Chuyện về 'biệt đội' phá bẫy ở đại ngàn Kẻ Gỗ

Giữa chốn thâm u ở đại ngàn Kẻ Gỗ tỉnh Hà Tĩnh, các cán bộ bảo vệ rừng ngày đêm 'ăn gió, nằm sương' bảo vệ động vật khỏi 'ma trận' bẫy.

Khu bảo tồn thiên nhiên Quốc gia vùng rừng hồ Kẻ Gỗ nằm trên địa bàn 3 huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh) được biết đến là ngôi nhà chung của nhiều loài động vật hoang dã, quý hiếm, đa dạng được che chở, bao bọc bởi rừng mẹ đại ngàn.

Cán bộ Trạm quản lý bảo vệ rừng Kẻ Gỗ tuần tra phá bẫy tại các lối mòn trong rừng. (Ảnh: Thành Đô)

Cán bộ Trạm quản lý bảo vệ rừng Kẻ Gỗ tuần tra phá bẫy tại các lối mòn trong rừng. (Ảnh: Thành Đô)

Thế nhưng, mùa mưa đến, món hời béo bở từ thịt thú rừng khiến lâm tặc không ngại ngần giăng bẫy tràn lan, săn bắt thú rừng trái phép. Để cứu nguy cho thú rừng, hàng thập kỷ qua, Tổ bảo vệ rừng cơ động đã kiên trì thực hiện những chuyến tuần tra xuyên ngày đêm để tìm kiếm tháo gỡ bẫy, bảo vệ sự sống của những loài sinh vật dưới cánh rừng bạt ngàn.

“Cứu tinh” của muông thú giữa đại ngàn Kẻ Gỗ

Sau gần 1 giờ đi thuyền từ Trạm quản lý bảo vệ rừng Kẻ Gỗ, các thành viên “biệt đội phá bẫy” đặt chân đến Khe đội 8, nơi có những lối mòn thẳng tắp, cây cối âm u rậm rạp. Theo lời ông Lê Quang Đài (thành viên Tổ bảo vệ rừng cơ động, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ), đây là điểm đen của nạn săn bẫy thú rừng vào mùa mưa, bởi có nhiều lối mòn dẫn xuống khe suối. Khu vực này cũng là nơi tập trung của nhiều loại động vật như heo rừng, mang, sóc, khỉ, gà lôi… tìm tới ăn quả dại.

Tổ bảo vệ rừng cơ động tại hồ Kẻ Gỗ được thành lập cách đây hơn 20 năm, gồm 5 thành viên. Cứ bình quân mỗi tháng, các thành viên của đội thực hiện 3 chuyến tuần tra xuyên đêm trong rừng và tuần tra theo tin tình báo của người dân. Số bẫy bắt động vật hoang dã sau khi phát hiện được thu gom, tiêu hủy và báo cáo theo quy định.

Lán trại, đồ dùng của những kẻ săn bẫy bị lực lượng chức năng phát hiện. (Ảnh: Thành Đô)

Lán trại, đồ dùng của những kẻ săn bẫy bị lực lượng chức năng phát hiện. (Ảnh: Thành Đô)

Mùa mưa, những lối mòn dẫn vào rừng trở nên trơn trượt. Càng đi sâu vào bên trong, ánh mặt trời càng nhạt dần, hơi lạnh thấm vào da thịt lạnh buốt. Để luồn lách qua các lối mòn, các thành viên cứ luân phiên nhau dùng rựa chặt dây leo, bụi rậm, rồi nối tiếp nhau di chuyển.

Tới một khúc cua có nhiều cây dây leo lớn, ông Đài nhắc nhở chúng tôi thận trọng bước chân bởi xung quanh chắc chắn có bẫy. Vừa dứt câu, ông chỉ về gốc cây cách đó khoảng 3m - “Lại gặp bẫy đạp rồi. Dấu vết còn mới, chắc vừa đặt sáng nay”, ông nói và nhắc nhở thêm, “dân trong ngành” như chúng tôi chỉ nhìn là đã phát hiện ra những chiếc bẫy tinh vi này.

Thực như vậy, loại dây lâm tặc sử dụng là thép phanh xe đạp hoặc dây cáp. Vòng bẫy được đặt trên miệng hố sâu khoảng 20cm, đường kính 40cm. Bẫy được kéo căng bởi cành cây lớn, phía dưới là thòng lọng được lâm tặc rải một lớp lá cây khô để ngụy trang rất khó phát hiện.

Để phá được bẫy này, ông Đài cho đầu của chiếc rựa vào hố bẫy. Khi rựa vừa chạm xuống, đè phải cơ quan bên dưới thì lập tức thòng lọng được co rút, cành cây kéo bật về một phía.

“Thú rừng có tập quán di chuyển qua các lối mòn để tìm thức ăn, nước uống và khi gặp mỏm đất cao hơn bình thường thì dừng lại quan sát, lợi dụng thói quen đó, lâm tặc đã giăng bẫy ngay những nơi yếu hiểm.

Loại dây cáp dùng để làm bẫy rất chắc chắn, một khi đã dính bẫy thì rất khó thoát, trừ khi bỏ lại chân bị dính bẫy. Do tính hiệu quả và dễ đặt nên bẫy này được dùng nhiều nhất vào thời điểm mùa mưa”, ông Đài cho biết.

Càng đi sâu vào rừng, lượng bẫy do lâm tặc giăng ra càng nhiều, cứ cách khoảng 15m, đội phá bẫy lại phải dừng lại để gỡ “ma trận”. Trong lúc phá bẫy, anh Bùi Bình để lộ nhiều vết sẹo ở chân, anh nói đây là những “chiến tích” còn lại sau lần chạm trán phường săn bẫy cách đây vài năm.

Theo anh Bình, mỗi lần đi đặt bẫy, lâm tặc thường đi theo nhóm 2-3 người để cắt cử làm nhiệm vụ quan sát lực lượng chức năng. Vì đặc thù trong rừng sâu không có sóng điện thoại nên đôi lúc phát hiện kẻ xấu, tổ bảo vệ rừng không thể liên lạc xin cứu viện, đành “tùy cơ ứng biến”.

Bẫy được giăng như “ma trận”, thú rừng bị sát hại khi mùa mưa về. (Ảnh: Thành Đô)

Bẫy được giăng như “ma trận”, thú rừng bị sát hại khi mùa mưa về. (Ảnh: Thành Đô)

Khi yếu thế, các thành viên tổ bảo vệ phải đánh đòn “phủ đầu”, hò hét, ra tín hiệu giả để những kẻ đặt bẫy thấy sợ mà rút quân. “Chỉ cần những kẻ đặt bẫy biết lực lượng mình mỏng, chúng sẽ phản kháng ngay, nhiều lần anh em chúng tôi bị họ đuổi đánh. Thậm chí có người còn bị đánh nhập viện. Để trả thù, thậm chí lâm tặc còn đốt lán trại, phá thuyền của lực lượng chức năng”, anh Bình nhớ lại.

Đối với anh Bình, mỗi chiếc bẫy được phá là những con thú bé nhỏ có thêm cơ hội trở về với bầy đàn. Đó không chỉ là công việc của anh và đồng đội mà còn là niềm đam mê, tình yêu với công việc “ăn gió nằm sương” giữa chốn thâm sơn cùng cốc.

Trăn trở con đường bảo vệ thú rừng

Hơn 2 thập kỷ nặng duyên với nghề, ông Nguyễn Phi Danh (SN 1967, thành viên Tổ bảo vệ rừng cơ động) không nhớ nổi mình đã phá và cứu thoát bao nhiêu thú rừng bị dính bẫy của lâm tặc. Ông cho biết, trong các loại bẫy thì bẫy đạp là cơn “ác mộng” của muông thú và kể cả cán bộ bảo vệ rừng.

Bẫy đạp, chế tạo từ hai miếng thép hình bán nguyệt có lởm chởm răng cưa nhọn hoắt, cài khép vào nhau. Khi thú rừng giẫm vào bàn bẫy, chốt bẫy bung ra, hai miếng thép hình bán nguyệt lởm chởm răng cưa sẽ kẹp mạnh giữ chặt con mồi.

Loại bẫy này ám ảnh các cán bộ bảo vệ rừng vì không chỉ muông thú mà chính họ cũng có thể trở thành nạn nhân nếu một giây lơ là.

Cận cảnh một chiếc bẫy đạp được ngụy trang bởi lá khô rất khó phát hiện. (Ảnh: Thành Đô)

Cận cảnh một chiếc bẫy đạp được ngụy trang bởi lá khô rất khó phát hiện. (Ảnh: Thành Đô)

“Thú rừng mắc bẫy dây thì có thể giãy dụa chờ giải cứu chứ còn khi đã dính bẫy đạp thì máu me tua tủa, kêu la rất thảm thiết. Nếu mắc phải bẫy đạp thì tỷ lệ sống rất thấp, đa số đều không qua khỏi”, ông Danh nói và trăn trở thêm, anh em cán bộ bảo vệ rừng tiếc nuối lớn là đơn vị chưa có trạm cứu hộ động vật khẩn cấp nên dù phát hiện thú rừng bị thương, mọi người cũng chỉ biết nhìn chúng ra trong hụt hẫng.

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ - cho biết, nhiều năm trở lại đây, từ khi có các Tổ bảo vệ rừng cơ động, số lượng bẫy thú do lâm tặc đặt tại rừng do đơn vị quản lý đã giảm rõ rệt.

Trong năm 2024, chúng tôi đã tháo gỡ, phối hợp cơ quan chức năng tiêu hủy hơn 300 bẫy thú các loại, giảm nhiều so với những năm trước. Đây là con số cho thấy thói quen vào rừng săn bẫy của một số bộ phận người dân đã thay đổi.

“Nhờ tin báo của người dân, đơn vị đã liên tục tổ chức các đợt tuần tra, nhất là vào mùa mưa, kịp thời phá bẫy, ngăn chặn các hành vi tàn sát thú rừng. Tuy nhiên, lợi nhuận mang lại từ thú rừng rất lớn đã khiến một số người bất chấp lực lượng chức năng để vào rừng săn bẫy”, Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ chia sẻ thêm.

Các cán bộ Trạm quản lý bảo vệ rừng Kẻ Gỗ vẫn đau đáu con đường bảo vệ thú rừng khỏi nạn săn bẫy. (Ảnh: Thành Đô)

Các cán bộ Trạm quản lý bảo vệ rừng Kẻ Gỗ vẫn đau đáu con đường bảo vệ thú rừng khỏi nạn săn bẫy. (Ảnh: Thành Đô)

Khu bảo tồn thiên nhiên Quốc gia vùng rừng hồ Kẻ Gỗ được thành lập năm 1997, thuộc địa phận hành chính của ba huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Hương Khê và phía nam giáp tỉnh Quảng Bình với tổng diện tích tự nhiên là 44.271,81ha.

Khu bảo tồn hiện có 567 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 367 chi và 117 họ, phổ biến tại tầng cây bụi có các loại cây trong họ cau dừa. Đến thời điểm này đã phát hiện 392 loài động vật có xương sống thuộc 99 họ, 47 loài thú, 298 loài chim, 100 loài bò sát và lưỡng cư…

Thành Đô

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chuyen-ve-biet-doi-pha-bay-o-dai-ngan-ke-go-371915.html