Chuyện về 'cô gái không sợ nổ' của Xưởng Quân giới 200

Bà Cao Thị Hạnh (phải) và con gái. Ảnh: KHÔI NGUYÊN

Ở cái tuổi 96, dù tai không nghe rõ nhưng ký ức tháng năm phục vụ ở Xưởng Quân giới 200 luôn được bà Cao Thị Hạnh (khu phố Long Bình, ở thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An) nhớ rành rọt… Hồi ấy, nhiều người trong bộ phận hóa chất của Xưởng Quân giới 200 (Tỉnh đội Phú Yên) thường hay trêu bà là “cô gái không sợ nổ”. Bởi công việc của bà rất nguy hiểm, chỉ một sơ suất nhỏ sẽ gây cháy, nổ thương vong.

Lặng lẽ với công việc hiểm nguy

Sinh ra ở huyện Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình), mẹ mất sớm, bà Hạnh theo cha vào sinh sống ở thôn Bàn Thạch (nay thuộc xã Hòa Phú, huyện Tây Hòa). Năm 19 tuổi, cô gái Cao Thị Hạnh theo cha đi làm cách mạng. Hồi ấy cha bà là Trưởng Xưởng Quân giới đóng ở Kỳ Lộ (huyện Đồng Xuân) trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Bà tham gia đội du kích và dạy bình dân học vụ cho người không biết chữ trong xã. Năm 1946, bà tình nguyện nhập ngũ và được cấp trên cử đi học chuyên môn về hóa chất tại tỉnh Bình Định rồi về công tác tại bộ phận Tổ Hóa chất Xưởng Quân giới 430 đóng tại Thạch Bàn, xã Hòa Phong, huyện Tuy Hòa (nay là huyện Tây Hòa).

Năm 1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, đình chiến, khôi phục hòa bình ở Đông Dương, bãi bỏ quyền cai trị của người Pháp, công nhận nền độc lập của ba quốc gia Việt Nam, Lào và Campuchia, chính thức chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương. Do vậy, Xưởng Quân giới 430 giải thể, một số đồng chí tập kết ra miền Bắc, một số chuyển ngành. Vì hoàn cảnh con nhỏ nên bà Hạnh ở lại quê nhà tiếp tục hoạt động bí mật.

Đến năm 1961, cơ sở bị lộ, bà thoát ly ra vùng giải phóng và công tác tại Ban Mặt trận - Dân vận tỉnh Phú Yên đóng tại Ma Dú (huyện Sơn Hòa). Đến năm 1967, bà được điều về công tác tại bộ phận hóa chất Xưởng Quân giới Phân khu Nam (thuộc Quân khu 5). Năm 1970, Quân khu giao xưởng này lại cho Tỉnh đội Phú Yên quản lý, gọi là Xưởng Quân giới 200 đóng tại Trại Cháy (xã Sơn Xuân, huyện Sơn Hòa).

Bà Hạnh cho biết, Xưởng Quân giới 200 có ba bộ phận chính: Gò, mộc, hóa chất. Xưởng chủ yếu sản xuất lựu đạn chày, thủ pháo, mìn mũi, mìn định hướng, mìn hẹn giờ và sửa chữa súng bộ binh. Bộ phận hóa chất và lắp ghép của bà có 9 người, trong đó chỉ mình bà là nữ. Công việc này đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ khi cho thuốc nổ vào vỏ. Mỗi loại lựu đạn, mìn đều có liều lượng hóa chất khác nhau và phải thật chính xác.

Trong đó, khó nhất là làm mìn hẹn giờ. Khi lắp ghép phải thật chuẩn, vì chỉ cần một chút sơ suất, bị kẹt kíp thì có thể gây cháy, nổ, sát thương cho bản thân và đồng đội. Xưởng đã có hai đồng chí bị cụt tay, chân bởi loại mìn tự tạo nói trên.

Bà Hạnh là một người thông minh, cần cù, chịu khó và có nhiều kinh nghiệm trong việc chế tạo mìn, lựu đạn. Bà say sưa làm công việc nguy hiểm này không biết mệt mỏi nên mọi người trong tổ thường hay trêu bà là “cô gái không sợ nổ”. Mỗi sản phẩm có ký hiệu chữ “H” (tên viết tắt của bà Hạnh) trên vỏ do bà làm ra luôn đạt tiêu chuẩn, được cấp trên đánh giá cao.

Công việc của thợ quân giới hiểm nguy luôn cận kề. Lặng thầm sau những chiến công ngoài mặt trận là biết bao mồ hôi, nước mắt và cả máu của họ. Nhiều đồng chí dù biết chắc sẽ đối mặt với nguy hiểm, thậm chí hy sinh tính mạng nhưng vẫn sẵn sàng nhận nhiệm vụ và làm hết sức mình để đạt kết quả cao nhất.

Trong điều kiện chiến tranh ác liệt và có nguy cơ lan rộng, để đảm bảo an toàn và nâng cấp quy mô sản xuất, Xưởng Quân giới 200 phải luôn theo sát tình hình chiến trường để kịp sửa chữa, sản xuất, cung cấp vũ khí, phương tiện cho các đơn vị chiến đấu. Có 87 cán bộ chiến sĩ của Xưởng Quân giới 200 đã anh dũng hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Xưởng nhận nhiều danh hiệu cao quý của Tổng Tư lệnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các bộ tham mưu trao tặng.

“Chuẩn bị cho chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, rồi các năm 1971, 1972, 1975, xưởng nhận lệnh sản xuất hàng trăm quả lựu đạn chày, mìn mũi, thủ pháo… Chúng tôi làm việc suốt ngày đêm với khẩu hiệu “Mỗi người làm việc bằng hai”, tập trung mọi nguồn lực để cung cấp kịp thời vũ khí, trang bị cho bộ đội”, bà Hạnh nhớ lại. Có những lúc nhận thông tin địch đi càn vào xưởng, tất cả lập tức di dời khẩn cấp. Sau khi địch rút đi, nhà xưởng bị đốt phá nên phải cùng nhau xây dựng lại.

Bà Hạnh nhớ như in một lần thoát chết khỏi nòng súng của địch: “Cuối năm 1967, bọn biệt kích bất ngờ đánh vào xưởng. Lúc đó, anh em nam đều đi công tác chỉ còn lại mình tôi. Hai tên địch chĩa súng vào người tôi dẫn đi. Một thằng bảo bắn luôn nhưng thằng kia sợ có tiếng súng nổ bị lộ nên định đưa tôi ra gần bờ sông Ba thì mới xử.

Tôi nghe vậy, liền nhanh chóng lượm cục đá ném sang phía bên kia đường. Địch nghe có tiếng động, sợ Việt Cộng phát hiện nên tập trung đối phó. Nhờ vậy, tôi liền chạy núp dưới kẹt đá sâu gần đó. Chúng lùng sục khắp nơi nhưng không tìm ra tôi nên đành rút đi. Tôi nằm đợi cho đến sáng hôm sau, khi nghe tiếng nói chuyện của các đồng đội đi công tác về liền kêu lên và được mọi người đưa về xưởng”.

Nêu gương sáng “Bộ đội Cụ Hồ”

Bà Lê Thị Minh Ngọt ở phường 4, TP Tuy Hòa, có thời gian công tác chung với bà Hạnh ở Xưởng Quân giới 200, cho biết: “Chị Cao Thị Hạnh là đồng đội, người chị sống rất tình cảm, hòa đồng, vui vẻ với anh em. Tinh thần trách nhiệm cao, giàu kinh nghiệm, giỏi chuyên môn, chị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ và là tấm gương cho chúng tôi trong công tác”.

Còn bà Nguyễn Thị Miễn, nguyên Ủy viên Thường vụ Hội Phụ nữ Giải phóng Khu 5 trong kháng chiến chống Mỹ, nguyên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nhớ lại: “Lúc đó, chiến tranh ác liệt lắm, cơ quan Mặt trận, Dân vận ở chung nhưng tôi ở bên Dân vận thường đi công tác nhiều, lúc xong nhiệm vụ về lại đơn vị chúng tôi mới biết nhau. Chị Cao Thị Hạnh là một đồng chí có phẩm chất đạo đức tốt, vui vẻ, nhiệt tình, cần cù trong công việc, luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao”.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, bà Cao Thị Hạnh xin nghỉ chế độ. Về địa phương, bà được tín nhiệm bầu làm Hội trưởng Hội Phụ nữ xã Hòa Phong. Suốt 10 năm công tác ở Hội Phụ nữ, bà tiếp tục nêu cao tấm gương “Bộ đội Cụ Hồ”, xây dựng, thực hiện các phong trào mang lại nhiều thành tích cho hội và nhận nhiều bằng khen của tỉnh và Trung ương. Năm 1986, bà được bầu làm Kiểm soát viên HTX Nông nghiệp Hòa Phong 4 cho đến năm 1987 mới nghỉ hẳn, sống an nhàn cùng con cháu.

Với những cống hiến của mình, bà Hạnh vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng nhất, nhì, ba.

Ông Bùi Tấn Lai, Bí thư chi bộ, Trưởng khu phố Long Bình (thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An) nhìn nhận: “Bà Cao Thị Hạnh là một cựu chiến binh lớn tuổi, đảng viên mẫu mực, luôn luôn vận động con, cháu thực hiện tốt đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở địa phương. Gia đình bà là gia đình có truyền thống cách mạng, tất cả con gái, rể đều là đảng viên gương mẫu”.

Lúc đó, chiến tranh ác liệt lắm, cơ quan Mặt trận, Dân vận ở chung nhưng tôi ở bên Dân vận thường đi công tác nhiều, lúc xong nhiệm vụ về lại đơn vị chúng tôi mới biết nhau. Chị Cao Thị Hạnh là một đồng chí có phẩm chất đạo đức tốt, vui vẻ, nhiệt tình, cần cù trong công việc, luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Bà Nguyễn Thị Miễn, nguyên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh

KHÔI NGUYÊN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/94/253768/chuyen-ve--co-gai-khong-so-no--cua-xuong-quan-gioi-200.html