 2005 với 6 lớp, học tại điểm chính và 3 điểm trường là các nhà sinh hoạt cộng đồng mượn tạm của thôn. Tháng 11-2019, trường khởi công tại địa điểm hiện nay và đưa vào sử dụng từ tháng 1-2021; tổng diện tích 5.000m2, 8 phòng học, 3 phòng chức năng, khối hành chính và bếp ăn một chiều. Đến tháng 11-2022, trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Hiểu rõ áp lực trường chuẩn thì trách nhiệm cũng tăng, nhà trường luôn chú trọng tập huấn chuyên môn định kỳ, hàng năm; thực hiện mọi công việc thật bài bản. Hiện nay, 12 giáo viên của trường đều có trình độ từ cao đẳng trở lên, chăm sóc cho 166 trẻ, hầu hết là trẻ dân tộc thiểu số. Hàng năm, tỷ lệ trẻ đi học chuyên cần tăng, trẻ mẫu giáo ra lớp đạt 100%, trẻ suy dinh dưỡng giảm dần so với trước.
Trường Mầm non thị trấn Diên Khánh được đầu tư xây mới và công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 từ tháng 5-2022. Ngôi trường mang lại cảm giác thân thiện, thoải mái. Những thảm cỏ xanh mát mắt, những góc thư viện xinh xắn, vườn rau, vườn hoa dễ thương, rực rỡ sắc màu… Đặc biệt, trường có hẳn một phòng STEM để trang bị cho các bé những kiến thức, kỹ năng đầu tiên liên quan đến khoa học, cuộc sống. Tại đây, các bé có thể thoải mái nằm dài trên nệm đọc sách, vẽ tranh, soi kính lúp tìm hiểu về thế giới vi sinh vật, trái đất, tập làm kỹ sư cơ khí… Nhà trường trang bị cả iPad để trẻ học kỹ năng liên hoàn, hay trải nghiệm các chuyến du lịch qua màn ảnh nhỏ…
Còn khó khăn
Tuy vậy, Trường Mầm non thị trấn Diên Khánh cũng phải chịu sức ép tuyển sinh do ở địa bàn đông dân, trong khi biên chế phải giảm 10% theo lộ trình hàng năm. Vì vậy, tuy đã giảm 2 người nhưng trường vẫn còn 7 giáo viên hợp đồng. Còn Trường Mầm non Suối Hiệp (huyện Diên Khánh) tuy vừa được công nhận lại trường chuẩn quốc gia mức độ 1, nhưng hiện nay, một số phòng học, nhà vệ sinh không còn phù hợp với tiêu chuẩn của Thông tư 13 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) về tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học. Trường cũng thiếu phòng tin học, ngoại ngữ và trang thiết bị hiện đại…
Khó khăn về cơ sở vật chất cũng là nguyên nhân chính khiến nhiều trường tại TP. Nha Trang nhiều năm qua chưa thể đạt chuẩn quốc gia. Cô Vũ Thị Lĩnh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Ngô Thời Nhiệm cho biết, trường có 2 cơ sở. Cơ sở 1 có diện tích 304m2 vốn là nhà dân hiến đất cho trường từ năm 1997, được cải tạo lại. Tại đây, trẻ của 4 lớp phải sử dụng chung 1 nhà vệ sinh. Cơ sở 2 được xây từ năm 2013, có nhà vệ sinh khép kín, nhưng tổng diện tích chỉ 251m2. Để đạt chuẩn quốc gia, cơ sở 1 phải được đầu tư xây mới hoàn toàn. Tương tự, tại Trường Mầm non Vạn Thạnh, tuy đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đều đã đạt chuẩn về trình độ đào tạo, nhưng trường lại không đủ tiêu chuẩn diện tích, không có phòng chức năng. Theo cô Huỳnh Thị Mỹ Phương - Hiệu trưởng nhà trường, các phòng học chưa có khu vực học tập, ăn và ngủ riêng biệt. Trường phải tận dụng hành lang phía ngoài làm khu vực ăn uống cho trẻ. Mỗi mùa mưa, trường lại chịu cảnh ngập lụt do ở chỗ trũng; một số phòng học bị dột, thấm nước…
Bà Phạm Thị Châu Anh - Phó Trưởng phòng GD-ĐT TP. Nha Trang cho biết, hiện nay, thành phố có 21/39 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Tuy đã được thành phố quan tâm nhưng khó khăn nhất hiện nay là thiếu quỹ đất xây dựng và mở rộng trường học. Bên cạnh đó, nhiều trường mầm non công lập còn thiếu giáo viên, ảnh hưởng đến công tác chăm sóc, nuôi dạy trẻ. Còn tại huyện Khánh Vĩnh, hiện có 8/16 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, phấn đấu đến năm 2025 có thêm 1 trường. Nhưng theo ông Lê Minh Trung - Trưởng phòng GD-ĐT huyện, huyện cũng khó nâng số trường đạt chuẩn vì diện tích đất của các trường còn hạn chế; thiết bị, đồ dùng dạy học thiếu.
Ông Đỗ Hữu Quỳnh - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT nhận định, 5 năm qua, công tác xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia đã được tỉnh quan tâm; các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương phối hợp. Tỷ lệ trẻ học 2 buổi/ngày đạt 100%; trẻ được ăn bán trú đạt hơn 96%; trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thể thấp còi và trẻ em béo phì hàng năm giảm rõ rệt. Tuy nhiên, hiện nay, cơ sở vật chất một số trường xuống cấp; thiếu phòng làm việc, phòng chức năng; nhiều phòng học, công trình vệ sinh xây dựng không đúng quy chuẩn mới… Cùng với đó, một số trường đã đến hạn đăng ký đề nghị công nhận đạt chuẩn nhưng thiếu cán bộ quản lý. Ngoài ra, toàn tỉnh thiếu gần 800 giáo viên mầm non nên nhiều cơ sở phải hợp đồng. Tại một số địa phương như Cam Ranh, Nha Trang, quỹ đất của một số trường còn hạn hẹp; một số điểm trường lẻ chưa tổ chức bán trú 100% cho trẻ mẫu giáo. Một số trường miền núi, nông thôn có 2 - 3 điểm trường cách xa nhau cũng khó phân chia trẻ theo độ tuổi.
Cần tiếp tục quan tâm
Cô Huỳnh Thị Quỳnh Hoa - Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Diên Khánh tâm sự, phấn đấu đạt chuẩn, giữ chuẩn và nâng chuẩn không dễ, nhưng suy cho cùng, mục tiêu tiên quyết là chăm sóc, giáo dục trẻ. Vì vậy, nhà trường đã chủ động rà soát các điều kiện, xây dựng kế hoạch chiến lược 5 năm và tầm nhìn 5 năm tiếp theo, rà soát từng năm, tham mưu từng tiêu chí, đề xuất bổ sung theo lộ trình.
Ông Đỗ Hữu Quỳnh cho biết, việc xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia nhằm bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, việc tập trung củng cố, nâng cao chất lượng các trường đã đạt chuẩn và phấn đấu được công nhận và công nhận lại trường chuẩn là nhiệm vụ quan trọng. Các địa phương cần rà soát, đánh giá thực trạng hiện có để xác định nhu cầu xây dựng, sửa chữa, cải tạo đáp ứng các quy định; có lộ trình cụ thể trong giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến 2030. Bên cạnh đó, tăng cường củng cố bộ máy tổ chức trong nhà trường; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; quan tâm mở rộng diện tích trường, xây dựng phòng học, phòng bộ môn, phòng chức năng, đầu tư trang thiết bị dạy học; từng bước xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin gắn với lộ trình chuyển đổi số. Các trường cần phát huy tính chủ động, sáng tạo trong công tác tham mưu nhằm huy động nguồn lực phát triển. Đặc biệt, nâng cao chất lượng chăm sóc, sức khỏe và dinh dưỡng cho trẻ; phát triển các điều kiện và hoạt động của trường theo tiêu chí lấy trẻ làm trung tâm… Ngành cũng đề nghị Bộ GD-ĐT tham mưu bổ sung nhân sự cho các trường mầm non công lập, đảm bảo các điều kiện cơ bản về trường chuẩn; UBND tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư quỹ đất, nguồn kinh phí để các trường đầu tư bổ sung phòng thư viện đúng quy chuẩn, xây phòng học, các hạng mục công trình, mua sắm đồ dùng, thiết bị dạy học và bổ sung biên chế còn thiếu so với định mức quy định cho các trường.
Hiện nay, toàn tỉnh có 205 trường mầm non, mẫu giáo (160 trường công lập, 45 trường tư thục); 406 cơ sở giáo dục mầm non độc lập. Trong đó, có 99 trường đạt chuẩn quốc gia (90 trường đạt mức độ 1, 9 trường đạt mức độ 2), chiếm 48%, tăng 45 trường so với 5 năm trước. Phấn đấu đến năm 2025, có thêm 21 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.