Chuyện về cây lúa ở Hải Lăng
Đến bây giờ, đồng ruộng Hải Lăng đã trở thành vựa lúa của tỉnh. Nông dân Hải Lăng nơi vùng đồng nổi danh là người làm ruộng với kỹ năng thâm canh cao và làm chủ mọi tiến bộ khoa học kỹ thuật trong toàn bộ chuỗi sản xuất lúa. Hiện tổng sản lượng lương thực có hạt của huyện Hải Lăng đã đạt trên 90.000 tấn và giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đã đạt 126 triệu đồng/ha, thuộc tốp đầu trong các địa phương tỉnh Quảng Trị.
Đối với huyện Hải Lăng, hành trình từ vùng úng trũng, độc canh, quảng canh với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn đến nỗ lực phát triển để trở thành vùng trọng điểm lúa của tỉnh Quảng Trị là một câu chuyện dài, thấm đẫm giá trị nhân văn trường tồn trong cách tổ chức cuộc sống, tổ chức sản xuất và triết lý “dĩ nông vi bản” (lấy nông nghiệp làm gốc) của nhiều thế hệ người dân Hải Lăng, nơi được ví như vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Quảng Trị.
Buổi đầu gian khó
Xin được bắt đầu câu chuyện về cây lúa ở Hải Lăng bằng một sự kiện quan trọng đối với đất và người vùng cực Nam của tỉnh. Đúng 8 giờ 30 phút ngày 18/5/1990, tại Trường PTTH Hải Lăng đã diễn ra lễ mít tinh trọng thể chào mừng huyện Hải Lăng được lập lại.
Thời khắc này càng được nhân lên sự trang trọng và tạo cảm xúc đặc biệt đến với muôn người, đó là trong ngày Hải Lăng mừng vui khi về lại với tên gọi của mình cũng đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Bác Hồ kính yêu 19/5 (1890-1990).
Trong diễn văn của Bí thư Huyện ủy Hoàng Xuân Hòa đọc tại buổi lễ đã nhấn mạnh về lĩnh vực phát triển nông nghiệp: Gần 15 năm qua (tính từ năm 1975 - ngày huyện Hải Lăng được giải phóng đến năm 1990 - PV), bộ mặt của địa phương đang dần có sự thay đổi. Bên cạnh những điển hình thâm canh nông nghiệp tốt ở Long Hưng, Đại An Khê, Vĩnh Thắng...đã xuất hiện một số điển hình thâm canh ở vùng trũng như Thọ Bắc, Hưng Nhơn...
Phải thấy rằng vùng trũng úng nặng chiếm hơn nửa diện tích toàn huyện chưa được giải quyết tưới tiêu chủ động là điều lo lắng, day dứt nhất của chính quyền và Nhân dân địa phương cả trong mùa nắng hạ lẫn khi mưa lũ; hệ thống điện phục vụ sản xuất chưa có, hệ thống tưới tiêu chưa hoàn chỉnh, sản xuất hàng hóa còn kém phát triển...
Cùng với sự kiện lập lại huyện, nhiệm vụ trước mắt của địa phương là tập trung hoàn thành các kế hoạch sản xuất nông nghiệp, thu hoạch nhanh vụ đông xuân, triển khai tốt vụ hè thu, ra quân làm các công trình thủy lợi N2A để chủ động tưới tiêu cho đồng ruộng.
Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Bường cũng đã chia sẻ: Tỉnh biết huyện nhà đang gặp nhiều khó khăn: úng trũng, độc canh, quảng canh, cơ sở vật chất kỹ thuật hầu như chưa có gì; song với tiềm năng phát triển nông nghiệp, sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, truyền thống cần cù, chịu khó, sáng tạo của người dân, Hải Lăng nhất định sẽ có bước phát triển vượt bậc trong tương lai...
Trong tùy bút: “Xương rồng nở trong cơn khát, trên cái úng Hải Lăng” đăng trên báo Quảng Trị ngày 17/5/1990, tác giả Nguyễn Hoàn thông tin rằng, tại thời điểm lập lại huyện Hải Lăng, toàn huyện có khoảng 5.500 ha ruộng gieo cấy lúa mà chỉ 1.500 ha nhận được nguồn nước tưới từ công trình thủy nông Nam Thạch Hãn trong vụ đông xuân và 1.000 ha lúa trong vụ hè thu.
Theo thiết kế, tuyến kênh N2A sẽ đảm nhận tưới cho 180 ha lúa của các xã Hải Phú, Hải Thượng, Hải Lâm, còn các xã Hải Thọ, Hải Trường, Hải Tân, Hải Hòa, Hải Sơn thì nguồn nước tưới chưa vươn tới, đồng ruộng đành “nhịn khát”. Kênh N6 chỉ tưới được 800 ha trong tổng số 1.400 ha theo thiết kế cho vùng Hải Ba, Hải Quế và HTX Kim Giao (xã Hải Dương), riêng vụ hè thu lại không tưới được cho xã Hải Dương.
Trước cảnh 4.000 ha chưa được tưới chủ động hai vụ, huyện Hải Lăng đã huy động mọi nguồn lực để cứu lúa bằng cách tận dụng nguồn nước tại chỗ và khai thác lợi thế sông ngòi, ao hồ để cung cấp nước cho cây lúa; kết hợp bơm nước bằng máy nổ chạy bằng dầu, bằng điện với guồng đạp nước; tận dụng các hồ chứa nước Phước Môn, Phú Long, đập dâng Khe Mương để giải “cơn khát” cho vùng đất ruộng rộng lớn của Hải Sơn, Hải Trường, Hải Thọ, Hải Thiện...
Giám đốc Sở Nông nghiệp Nguyễn Khắc Chư (thời điểm năm 1990-PV) từng cho rằng, do đặc trưng của địa hình Hải Lăng nghiêng từ Tây sang Đông, vùng đồi núi và ven biển bị chia cắt bởi các sông, suối, một số khu vực đồng bằng có địa hình thấp trũng, nên việc tổ chức sản xuất gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, nông dân Hải Lăng đã nỗ lực phá thế bất lợi này bằng cách áp dụng các giống lúa mới và xây dựng khung thời vụ hợp lý để có thể tránh được hạn hán đầu vụ, lách được lũ lụt cuối vụ, cây không đổ ngã, khả năng kháng bệnh cao, phẩm cấp lúa tốt.
Vụ sản xuất đông xuân năm 1989-1990, các Hợp tác xã (HTX) Vĩnh Lợi, Thọ Bắc, Văn Nam, Thượng Xá khi thay giống lúa có cấp hạt cao hơn (giống kỹ thuật) đã cho năng suất cao hơn 15-20%.
Thời điểm năm 1990, năng suất lúa vụ đông xuân bình quân toàn huyện đã bắt đầu nhích lên trên 30 tạ/ha. Các loại giống được đưa vào áp dụng chủ yếu là CR203, IR36, MTL61, CN2...đã mở ra một trang mới trên đồng ruộng Hải Lăng.
Khởi sắc trên đồng ruộng
Từ năm 2022, cứ đến vụ mùa, anh Hồ Xuân Hiếu, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị (Sepon Group) thường rủ tôi về xã Hải Quế xem làm lúa. Hợp tác làm lúa hữu cơ với HTX Kim Long, Sepon Group áp dụng kỹ thuật và công nghệ mới bằng việc hướng dẫn kỹ thuật và giám sát đồng ruộng trong suốt quá trình sản xuất với công nghệ cấy máy đáp ứng công suất nhanh gấp 10 -15 lần và giảm chi phí 60 -70% so với cấy tay; sử dụng phân hữu cơ chất lượng cao và sử dụng máy bón phân để giảm sức lao động cho nông dân; sản xuất vi sinh vật bản địa và các chế phẩm sinh học để bảo vệ, chăm sóc cây lúa.
Bên cạnh đó, công ty tiến hành phun chế phẩm sinh học cho lúa bằng máy bay không người lái nhằm giảm chi phí cho nông dân, bảo vệ cây lúa khỏi phải bị dẫm làm cho hư hại. Kinh tế tuần hoàn khi trồng lúa hữu cơ cũng đã được thể hiện sinh động với việc áp dụng công nghệ máy cuộn rơm có ủ mật mía ngay tại ruộng để tận thu cho bà con sau thu hoạch, bảo vệ đất canh tác và giảm ô nhiễm môi trường. Rơm ủ mật mía ngay tại ruộng để cho bò ăn, trấu làm đệm lót sinh học cho gà, sau đó thu phân gà làm phân hữu cơ bón cho lúa...
Về phần mình, để biến thách thức thành lợi thế, huyện đã tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp trên cả 3 vùng: đồng bằng, gò đồi và vùng cát. Diện tích gieo cấy lúa cả năm 2024 đã đạt 13.637,4 ha (trong đó vụ đông xuân 6.888,5 ha; vụ hè thu: 6.850 ha). Cơ cấu giống chủ lực: Khang Dân (30,2%), ĐBR 57 (23,9%), còn lại là các loại giống như An Sinh 1399, HN6, HG 244. Năng suất bình quân toàn huyện đạt cao nhất từ trước đến nay, đạt 64,67 tạ/ha (trong đó, vụ đông xuân đạt 67,28 tạ/ha, vụ hè thu đạt 62 tạ/ha). Sản lượng lúa đạt 88.188,4 tấn. Lúa năm nay được mùa, được giá đã tạo thêm động lực sản xuất cho nông dân.
Điểm nổi bật trong sản xuất cây lúa ở Hải Lăng hiện nay đó là huyện đã chú trọng mở rộng diện tích lúa chất lượng cao với 9.527,6 ha; diện tích sản xuất cánh đồng lớn 1.695,1 ha; sản xuất lúa giống tại chỗ 524,7 ha. Huyện tiếp tục đẩy mạnh sản xuất theo hướng hữu cơ với khoảng 410 ha, VietGAP và liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa với các doanh nghiệp; đã thực hiện liên kết tiêu thụ 467,1 ha.
Để bảo vệ tốt diện tích lúa, huyện thường xuyên thực hiện công tác dự tính dự báo sâu bệnh, hướng dẫn phòng trừ kịp thời, hiệu quả. Đẩy mạnh áp dụng các giải pháp sử dụng thuốc BVTV hiệu quả trong quá trình sản xuất như: áp dụng chương trình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp IPHM đã góp phần bảo vệ cây trồng, kiểm soát mức độ suy thoái đất, sức khỏe con người, động vật và môi trường sinh thái trong sản xuất. Khuyến khích ứng dụng, nhân rộng thiết bị bay không người lái vào việc phun thuốc BVTV; sử dụng vi sinh vật bản địa, các chế phẩm sinh học, thảo dược trong phòng trừ sâu bệnh. Chỉ đạo xử lý kịp thời đối tượng sâu bệnh hại lúa chớm phát sinh tại một số đơn vị, góp phần nâng cao hiệu quả phòng trừ, bảo vệnăng suất, sản lượng lúa trong cả 2 vụ. Trên địa bàn huyện có hơn 87,5 ha lúa ứng dụng thiết bị bay không người lái để phòng trừ sâu bệnh hại.
Thông qua việc ứng dụng thiết bị bay không người lái đã giảm chi phí sản xuất, giảm công lao động, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường. Việc đẩy mạnh cơ giới hóa trong khâu làm đất, thu hoạch lúa đã góp phần đẩy nhanh tiến độ sản xuất, thu hoạch, đảm bảo mùa vụ.
Trước thềm xuân mới Ất Tỵ 2025, huyện Hải Lăng đề ra mục tiêu phấn đấu đạt giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích trên 126 triệu đồng/ha; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 8,4 vạn tấn. Ổn định diện tích lúa 13.450 ha, sử dụng giống lúa có phẩm cấp tốt. Cơ cấu bộ giống lúa chủ lực: Khang Dân, An Sinh 1399, HN6, ĐD2, Hà Phát 3...; mở rộng các giống lúa có triển vọng: Bắc Thơm 7, ĐV 108, VNR 20, JO2,TBR 97, TBR279, ST 25, QR1, DQ11, HG 12, ADI28... Diện tích sản xuất lúa giống 500 ha, lúa chất lượng cao 9.500 ha. Bố trí gieo sạ theo vùng để lúa trổ tập trung từng trà để quản lý tốt sâu bệnh, thuận tiện trong điều hành làm đất, tưới tiêu. Tiếp tục đẩy mạnh việc tích tụ ruộng đất, xây dựng cánh đồng lớn...
Còn nhớ, vào tháng đầu năm 2022 đã xảy ra đợt mưa lũ bất thường từ ngày 31/3 đến ngày 2/4/2022 trên địa bàn tỉnh. Đúng như dân gian thường nói: “Trời làm cơn lụt tháng ba; ai có lúa giống xay ra ăn dần...”, đây là đợt mưa lũ cực đoan, dị thường, chưa từng xảy ra trong nhiều năm gần đây và diễn ra trong thời điểm các loại cây trồng vụ sản xuất đông xuân đang hình thành năng suất, gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp. Nhiều vùng sản xuất trọng điểm của tỉnh mất trắng hoàn toàn, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Toàn bộ diện tích lúa hữu cơ mà Sepon Group triển khai tại HTX Kim Long nằm trọn trong vùng “rốn lũ” thuộc vùng trũng Hải Lăng.
Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực của chính quyền địa phương, ban giám đốc các HTX nông nghiệp và bà con nông dân, nhân lực, phương tiện để cứu lúa được huy động tối đa. Nhiều biện pháp be bờ, tập trung máy bơm chống úng, chống ngập đã được triển khai khẩn trương. Doanh nghiệp cũng đã vào cuộc tích cực, sát cánh bên nông dân để bảo vệ diện tích lúa nên khi lũ rút, cây lúa vẫn còn đủ sức để sinh trưởng tốt, đem lại mùa vàng bội thu.
Đây chính là lời giải cho “bài toán” trồng lúa đem lại hiệu quả bền vững nơi vùng úng trũng nặng mà gần 35 năm trước, lãnh đạo và Nhân dân huyện Hải Lăng từng day dứt, trăn trở...
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/chuyen-ve-cay-lua-o-hai-lang-190937.htm