Chuyển từ trường đại học sang đại học: Phải giải phóng được năng lực sáng tạo của cơ sở giáo dục

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng chuyển đổi lên đại học, nhà trường phải giải phóng năng lực sáng tạo đến đơn vị cấp thấp nhất, như vậy mới đạt được thành công.

Sáng 12/1, lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ chuyển Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thành Đại học Kinh tế Quốc dân đã được diễn ra.

Vinh dự và tự hào về sự công nhận những cống hiến của nhà trường trong thời gian qua, phát biểu tại buổi lễ GS.TS Phạm Hồng Chương – Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân bày tỏ để có được bước chuyển mình như ngày hôm nay là nhờ sự nỗ lực của toàn bộ đội ngũ tập thể của nhà trường và các em sinh viên.

Điểm lại lịch sử, GS.TS Phạm Hồng Chương cho biết: "Sự ra đời của nhà trường nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách đào tạo đội ngũ những chuyên gia kinh tế phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Đến nay, cùng với sự đổi mới toàn diện, Đại học Kinh tế Quốc dân đã đi trong việc phổ biến kiến thức về kinh tế thị trường của Việt Nam".

Sự chuyển đổi sang mô hình đại học là sự khẳng định vị thế đặc biệt của Đại học Kinh tế Quốc dân trong nền giáo dục đại học của Việt Nam.

Trước đó, đầu năm 2024, Đại học Kinh tế Quốc dân đã thành lập 3 trường trực thuộc là Trường Kinh tế và Quản lý công, Trường Kinh doanh và Trường Công nghệ. Ông Chương đánh giá hoạt động này thể hiện tầm nhìn chiến lược để trở thành một trường đại học thông minh, hiện đại, là trung tâm đào tạo bồi dưỡng thu hút nhân tài.

GS.TS Phạm Hồng Chương - Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân.

GS.TS Phạm Hồng Chương - Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân.

Cùng với đó, trong những năm gần đây, nhà trường đã chú trọng trong việc chuyển đổi số, đầu tư chiều sâu vào việc áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Thời gian tới, hoạt động học và thi của học sinh sẽ được diễn ra 100% trên máy, tiếp tục đổi mới những trải nghiệm học tập tốt nhất cho sinh viên. Từ đó, xây dựng một môi trường học được mở, khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới.

Gửi tới toàn thể lãnh đạo, giảng viên, sinh viên lời chúc mừng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đánh giá ngày hôm nay sẽ đi vào lịch sử phát triển của nhà trường, thể hiện vai trò của Đại học Kinh tế Quốc dân trong nền giáo dục và với toàn xã hội.

"Từ nay, cái tên Đại học Kinh tế Quốc dân sẽ thay thế cho Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Sự khác biệt ở chỗ, bớt đi một từ đầu tiên trong cái tên, nhưng mở đường cho một chữ "đại" lên đầu và giúp cho trường hướng tới cái "đại" trên mọi phương diện", ông Nguyễn Kim Sơn chia sẻ.

Nói về sự khác biệt giữa đại học và trường đại học, Bộ trưởng nhấn mạnh vấn đề then chốt không phải là chỗ to hay nhỏ. Ở trường đại học cũng có thể phát triển quy mô rất lớn, cũng có những kết quả nghiên cứu và đào tạo chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế.

Nhưng đại học quan trọng ở chỗ đó là một thực thể lớn với cấu trúc bên trong. Đòi hỏi khả năng và trình độ quản trị đại học cao, hướng tới sự phát triển và thể hiện khát vọng, sức mạnh của đất nước.

Phải đề cao tính tự chủ, năng động đối với mô hình đại học.

Phải đề cao tính tự chủ, năng động đối với mô hình đại học.

Ông Nguyễn Kim Sơn lưu ý: "Đại học cho phép phát huy quyền tự chủ và năng động. Quyền tự chủ có thể được thực hiện tới tận đơn vị cấp thấp nhất, tới các nhóm chuyên môn, các nhà khoa học. Nếu thiết kế mô hình tổ chức không hướng tới việc giải phóng năng lực sáng tạo từ bên trong của cơ sở giáo dục, thì sự chuyển đổi mô hình không đem lại giá trị mới".

Vì vậy, trong định hướng phát triển thời gian tới, Bộ trưởng mong muốn Đại học Kinh tế Quốc dân cần hướng tới cơ cấu đa ngành một cách hợp lý, sao cho phát huy được lợi thế, sở trường và sức mạnh truyền thống.

Ở đây, đa ngành không có nghĩa là tất cả những gì người khác làm, thì mình cũng làm. Không nên xa rời mục tiêu và sứ mệnh chính của mình. Điều này rất quan trọng để tiếp nối và phát huy trong mô hình tổ chức và quản trị mới. Bộ trưởng kỳ vọng vào một cuộc lột xác thay đổi từ tầm vóc bên trong và hình dáng bên ngoài của nhà trường.

Trước đó, ngày 15/11, Chính phủ có quyết định chuyển Trường Kinh tế Quốc dân thành đại học. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân trở thành đại học thứ 9 của Việt Nam.

Đại học Kinh tế quốc dân là cơ sở giáo dục công lập thuộc Bộ GD&ĐT, có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng.

Chính phủ cũng yêu cầu Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức lại cơ cấu tổ chức và hoạt động theo Luật Giáo dục đại học và các quy định liên quan.

Theo cơ cấu tổ chức mới khi lên Đại học, PGS.TS Bùi Đức Thọ - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân trở thành Chủ tịch Hội đồng Đại học Kinh tế Quốc dân.

GS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân trở thành Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân.

Cả nước hiện có 9 đại học, gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Quốc gia Tp. HCM, Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách khoa Hà Nội, Kinh tế Tp.HCM, Đại học Duy Tân và Kinh tế Quốc dân. Trừ Đại học Duy Tân là đại học tư thục, còn lại là cơ sở công lập.

Nguyễn Hoa Trà

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/chuyen-tu-truong-dai-hoc-sang-dai-hoc-phai-giai-phong-duoc-nang-luc-sang-tao-cua-co-so-giao-duc-204250112124717798.htm