Chuyện về dòng họ phó với nghề buôn thuốc bắc
Đa Ngưu là một ngôi làng cổ thuộc huyện Tế Giang, phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, làng Đa Ngưu thuộc xã Tân Tiến, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên; một vùng đất giàu truyền thống lịch sử cách mạng, quê hương của nhà yêu nước Phó Đức Chính – Lãnh tụ phong trào yêu nước Việt Nam Quốc dân đảng; nơi này cũng nổi tiếng gần xa với nghề buôn thuốc Bắc.
Là vùng đất nằm trong vùng đồng bằng, sát bên sông Kim Ngưu – một nhánh phân lưu của sông Hồng, gắn liền với câu chuyện truyền thuyết trâu vàng từ châu Vũ Ninh chạy đến đây. Cao Biền nhà Đường sai người đào, chỗ này bèn thành hồ; từ đó làng mới có tên là Đa Ngưu.
Sông Kim Ngưu từ giữa thế kỷ XIX về trước khá lớn. Thuyền to, nhỏ từ Đa Ngưu theo sông lên Thăng Long, xuôi Phố Hiến hoặc đến Vị Hoàng (lỵ sở Sơn Nam Hạ cuối thế kỷ XVIII). Dân buôn bán làng Đa Ngưu trước đây đã dựa vào sông Kim Ngưu, sông Hồng để vận chuyển hàng hóa.
Bên cạnh đường thủy là các bờ ven đê sông Kim Ngưu, sông Hồng, là các đường liên hương, liên xã. Hàng hóa theo đường làng đi đến các chợ, các làng bằng đôi quang gánh. Người họ Phó ở Đa Ngưu kể rằng: “Từ thuở xa xưa khi mới lập nghiệp, các cụ ở Đa Ngưu vẫn gánh hàng bán thuốc “ê”, chỉ có các nhà giàu buôn chuyến thì mới dùng thuyền đi đến các trấn lỵ, tỉnh lỵ, phủ lỵ”. Sang thế kỷ XX, đường sắt, đường xe hơi được xây dựng là huyết mạch giao thông thuận lợi, hàng hóa và người Đa Ngưu lại giao lưu khắp đất nước.
Nghề buôn thuốc Bắc ở Đa Ngưu là do họ Phó ở Trung Quốc truyền vào từ cuối thế kỷ XVI. Gia phả họ Phó ghi rõ: Cụ thủy tổ tên chữ Dong Xuyên, hiệu là Tài Vĩnh, quán xã Ô Giang, đệ thất thập đô, huyện Long Khê, phủ Chương Châu, tỉnh Phúc Kiến nước Tàu. Vào khoảng năm Tân Mão, niên hiệu Quang Hưng 14 thời Vua Thế Tông nhà Lê (1591) 2 cụ sang nước ta, cùng đi theo 2 cụ có 5 người con.
Hai cụ ở với ông thứ ba, là Phúc Hải tại Đa Ngưu, ông thứ tư ở thôn Nguyễn Trung (cùng xã), còn một ông ở Nhân Nội, một ông ở Kim Ngưu, một ông ở phường An Thái, Quảng Đức (Ba Đình – Hà Nội).
Họ Phó đến vùng đất Đa Ngưu định cư, sinh sống là bởi nơi đây dễ làm ăn, có chợ Trâu, gần huyện lỵ Văn Giang; vị trí địa lý của Đa Ngưu thuận lợi cho giao thông đường thủy. Từ Đa Ngưu có thể đi Thăng Long, Phố Hiến, Vị Hoàng và nhiều nơi khác thuận lợi.
Theo nhiều cụ già trong dòng họ Phó, trước đây để định cư, sinh sống ở Đa Ngưu thì ông Phúc Hải đem theo nghề thuốc Bắc. Từ đó, người họ Phó chỉ làm nghề thuốc Bắc, đời trước truyền lại cho đời sau kéo dài mấy trăm năm cho đến ngày nay. Khi mới đến nhập cư, người họ Phó còn nghèo khó, các cụ phải quẩy thuốc đi bán ngoài chợ, hoặc trong các làng xã lân cận, sáng đi tối về. Gánh 2 bồ thuốc nhẹ trên vai vừa bán vừa bào chế và cả chữa trị bệnh thông thường. Phạm vi hoạt động được mở rộng dần dần đến các vùng miền xa xôi.
Gọi là buôn thuốc Bắc, song không phải chỉ có buôn bán mà kiêm cả bào chế và trị liệu. Một gia đình có thể làm cả 3 khâu, hoặc có thể chỉ làm riêng từng khâu, hoặc kết hợp pha chế và trị liệu, bởi vậy nên trong dân gian người ta gọi là “Nghề thuốc Bắc” hay “Bốc thuốc”.
Thuốc Bắc là từ chung để chỉ loại dược liệu từ Trung Quốc ở phương Bắc truyền vào nước ta. Muốn buôn bán, bào chế hay trị liệu thì phải học về y dược học Trung Hoa. Trước hết họ phải học qua Thần nông bản thảo kinh với 365 loại dược vật, phải biết phân biệt trong một thang thuốc các loại “quân, thần, tá, sứ” (tức các loại thuốc chủ lực, phụ thuộc, bổ trợ, truyền dẫn); đồng thời phải biết qua “tứ khí” là hàn, nhiệt, ôn, lương (lạnh, nóng, ấm, mát) và ngũ vị là “toan, hàm, cam, khổ, tân (chua, mặn, ngọt, đắng, chát). Mặt khác, họ cũng phải biết Thương hàn tạp bệnh luận (tác giả Trương Trọng thời Đông Hán) với lý luận về “bát cường” là âm, dương, biểu, lý, hư, thực, hàn, nhiệt và 6 loại bệnh là thái dương, thiếu dương, thái âm, thiếu âm, dương minh, âm khuyết. Đặc biệt nếu họ là người bán thuốc kiêm trị liệu thì phải nắm vững các thao tác: võng, văn, vấn, thiết (nhìn, nghe, hỏi, bắt mạch).
Như vậy, người buôn bán thuốc Bắc không những phải chỉ có tri thức kinh doanh mà còn nắm vững dược lý, y lý Trung Hoa. Họ phải biết chữ Hán để “đủ dùng”, đồng thời muốn “thành nghiệp” phải trải qua một thời gian học tập và vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm trong nhiều năm. Do điều kiện đặc biệt như vậy nên nghề bốc thuốc chủ yếu chỉ được truyền trong gia đình, họ hàng và gắn liền với một bộ phận người Hoa kiều.
Hồi ức của nhiều gia đình còn ghi nhớ ông, bà của họ xưa từng quẩy bồ đi đến các làng, các chợ ở vùng Kinh Bắc, Sơn Tây… Họ hành nghề trong một số làng, một số chợ nhất định. Đôi bồ đựng thuốc được quét sơn kín, có đế kê cao, chứa được khoảng 30kg. Thuốc đem đi bán đã được tẩm ướp, bào chế thành dược phẩm hoàn chỉnh, người mua hàng dễ dàng sử dụng.
Nhờ có nghề buôn thuốc Bắc, nên kinh tế của các gia đình họ Phó trở nên khấm khá, có của ăn của để; người họ Phó dành sự quan tâm hơn đến việc học hành, thi cử. Đến đời thứ tư họ Phó có cụ Phó Đức Cơ làm quan dưới thời Hậu Lê với chức vị Thừa vụ lang sung Nội thị tả Lễ phiên, chánh lục phẩm. Cụ có 7 người con thì có 3 người con là Phó Đức Thuận, Phó Đức Uông, Phó Đức Tuân đỗ thi Hương và làm quan.
Từ khi có 3 anh em họ Phó làm quan, thế lực dòng họ Phó trong làng lớn mạnh, nghề thuốc Bắc phát triển vượt bậc; nhiều người con họ Phó đã mở cửa hiệu thuốc Bắc ở Thăng Long, Hải Dương, Sơn Tây, Sơn Nam, Ninh Bình, Nam Định, Hải Phòng, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Nghệ An… Đặc biệt đến thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX, phố Thuốc Bắc, Lãn Ông – Hà Nội là nơi có nhiều cửa hàng thuốc họ Phó.
Điểm chung giữa các cửa hàng thuốc Bắc là mối liên kết dòng họ. Theo các cụ già ở địa phương, người họ Phó có quy định giúp đỡ vốn làm ăn, chỉ bảo, dạy dỗ và truyền kinh nghiệm nghề bốc thuốc… cho những người cùng họ. Điều này được ghi cụ thể trong mục Khuyến khích bảo trợ của Tộc lệ dòng họ.
Đến đầu thế kỷ XX, nghề thuốc Bắc từ họ Phó được mở rộng sang các họ khác như họ Nguyễn, Hoàng… với các cửa hiệu thuốc Bắc ở Hà Nội.
Bên cạnh sự phát triển nghề buôn thuốc Bắc; những người họ Phó nhờ có sự am hiểu chữ Hán (chữ Nho), nên có nhiều người đỗ đạt làm quan dưới thời phong kiến.
Vào những năm 20 của thế kỷ XX, làng Đa Ngưu lại có sự chuyển đổi sang tân học ngày càng mạnh. Họ Nguyễn, họ Hoàng đều có người học chữ Quốc ngữ, chữ tây. Đi trước trong lớp người tân học này phần lớn là người họ Phó mà tiêu biểu như Phó Đức Chính (1907 – 1930), một nhân vật quan trọng, lãnh tụ trong phong trào yêu nước của Việt Nam Quốc dân đảng.
Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/chuyen-ve-dong-ho-pho-voi-nghe-buon-thuoc-bac-3178347.html