Chuyện tu sửa trường lớp 40 năm trước

Tháng 8-1977, tôi được Ty Giáo dục Gia Lai-Kon Tum chuyển từ Trường Sư phạm Mẫu giáo tỉnh ở Kon Tum về Trường Phổ thông cơ sở xã Ia Grai thuộc huyện Chư Păh cũ (nay là xã Ia Tô, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai).

Năm ấy, mưa dầm còn kéo dài nhiều ngày hơn năm nay, đường từ thị trấn về xã bùn lầy ngập ngụa nên xe ô tô không đi được, ngoại trừ xe máy cày, còn tất cả phải đi bộ. Bầu trời lúc nào cũng âm u, cả ngày hầu như chẳng thấy mặt trời, những lúc không mưa thì không gian cũng đặc một màn sương mù đẫm hơi nước. Các con đường làng, thậm chí ngõ, thềm nhà ai cũng phủ rong rêu. Ngay cả những cây dâu đất trong rừng thân, gốc xù xì gân guốc là vậy mà vẫn bám đầy địa y, rêu xanh trơn nhẫy.

Ngay sau ngày giải phóng, hệ thống giáo dục ở Tây Nguyên cũng như Gia Lai được mở xuống tận làng nên cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy và học chưa kịp đáp ứng. Ngoại trừ số ít phòng học ở vùng có điều kiện được xây dựng khá kiên cố, còn lại hầu như trường học nào trong huyện cũng đều tạm bợ: mái lợp lá tranh, vách thưng bằng nứa đan thành liếp, phía mặt trước thì dựng cao tới ngực chừa cửa ra vào và hoàn toàn không có cánh cửa. Do vậy, suốt mấy tháng nghỉ hè đúng vào mùa mưa, gia súc mặc sức vào ra, may là bàn ghế học sinh đã chuyển về khu nhà ở giáo viên, số không chuyển được thì xếp kê cao ở cuối lớp học. Thường thì mỗi làng đều bố trí ít nhất một lớp học. Cụm trường chính đã tre nứa thì các cụm lẻ ở các làng cũng tre nứa. Vậy là chỉ sau một năm học, tất cả đều hư hỏng xuống cấp!

Đầu tháng 8, sau khi giáo viên học chính trị ở huyện về, nhà trường liền bắt tay ngay vào công tác chuẩn bị khai giảng. Việc đầu tiên và quan trọng nhất là phải xây dựng, tu sửa phòng học rồi sau đó là đến từng nhà vận động phụ huynh cho con em đến lớp. Sau khi lãnh đạo xã và trưởng thôn, già làng đi kiểm tra hiện trạng các lớp học, họp thống nhất với ban giám hiệu nhà trường, các làng liền phân công lực lượng tham gia, chủ yếu là nam giới. Ngày ấy, rừng còn rậm rạp lắm, cây gỗ, tre nứa và cỏ tranh đã sẵn. Các làng xa như Delung, Del, Hlũ… bước vài chục bước là đã tới cửa rừng. Dưới thung lũng, qua mấy tháng mưa, cỏ tranh mọc kín cao đến đầu người, còn lồ ô, tre, nứa thì um tùm ven theo các bờ suối Ia Bẽ, Ia Tô, Ia Châm... Khác với tập quán thường ngày là lên nương rẫy khoảng 9 giờ sáng, mấy ngày làm việc sửa trường, bà con Jrai các làng lại dậy ăn cơm sớm rồi vào rừng. Tốp vác theo dao rựa chặt cây, tốp khác thì mang liềm cắt cỏ tranh. Cắt xong bó thành bó lớn rồi vác lên đồi, sẵn xe bò chở về. Nhóm đốn gỗ, chặt tre, nứa cũng vậy.

Hiện nay, nhiều trường học trên địa bàn huyện Ia Grai đã được xây dựng kiên cố. Ảnh: Thanh Nhật

Hiện nay, nhiều trường học trên địa bàn huyện Ia Grai đã được xây dựng kiên cố. Ảnh: Thanh Nhật

Đông người nên chỉ chuẩn bị vật liệu chừng 2 ngày là đã đủ, tất cả bắt tay vào triển khai công việc. Làng nào cũng cử hẳn một vài chị em phụ nữ lo việc nấu nướng phục vụ ăn uống. Gạo thì góp, còn bí, dưa, rau đã sẵn, thêm ít bắp luộc ăn giữa bữa. Vậy là mặc cho trời mưa, ai nấy quàng tấm ni lông, người chẻ lạt, đập dập lồ ô, tre nứa; người đan liếp, người đánh tranh; nhóm khác buộc đòn tay, rui mè; gia cố lại những cây cột cái chôn sâu ở hai đầu dãy phòng học... Không quá 1 tuần thì các phòng học cũ đã như thay chiếc áo mới, tươm tất hẳn lên. Bà con lại trở về với công việc thường ngày và đội ngũ giáo viên được nhà trường phân công đến tận làng, vào từng nhà gọi nhắc học sinh đến trường, chuẩn bị bước vào khai giảng năm học mới. Trường lớp tuy đơn sơ tạm bợ nhưng các em đến trường rất đông vui.

Suốt mấy năm liền, năm học nào cũng vậy, công việc tu sửa trường lớp cứ diễn ra năm sau như năm trước: qua hè thì cơ sở vật chất xuống cấp, cuối hè lại nhờ dân làng tu sửa. Mãi cho đến những năm cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, tình trạng này mới được cải thiện dần. Thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, hàng loạt trường học được xây mới hoàn chỉnh, đầy đủ công năng phục vụ việc dạy và học. Cùng với các lớp học khang trang, đủ tiêu chuẩn về diện tích, ánh sáng… thì hầu như trường nào cũng có phòng thí nghiệm, thư viện, nhà đa năng, sân chơi…

Hơn 40 năm đã qua, nếu có dịp lên Ia Tô sẽ thấy cảnh cũ hoàn toàn đổi khác, không còn đường đất đầy bụi mùa khô và bùn lầy mùa mưa mà thay vào đó là những con đường trải nhựa, trải bê tông thông suốt đến tận làng. Những khu rừng ven làng giờ bạt ngàn cà phê, điều và vườn cây ăn quả. Tất cả đã đổi thay, chuyện làm trường bằng tranh, tre, nứa, lá ngày xưa giờ chỉ còn trong ký ức những người thuộc thế hệ đã vào hàng “xưa nay hiếm”.

THANH PHONG

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12400/202108/chuyen-tu-sua-truong-lop-40-nam-truoc-5748474/