Chuyện từ dòng sông Ông Chưởng

Những đứa trẻ quê tôi đã lớn lên với lời ru ngọt ngào ầu ơ dí dầu: 'Bao phen quạ nói với diều/ Cù lao ông Chưởng thiếu gì cá tôm'…

Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.

Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Xin trân trọng giới thiệu bài viết Chuyện từ dòng sông ông Chưởng của tác giả Nguyễn Minh.

Dòng sông tuổi thơ

“Quê tôi ai cũng có một dòng sông bên nhà

Con sông quê gắn bó với tuổi thơ đời tôi”

(Trở về dòng sông tuổi thơ)

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp, người con quê hương Chợ Mới (An Giang) từng làm thổn thức bao trái tim người nghe nhạc với lời hát tha thiết đó. Thật vậy, những con sông đã bao đời gắn bó với người dân Chợ Mới quê tôi.

Sông Ông Chưởng bắt nguồn từ sông Tiền, chảy vào từ đầu thị trấn cùng tên Chợ Mới, khúc khuỷu 23km qua thêm 6 xã lần lượt gồm: Long Điền A, Long Điền B, Kiến An, Kiến Thành, Long Giang, Long Kiến rồi đổ ra sông Hậu, với hữu ngạn là xã Long Giang, tả ngạn là xã Long Kiến quê tôi.

Cùng với sông Tiền, sông Hậu, sông Ông Chưởng đã mang dồi dào cá tôm và nguồn nước đến tưới mát lành cho con người, làm tốt tươi cho những rẫy hoa màu, ruộng lúa. Thấy rõ nhất, nhiều các kênh rạch nhỏ lấy trực tiếp nước “phân phối” lại từ sông ông Chưởng trên đường sông chảy qua...

Sông ông Chưởng đặc biệt từ cái tên. Người lớn quê tôi giải thích cho trẻ nhỏ hiểu, “ông Chưởng” chính là cách gọi vắn tắt tên hiệu của Khâm sai Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (1650 - 1700). Một vị tướng tài ba có công mở nước ta xuống phía Nam, dẹp yên giặc giúp dân an tâm định cư lâu dài.

Người dân quê tôi cũng quen gọi sông ông Chưởng là sông Cái, tức sông lớn. Trùng hợp, ông bà, cha mẹ hay kể về một loài cá to lớn trên sông. Loài cá được miêu tả thân thiện, tinh khôn thích bơi gần con người. Hoặc bởi chúng có quá nhiều và lớn hàng trăm kg nên con người rất hay gặp.

Ba tôi nói khoảng đầu những năm 1970 vẫn thấy cá trên vàm Cái Hố, nơi cuối sông Ông Chưởng. Cá được gọi là “cá nược”, “ông nược”. Mẹ tôi lúc nhỏ đến thăm họ hàng ở chợ vàm Chưng Đùng thấy cá bơi ngoài sông. Bà kể, hễ gặp và mở miệng rủ rê: “Nược đua! Nược đua”. Cá liền bơi quyết liệt như muốn tranh tài cùng con người.

Con nít tắm dưới sông, cá nược bỗng nổi lên như muốn đùa giỡn cùng… Những câu chuyện khiến con nít tò mò, mê tít.

Tôi đi học, sông như theo mỗi buổi đến trường, về nhà. Bởi con đường “vẽ” theo dáng sông Ông Chưởng. Vào buổi nước lớn, nhìn xuống thấy mực nước sông thấp hơn mặt đường nhiều. Còn những khi nước ròng, sông lộ ra những bờ bãi đất trải dài ngút ngàn.

Vào những năm nước lũ dâng cao, ngập gần hết con đường, việc giao thông đường bộ đình trệ. Người dân tốt bụng dùng trẹt, tắc ráng đưa rước học sinh, giáo viên đến trường miễn phí.

Ngồi lướt trên mặt sông Ông Chưởng rộng lớn mênh mang, tôi nhìn rõ ràng cả đôi bờ sông. Nơi nhiều những ngôi nhà nằm san sát ven bờ, quay lưng ra sông - nét đặc trưng trong sinh hoạt của người dân vùng sông nước.

Sông Ông Chưởng là tuyến đường giao thông, giao thương vô cùng quan trọng của người dân quê tôi vào thời xe máy chưa nhiều, đường bộ chưa nối liền, phẳng phiu như ngày nay.

Một ngôi nhà được xây bên sông ông Chưởng bất chấp rủi ro sạt lờ. Ảnh chụp năm 2022: Nguyễn Minh

Một ngôi nhà được xây bên sông ông Chưởng bất chấp rủi ro sạt lờ. Ảnh chụp năm 2022: Nguyễn Minh

Từ làng mộc Chợ Thủ trứ danh, tủ, bàn, ghế được người mua chất xuống tàu ghe theo đường sông mang về nhà. Những ghe chở đầy tranh kiếng Bà Vệ mộc mạc xuôi ngược dòng mà rẽ vào mương, rạch nhỏ hơn, vào tận các xóm rao bán.

Nhưng, đáng nhớ hơn hết với những đứa trẻ quê tôi, vừa qua mùa gió bấc, những lái tro từ làng nghề “độc lạ” Trà Thôn cũng theo dòng ông Chưởng tìm về các xóm tìm mua tro lẻ từ các đống un sưởi ấm của chúng tôi để dành.

Tại cù lao Chợ Mới, nơi ông Chưởng Nguyễn Hữu Cảnh từng dừng chân, ghi nhớ công ơn, từ xưa người dân đã lập những dinh thờ. Không những vậy, tên, tước hiệu của ông đang được thành kính đặt cho tên sông, tên trường học, cầu, đường ở địa phương để thế hệ sau thêm ghi nhớ.

Các dinh thờ thường nằm gần bờ sông, vàm sông. Tôi được biết sạt lở từng ảnh hưởng đến dinh thờ ở xã Kiến An. Năm 2023, tại vàm Chưng Đùng nằm giữa hai xã An Thạnh Trung và Long Kiến, chính quyền khánh thành cây cầu bê tông kiên cố bắc ngang con rạch thay thế cầu gỗ cũ, đặt tên cầu Dinh Ông, gần nơi nhiều năm trước kia đặt dinh thờ.

Vụ sạt lở đất bờ sông ngày xưa khiến đoạn đường ven sông ông Chưởng và ngôi chợ quê tôi phải “dời” đi chỗ khác. Dinh ông Chưởng được “thỉnh” về chung với đình thần Long Kiến như hiện nay.

Bài học từ quá khứ

Đứa trẻ nào quê tôi chẳng từng được cha mẹ, ông bà kể. Điều thế hệ trước thấy bình thường nhưng thành huyền thoại với chúng tôi. Sau này lớn lên, tôi được biết “cá nược” là một loài cá heo nước ngọt. Nay được gọi là cá heo Irrawaddy, chỉ sống ở thượng lưu Mekong (đông bắc Campuchia đến biên giới Lào) với số lượng rất ít…

Những “ông nược” đã bị tuyệt diệt tại quê tôi từ lâu? Hay đã kịp trốn chạy đi hết nơi khác? Những “hậu duệ” của chúng đã thành “cư dân” ở nơi chốn mới mà quên mất, chẳng còn thiết tha quê hương bản quán?

Do môi trường sống bị ảnh hưởng, hậu quả của việc săn bắt bằng chất nổ, tận diệt mà ra. Những người lớn tuổi khi hỏi đều tiếc và đưa ra chung những lý do kể trên khiến không chỉ cá nược mà còn nhiều loài cá khác biến mất.

Những năm gần đây, hiện tượng di cư, ly hương ở Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra ồ ạt. Quê tôi cũng không ngoại lệ. Người ta có thể chứng minh sự di cư bằng số liệu thực tế chính xác nhất.

Còn với những người dân bình thường thì sự thật qua đôi mắt. Dễ thấy nhất, lễ hội kỳ yên dinh, đình quê tôi từ lâu không còn đông đúc chật ních người, rộn ràng như trước kia. Xóm nào giờ chẳng có người đi là ăn xa? Nhiều gia đình nông thôn chỉ còn lại người già và trẻ em…

Điện, đường, trường, trạm đã được đầu tư hoàn chỉnh. Bộ mặt và đời sống nông thôn đã thay đổi rất nhiều. Mùa lũ vất vả đến trường chỉ còn là ký ức của những thế hệ trước. Thế sao tỉ lệ học sinh bỏ học ở Đồng bằng sông Cửu Long vẫn cao? Người dân ở các làng quê vẫn đành lòng rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, mảnh đất tiên tổ để đi tha hương xứ khác?

Những con sông luôn gắn bó với người dân Chợ Mới quê tôi. Những đứa con trên vùng đất lớn lên cùng lời ru ngọt ngào của mẹ, của bà trên chiếc võng cùng bài ca dao: “Bao phen quạ nói với diều/ Cù lao ông Chưởng thiếu gì cá tôm”. Câu hát xưa và cả dòng sông của xứ sở đã tắm mát, nuôi lớn tuổi thơ của biết bao người!

Cá tôm dồi dào từng là sinh kế của không ít người dân quê. Nhưng, thực tế mùa lũ có còn về như xưa? Cá, tôm có đủ để nuôi sống dân số ngày càng nhiều thêm, trong khi lũ kém, việc đánh bắt bằng biện pháp tận diệt vẫn còn xảy ra? Chưa kể, “cá, tôm” liệu còn là “cần câu cơm”, mục tiêu hướng đến trong cuộc sống hiện đại?

Đặc biệt, hiện tượng sạt lở đất bờ sông ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long được ghi nhận liên tục, bất thường những năm gần đây, không theo quy luật nào. Hậu quả và việc khắc phục tiêu tốn rất nhiều tiền của của người dân, Nhà nước và là mối nguy đe dọa thường trực cuộc sống của nhiều người dân khác.

Con sông đã bao đời gắn bó với người dân Chợ Mới quê tôi. Ảnh: Nguyễn Minh

Con sông đã bao đời gắn bó với người dân Chợ Mới quê tôi. Ảnh: Nguyễn Minh

Ngược lại, dù sạt lở “bao phen” xảy đến trong quá khứ và hiện tại nhưng vẫn chưa thành bài học của người dân quê tôi. Thói quen xây cất nhà cửa, quán xá gần sông rạch của người dân chưa thay đổi hoàn toàn. Thậm chí cho rằng “sông khi lở, khi bồi”. Xuôi ngược theo sông ông Chưởng có thể thấy rõ mối nguy. Và, sự chưa quyết liệt của địa phương, thì hậu quả của sạt lở vẫn còn trong tương lai gần, xa…

Sống, ứng phó hiệu quả cùng hiểm họa sạt lở và đảm bảo sinh kế bền vững, lâu dài không chỉ là bài toán “khó nhằn” đang giải trên dòng sông Ông Chưởng quê tôi, mà của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Khi chúng ta đang kể cho nhau nghe câu chuyện về những dòng sông thì nắng nóng gay gắt, thiếu nước và hiện tượng hạn mặn đang diễn ra khốc liệt ở các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long. 90% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long có thể sẽ bị nhấn chìm vào năm 2100 vì ảnh hưởng biến đổi khí hậu, trong đó có tác động của nước biển dâng.

Tôi tự hỏi: “Người dân sẽ đi đâu, về đâu, ra sao nếu điều đó xảy đến?”. Tôi bất chợt nghĩ đến những con cá heo tại vàm Cái Hố, Chưng Đùng trên sông Ông Chưởng, trên sông Tiền, sông Hậu từ lâu đã hoàn toàn biến mất...

Chẳng phải sự thật này cũng là lời cảnh tỉnh nghiêm khắc từ sông dành cho chính chúng ta? Không thay đổi, “biết cách” sống chung với thế giới tự nhiên, chính con người có thể sẽ phải trả một giá đắt, thật đắt…

Nguyễn Minh

Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.

Cơ cấu giải thưởng: 01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng.

Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TPHCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TPHCM nhận giải.

Để biết thêm thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, xin vui lòng truy cập địa chỉ sau: https://vietnamnet.vn/bao-vietnamnet-to-chuc-cuoc-thi-chuyen-cua-nhung-dong-song-2255386.html

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chuyen-cua-nhung-dong-song-chuyen-tu-dong-song-ong-chuong-2288442.html