Chuyển tuyến nhiều, TP HCM chật vật với bệnh sởi
Số bệnh nhân sởi chuyển tuyến đến các bệnh viện chuyên khoa nhi ở TP HCM rất đông. Càng chuyển tuyến nhiều, nguy cơ lây nhiễm bệnh càng cao
Thông tin trên được TS-BS Ngô Ngọc Quang Minh, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), cho biết tại buổi làm việc với đoàn công tác Bộ Y tế về việc ứng phó bệnh sởi trên địa bàn ngày 29-8.
Theo BS Minh, từ tháng 8 đến nay, số ca bệnh sởi tăng nhanh. Trong 8 tháng đầu năm 2024, bệnh viện tiếp nhận 368 ca nhập viện, trong đó 42 ca nặng (28% thở máy; 60% có bệnh nền). Bệnh nhân từ tuyến tỉnh chuyển lên chiếm 66%. Rất may, hiện chưa có ca tử vong.
Đáng chú ý, không có bệnh nhân nặng nào từ tuyến tỉnh chuyển lên tiêm ngừa vắc-xin sởi đủ 2 mũi.
Để kiểm soát tình hình lây nhiễm chéo trong bệnh viện, theo BS Minh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã thành lập ban chỉ đạo chống dịch, lên phương án chi tiết từng tình huống để phát hiện ca sởi và xử trí nhuần nhuyễn; có dự trù nhân sự, thuốc, vật tư, trang thiết bị.
"Bệnh nhi có triệu chứng mắc sởi được sàng lọc tại khoa khám bệnh, có dấu hiệu nặng thì vào khu cách ly. Bệnh nhân không nặng thì vào phòng khám chuyên sởi của bệnh viện để theo dõi điều trị. Nếu bệnh nhân cần nhập viện sẽ được cách ly khu riêng. Khi mua thuốc, nhà thuốc cũng có cửa bán riêng cho bệnh nhi mắc sởi hoặc nghi mắc sởi. Mọi khâu đều có khu riêng biệt" - BS Minh dẫn chứng.
BS Minh cho biết hiện thuốc IVIG còn nhưng thời gian tới, nếu dịch sởi lan rộng hơn hoặc có những bệnh dịch khác như tay chân miệng thì có nguy cơ thiếu hụt. Một số thuốc cấp cứu trong điều trị sốt xuất huyết, sởi, tay chân miệng như Dopamin cũng đang cạn.
"Bệnh viện đã họp hội đồng chuyên môn tìm thuốc thay thế nhưng sẽ không thể hiệu quả 100% như Dopamin. Đề xuất Bộ Y tế không chỉ hỗ trợ Nhi Đồng 1 mà còn cho tất cả các bệnh viện trong cả nước có nguồn thuốc chống dịch, thuốc cấp cứu ổn định, đồng thời đảm bảo đáp ứng vật tư, thuốc chống dịch" - bác sĩ Minh nhấn mạnh.
Ông Lê Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược, cho biết hiện thuốc IVIG trong kho dự trữ có gần 50.000 lọ, vitamin A gần 3 triệu lọ. Riêng Dopamin, dự kiến trong tháng tới sẽ nhập 30.000 lọ. Nếu các bệnh viện cần cung ứng, Cục Quản lý Dược sẽ hỗ trợ để tiếp cận các nguồn thuốc này.
Chiều cùng ngày, Bộ Y tế đã có buổi làm việc với UBND TP HCM về công tác phòng chống dịch sởi.
Tại buổi làm việc, bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cho biết hiện TP HCM có khoảng 430 ca bệnh sởi, hầu hết đều ở các quận, huyện vùng ven và các tỉnh, thành khác.
TP HCM đã triển khai công tác phòng chống dịch sởi. Trong đó, có 2 việc quan trọng là tiêm bù, tiêm vét vắc-xin cho trẻ, nhân viên y tế và chủ động rà soát nhóm đối tượng nguy cơ.
Bà Thúy nhận định một trong những điểm yếu của hệ thống chuyển đổi số là liên thông dữ liệu của các ngành. "Tất cả đều có dữ liệu nhưng cơ quan khác không cùng nhánh thì không sử dụng được. Do đó, đề xuất Bộ Y tế chỉ đạo triển khai liên thông dữ liệu về tiêm chủng vắc-xin. Khi đó, chỉ cần nhập số định danh cá nhân của trẻ là ra được số vắc-xin trẻ đã tiêm ngừa" - bà Thúy nói.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM cũng đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo tiêm chủng vắc-xin sởi vòng ngoài là các tỉnh trong khu vực, nhằm giảm áp lực cho TP HCM.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/chuyen-tuyen-nhieu-tp-hcm-chat-vat-voi-benh-soi-196240829192804963.htm