Chuyện về 2 đàn tế Xã Tắc và Nam Giao ở Thăng Long một thuở
Trong quan niệm xưa, khi xảy ra thiên tai, lũ lụt, hạn hán, mất mùa… thường được cho là do trời nổi giận. Để xã tắc yên ổn, các triều đại quân chủ thường lập đàn tế do vua chủ trì để cầu xin trời đất. Đây không phải là mê tín mà là tín ngưỡng, tâm linh.
Dấu xưa, tích cũ của đàn Xã Tắc
Tháng 11-2006, các nhà khảo cổ học thực hiện thám sát trên diện tích 800m2 ở khu vực Ô Chợ Dừa đã phát hiện ra dấu tích của đàn Xã Tắc. Năm 2013, khi ngành giao thông của Hà Nội triển khai dự án làm cầu vượt tại nút giao Ô Chợ Dừa thì các nhà khảo cổ tiếp tục phát hiện ra các bậc dẫn lên mặt đàn. Sau khi di tích phát lộ, UBND TP Hà Nội tổ chức hội thảo lấy ý kiến giới khoa học xem nên tiếp tục công trình hay dừng lại. Trước những đánh giá của các nhà sử học về giá trị của di tích đàn Xã Tắc là một phần quan trọng của Hoàng thành Thăng Long, cũng như chỉ ra việc nếu tiếp tục xây dựng sẽ vi phạm Luật Di sản nên Hà Nội quyết định tạm dừng thi công.
Đàn Xã Tắc được lập từ thời vua Lý Thái Tông (năm 1048), được coi là một trong những khu tâm linh quan trọng bậc nhất kinh thành Thăng Long. Tuy nhiên khu vực này còn có ý nghĩa hơn thế. Tầng sâu nhất của cả khu di tích là di tích Phùng Nguyên, cư trú cách đây khoảng 3.500 năm. Đây được coi là di tích cư trú sớm nhất của con người nằm trong vùng trung tâm Hà Nội, điều đó mang một giá trị đặc biệt. Tầng cao hơn là các di tích cư trú thời đầu Công nguyên, những năm đầu Bắc thuộc. Đàn Xã Tắc (Xã là đất, Tắc là ngũ cốc. Thần Ngũ Cốc cũng có nghĩa là Thần Nông) là nơi để cầu mùa màng tươi tốt. Hàng năm, vào ngày Mậu của tháng trọng Xuân và tháng trọng Thu (tháng 2 và tháng 8 Âm lịch), lễ tế được đích thân nhà vua tổ chức và làm chủ tế ở đàn này. Đây là những nghi lễ tế trời đất và các bậc thần linh, cầu xin mùa màng tươi tốt, bình an, hạnh phúc cho muôn dân và sự thịnh trị của triều đại.
Trải qua thời gian, đàn Xã Tắc có nhiều thay đổi. Trong “Kiến văn tiểu lục”, Lê Quý Đôn mô tả đàn Xã Tắc đời Hồng Đức nhà Hậu Lê: “Nền đàn 1 khu, nội nghi môn 3 gian, cửa nhỏ 2 gian, xung quanh đắp tường, điện Canh Y (nơi thay áo) 1 gian 1 chái, nhà Túc Yết 5 gian 2 chái, kho tế khí và phòng bếp đều 3 gian, ngoại nghi môn 3 gian, 4 xung quanh đắp tường”. Vào thời Lê Trung hưng, nhà Lê chỉ còn danh nghĩa, mọi quyền hành trong tay các chúa Trịnh, cuộc chiến tranh giành quyền lực diễn ra khốc liệt nên các nghi lễ mang tính quốc gia bị sao nhãng. Đến sau thời vua Lê Chiêu Thống (1788) thì đàn Xã Tắc mất dấu.
Đàn Nam Giao ở đâu?
Ngoài đàn Xã Tắc, Thăng Long xưa còn có một đàn khác là đàn Nam Giao. Đàn là nơi vua và triều thần tiến hành đại lễ vào đầu xuân hàng năm, cầu cho quốc thái dân an.
Theo “Việt Sử lược”, vào tháng 9 năm Giáp Tuất (1154), vua Lý Anh Tông (1138 - 1175) cho dựng đàn Nam Giao ở phía Đông Nam kinh thành Thăng Long để tế trời (nay là khu vực tòa nhà Vincom cuối phố Bà Triệu). Theo quan niệm của triết học cổ phương Đông, trời hình tròn, đất hình vuông nên đàn Nam Giao được được đắp theo hình tròn. Gọi là đàn Nam Giao nhưng thực chất đó là một quần thể kiến trúc với nhiều tòa nhà. Nam nghĩa là phía Nam, theo quan niệm phương Đông thì đó là hướng ánh sáng, nơi có ông trời ngự, ngược với hướng Bắc tăm tối. Riêng với người Việt còn hiểu là nước Nam (Đại Nam, Nam Việt). Còn Giao nghĩa là giao hòa hay gặp gỡ. Nam Giao là nơi vua chúa và thần dân hướng về phía Nam (nơi có trời ngự) để gặp gỡ giao hòa với trời qua việc dâng lễ vật, dâng sớ trình tấu việc nước và cầu trời ban cho nhiều điều tốt đẹp.
Theo ghi chép xưa thì triều Lý tổ chức lễ tế trời tại đàn Nam Giao vào đúng ngày Đông chí. Lễ được tổ chức rất lớn, chủ tế là nhà vua. Tuy nhiên, theo thời gian đàn Nam Giao xuống cấp. Sách “Đại Nam nhất thống chí” biên rằng, dưới thời vua Lê Thánh Tông niên hiệu Quang Thuận (1460 - 1469), đàn Nam Giao được sửa lại: “Chính điện 3 gian, hai bên Đông vu và Tây vu mỗi bên đều 7 gian, có các tòa điện Canh Y. Trai cung, nhà bếp, nhà kho, bên trong, bên ngoài xây tường bao quanh, cùng 3 gian nghi môn”.
Đến thời vua Lê Thế Tông (1578-1599) thì dựng thềm điện Chiêu sự. Đời vua Lê Huyền Tông, vào khoảng niên hiệu Cảnh Tự (1663 - 1671), đàn Nam Giao lại được xây dựng sửa sang thêm, khôi phục các nghi lễ tế. Trong “Lịch triều hiến chương loại chí”, nhà sử học Phan Huy Chú miêu tả điện Chiêu Sự (Nam Giao): “Huyền Tông năm Cảnh Trị thứ nhất (1663) làm điện Nam Giao... giữa là điện Chiêu Sự, cột 4 góc làm bằng đá, nền và sân bao lớn đều bằng đá cả. Rường, xà, rui, hoành đều sơn son thếp vàng, có 2 dãy hành lang tả hữu, bên ngoài là chỗ vua thay quần áo, đằng trước có 3 tầng cửa quy mô chế thức rực rỡ mới mẻ. Sai triều thần là nhóm Hồ Sĩ Dương làm văn khắc bia để ghi việc ấy...”.
Về hành lễ thời Lê, Lê Quý Đôn chép trong “Kiến văn tiểu lục”: “Ngày làm lễ, rước Hoàng đế ngự ở sân điện Chiêu Minh, sau khi đã quán tẩy, hoàng thượng mới bước lên điện dâng hương trước án. Việc dâng hương và đọc chúc đều cử hành trên điện, chỉ quỳ và cúi đầu vái, còn lễ 4 lạy trước và sau khi đọc chúc đều lạy ở sân điện”.
Cuối thời Lê Trung hưng, chúa Trịnh suy tàn, vua Lê Chiêu Thống cho đốt lầu nhà chúa ở phía Nam thành, nhưng giữ nguyên đàn Nam Giao. Do không còn tế lễ nên đàn trở nên hoang phế. Năm 1802, Nguyễn Ánh đánh bại nhà Tây Sơn lập ra triều Nguyễn. Năm 1805, Gia Long sai dỡ đàn lấy gạch đá để xây thành Thăng Long mới, vì thế đàn chỉ còn lại đền chính ở phường Thịnh An. Năm 1806, Gia Long cho xây đàn Nam Giao ở kinh đô Huế, từ đó đàn Nam Giao ở Thăng Long không còn tổ chức lễ tế nữa. Thời vua Minh Mạng, Tiến sỹ Vũ Tông Phan đến thăm đàn, trước cảnh tiêu điều ông đã viết bài thơ “Thăm đàn Nam Giao triều trước Lê” với những câu cảm thán:
Tiêu điều lũy cổ gió thu bay
Vời vợi dấu xưa biết ai đây
Điện vắng trơ vơ mưa nắng dãi
Bia mòn nhập nhoạng bóng chiều vây.
Trên tấm bản đồ Hà Nội vẽ năm 1873 vẫn còn ghi “Lê Nam Giao đàn”. Năm 1890 khu đất có đàn Nam Giao được giao cho một công ty xây dựng nhà máy diêm. Từ năm 1892, khi nhà máy này đi vào sản xuất, đàn Nam Giao mới mất hẳn dấu tích. Trong cuốn “Hà Nội nửa đầu thế 20” tác giả Nguyễn Văn Uẩn đã viết: “Năm 1926, tấm bia ghi chép về đàn Nam Giao vẫn nằm lăn lóc ngoài bãi cỏ của nhà máy diêm, rồi được đưa về Viện Viễn Đông Bác Cổ (Bảo tàng Lịch sử Việt Nam ngày nay)”. Điều ấy cũng là bằng chứng cho thấy, chính đây là chỗ dựng đàn Nam Giao xưa.
Năm 1956, Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo được xây dựng trên nền đất của đàn. Từ năm 2004, Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo di dời để nhường chỗ cho Trung tâm thương mại Vincom.