Tháo gỡ điểm nghẽn của văn học, nghệ thuật
Với sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, văn học, nghệ thuật đã có những thành tựu đáng tự hào. Tuy nhiên, để văn học, nghệ thuật phát triển thực sự tương xứng với sự nghiệp đổi mới của đất nước và kỳ vọng của nhân dân trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, chúng ta cần nhiều giải pháp đồng bộ, tháo gỡ nhiều 'điểm nghẽn' trong lĩnh vực này.
Nhận diện các vấn đề bất cập để cùng khắc phục
Tại buổi gặp gỡ của Tổng Bí thư Tô Lâm với các văn nghệ sĩ trước thềm năm mới 2025, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã thẳng thắn chỉ ra nhiều hạn chế cần được nhận diện rõ để có giải pháp khắc phục trong hoạt động văn học, nghệ thuật như thiếu vắng những tác phẩm lớn, có tầm vóc thời đại; tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, chưa đủ sức có tiếng vang, lay động và truyền cảm hứng mạnh mẽ cho xã hội.
PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cũng cho rằng, do ảnh hưởng của thị trường và sản phẩm ngoại lai, một bộ phận sáng tác chạy theo thị hiếu tầm thường, thiếu chiều sâu, làm phai nhạt bản sắc văn hóa dân tộc. Các lớp văn nghệ sĩ kế cận có khả năng nối tiếp dòng chảy văn nghệ còn hạn chế, trong khi lớp nghệ sĩ “gạo cội” ngày càng vơi đi. Việc đào tạo, bồi dưỡng nghệ sĩ trẻ chưa được thực hiện bài bản và đủ mạnh mẽ. Có một số vấn đề được coi là điểm nghẽn đối với sự phát triển của văn học nghệ thuật, với đội ngũ văn nghệ sĩ như môi trường hoạt động, điều kiện sáng tạo để phát triển nghề nghiệp; thu nhập, sự hỗ trợ về tài chính, cơ chế đãi ngộ và khuyến khích, đặc biệt là đối với các ngành nghệ thuật truyền thống như: tuồng, chèo, cải lương, dân ca, dân nhạc các vùng miền và nghệ thuật kinh điển như: hợp xướng, giao hưởng, ballet, opera.. Mối quan hệ giữa văn học nghệ thuật với thị trường, sự hợp tác, trao đổi và giao lưu quốc tế cũng là những vấn đề cần quan tâm.
Trao đổi riêng về công tác đào tạo và phát triển đội ngũ làm văn hóa, nghệ thuật, NSND Bùi Công Duy, Phó giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam khẳng định, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến đào tạo và phát triển đội ngũ làm công tác văn hóa, nghệ thuật. Nhiều chủ trương, chính sách đối với công tác đào tạo và sử dụng đội ngũ nhân lực lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật đã được quan tâm. Tuy nhiên, công tác đào tạo và phát triển đội ngũ làm văn hóa, nghệ thuật trong thực tiễn vẫn còn những hạn chế và còn tồn tại những điểm nghẽn tại các văn bản quy phạm pháp luật về đào tạo văn hóa, nghệ thuật. Cụ thể, quy định hiện hành không cho phép các cơ sở đào tạo đại học được tổ chức đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp. Một số quy định của Luật Giáo dục hiện hành chưa phù hợp với thực tiễn các ngành nghề chuyên sâu đặc thù như văn hóa, nghệ thuật….
NSND Bùi Công Duy cũng cho rằng chưa có sự đồng bộ trong chính sách đối với người làm công tác đào tạo văn hóa nghệ thuật. Hiện nay, chính sách đối với người học đã có nhưng chính sách tiền lương, chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ văn nghệ sĩ, những người làm công tác văn hóa nghệ thuật chưa thật sự phù hợp, phát huy được sở trường, tài năng, tâm huyết, cống hiến với nghề có nhiều khó khăn. Điều này làm ảnh hưởng đến tuyển sinh và hoạt động đào tạo của đội ngũ làm công tác văn hóa nghệ thuật. Những bất cập trên dẫn đến nguy cơ vừa thiếu vừa yếu đối với nhân lực có trình độ, chất lượng trong hoạt động văn hóa nghệ thuật thời gian tới.
Để có đội ngũ văn nghệ sĩ làm công tác văn hóa, nghệ thuật chất lượng cao, tâm huyết với nghề, theo NSND Bùi Công Duy, trước hết là cần rà soát bổ sung các văn bản, quy định pháp luật về đào tạo nhân lực văn hóa, nghệ thuật, tạo hành lang pháp lý phù hợp hơn; rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chế độ chính sách nhằm đảm bảo tính đồng bộ từ đào tạo phát triển đến sử dụng đội ngũ văn nghệ sĩ. Nhà nước cần xây dựng chính sách phù hợp đối với đội ngũ giáo viên, giảng viên nhiều lĩnh vực đối với người làm công tác văn hóa, nghệ thuật, có chính sách thu hút trọng dụng người có trình độ, năng lực, tâm huyết, thúc đẩy rà soát chế độ tuyển dụng việc làm, chế độ tiền lương, thù lao cho hoạt động sáng tạo văn hóa, nghệ thuật đáp ứng yêu cầu thực tiễn, khuyến khích đội ngũ văn nghệ sĩ yên tâm sáng tạo, cống hiến. Bên cạnh đó, cần huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư, nâng cao năng lực đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư xứng tầm các thiết chế văn hóa, tạo điều kiện cho những người làm công tác văn hóa nghệ thuật có môi trường phát huy tài năng, sức sáng tạo nghệ thuật…
Xây dựng chính sách, đầu tư theo đặc thù
PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cũng nhận định, hiện nay, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư chưa có quy định đối với lĩnh vực văn hóa, gây nhiều bất cập cho hợp tác, phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật, trong đó có điện ảnh. “Nút thắt” này cần được tháo gỡ kịp thời.
Ông Tú cho rằng, cần thống nhất từ nhận thức Nhà nước hỗ trợ về điều kiện cần thiết cho sự điều tiết quản lý nhất định về nội dung là công việc thường xuyên và có vai trò tối quan trọng để giữ cho khu vực điện ảnh công lập phát triển trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế sâu rộng. Bởi lẽ, việc điện ảnh vừa phải hoàn thành nhiệm vụ chính trị vừa giải bài toán có doanh thu là nhiệm vụ không đơn giản. Vì vậy, bên cạnh các chính sách phù hợp cho đầu tư, chúng ta cần có đầu tư trọng điểm cho chiến lược quy hoạch phát triển điện ảnh, xây dựng trung tâm chiếu phim quốc gia tại 3 miền, phát triển nguồn nhân lực, tăng cường phổ cập kiến thức trong nhà trường, tạo quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, tiếp tục thể chế hóa chủ trương nghị quyết của Đảng về văn hóa để mở rộng và duy trì hoạt động, tạo cơ sở tiền đề, từng bước cho các cấp hội có điều kiện mở rộng hoạt động và chủ động điều kiện hoạt động của mình.
Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam Trần Thị Thu Đông cũng khẳng định, các tác phẩm văn học, nghệ thuật là kết quả lao động sáng tạo của nhiều thế hệ văn nghệ sĩ tài năng. Các tác phẩm ấy đã và đang giúp định hình nhận thức, tư tưởng, tình cảm và thẩm mỹ của các tầng lớp nhân dân, góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện con người Việt Nam. Theo bà Trần Thị Thu Đông, để tiếp thêm động lực và văn nghệ sĩ yên tâm cống hiến nhiều hơn nữa vào sự nghiệp phát triển của đất nước, sự quan tâm động viên thường xuyên của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dành cho đội ngũ văn nghệ sĩ vô cùng quan trọng.
Trong thời gian tới cần tiếp tục có những chủ trương, chính sách thực chất hơn, thể hiện rõ hơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với văn học, nghệ thuật, bỏ các quy định chưa phù hợp, tạo điều kiện, phương tiện hoạt động thuận lợi hơn để giúp văn nghệ sĩ phát triển tài năng tốt hơn, tạo nên những tác phẩm văn học, nghệ thuật vừa hiện đại, vừa mang bản sắc Việt Nam. Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cũng kiến nghị, hiện nay, Hội đã xây dựng trung tâm lưu trữ và triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam tại Hà Nội, có nguồn tư liệu đồ sộ. Tuy nhiên, Trung tâm chỉ thực hiện chức năng sưu tầm và lưu trữ. Hội đề nghị Đảng, Nhà nước quan tâm tạo điều kiện về kinh phí để biến nơi đây thành không gian sáng tạo và chuyển đổi số nhiếp ảnh Việt Nam hiện đại, ngang tầm với bảo tàng nhiếp ảnh các quốc gia trên thế giới, từ đấy quảng bá nhiều hơn về đất nước, con người Việt Nam.
PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cũng đề xuất nhiều giải pháp, trong đó có tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, của các ngành, các cấp ủy, chính quyền, bảo đảm sự thống nhất về tư tưởng và hành động từ Trung ương đến cơ sở về vai trò, vị trí, quan điểm xây dựng, phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật. Cần tiếp tục thể chế hóa đầy đủ và thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Đảng về lĩnh vực này. Việc xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật, cơ chế, chính sách đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật phải trên cơ sở tính chất đặc thù của nghề nghiệp, mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa văn học, nghệ thuật với đời sống chính trị - xã hội.
Bên cạnh đó, cần tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa; tiếp thu, ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong xây dựng, phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật. Tăng cường nguồn lực xây dựng và phát triển công nghiệp văn hóa, các thiết chế văn hóa, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, xây dựng các trung tâm sáng tạo, viện nghiên cứu nghệ thuật, thư viện, nhà hát, trung tâm biểu diễn, triển lãm theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu phục vụ sáng tác và phổ biến văn học, nghệ thuật và hội nhập quốc tế. Hình thành các quỹ đầu tư phát triển cho các loại hình văn học nghệ thuật bằng nhiều nguồn vốn.
Ông Quân cũng cho rằng cần có cơ chế đầu tư, hỗ trợ cho các hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị, tạo điều kiện để phát huy trí tuệ, sức sáng tạo và hướng ngòi bút của văn nghệ sĩ vào phục vụ lợi ích nhân dân, lợi ích quốc gia, dân tộc; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ kế cận, đổi mới chương trình giáo dục - đào tạo, tôn vinh và khích lệ tài năng sáng tạo…