Chuyện về hai vị thành hoàng làng Vị Khê

Làng Vị Khê, xã Nam Điền, huyện Nam Trực (Nam Định) vào thế kỷ thứ X có tên gọi là Nguyễn Gia Trang.

Đình làng Vị Khê thờ Đương cảnh thành hoàng Hổ Mang Đại Vương và ông tổ nghề Ngô Trung Tự.

Đình làng Vị Khê thờ Đương cảnh thành hoàng Hổ Mang Đại Vương và ông tổ nghề Ngô Trung Tự.

Đình làng Vị Khê không chỉ thờ ông tổ nghề Ngô Trung Tự, mà còn thờ Đương cảnh thành hoàng Hổ Mang Đại Vương - người có công giúp Ngô Quyền đánh bại quân xâm lược Nam Hán vào thế kỷ X.

Đình thờ thủy thần

Làng Vị Khê, xã Nam Điền, huyện Nam Trực (Nam Định) vào thế kỷ thứ X có tên gọi là Nguyễn Gia Trang. Năm Hoằng Định thứ 10 (1610) chúa Trịnh Bình An vương tuần du qua đây nên thành xã Vị Giang. Đến thế kỷ thứ XVIII, xã Vị Giang đổi tên là Vị Khê, huyện Thượng Nguyên, tỉnh Nam Định.

“Đình làng Vị Khê đang lưu giữ và bảo tồn 3 đạo sắc phong có niên đại Cảnh Hưng 44 (1783), Chiêu Thống năm đầu (1787) và Khải Định thứ 9 (1924), với nội dung ban tặng mỹ tự, ghi nhận công lao dựng làng giữ nước của Đương cảnh thành hoàng Hổ Mang Đại Vương”, thủ nhang Nguyễn Tuấn Hữu cho hay.

Năm Tự Đức thứ 4 (1851) huyện Thượng Nguyên sáp nhập vào huyện Mỹ Lộc, nên xã Vị Khê trực thuộc tổng Bách Tính, huyện Mỹ Lộc. Trải qua nhiều triều đại, quá trình sáp nhập thì xã Vị Khê xưa, nay là thôn Vị Khê, xã Nam Điền.

Theo sử sách ghi chép lại, vào thế kỷ thứ VI tại động Trúc Lâm, châu Thảng Do (Cao Bằng) có ông Nguyễn Đạt lấy bà Giang Thị Phương người cùng làng làm vợ. Hai vợ chồng nối nghiệp tổ tiên, lấy nghề chữa bệnh để sinh sống.

Ông bà chuyên làm việc nhân nghĩa giúp người hoạn nạn, nhưng vợ chồng đã ngoài 40 tuổi mà vẫn chưa có con cái. Nghe tin chùa Hồng Phúc, động Huyền Không rất nổi tiếng linh thiêng, ông bà bèn chọn ngày tốt đến lễ bái.

Đang lúc chăm chú dâng nhang bỗng có một con rắn hổ mang từ trên trần nhà rơi xuống. Vợ chồng ông bà kinh hãi chạy ra ngoài sân, một lát sau quay lại thì không thấy con rắn đâu nữa.

Đêm đó ông Nguyễn Đạt mơ gặp một cụ già râu tóc bạc phơ, tay chống gậy trúc đến trước mặt nói rằng: “Nhà ông làm việc phúc đức, thượng đế cho một vị thủy thần đến làm con, sau này dẹp giặc cứu dân, lúc sống làm danh tướng, lúc mất làm phúc thần, để lại tiếng thơm muôn đời”.

Thời gian sau, bà Giang Thị Phương có thai. Đến ngày 10/7 năm Đinh Sửu (năm 917) bà sinh hạ một cậu con trai thân hình dài rộng, mắt biếc xanh, sau lưng có một vệt lốm đốm hình da rắn. Vợ chồng ông Đạt đặt tên con là Nguyễn Công Thành.

Năm 6 tuổi, Công Thành được cha cho đi học tiên sinh Lý Trung Hòa ở động láng giềng. Công Thành rất thông minh, lại có sức khỏe hơn người nên chẳng bao lâu đã trở thành người văn võ toàn tài.

Khi nghe tin Ngô Quyền đem quân từ Châu Ái tiến đánh con vua Nam Hán là Hoằng Tháo sang xâm lấn bờ cõi, Công Thành bèn tìm đến xin theo để lập công. Công Thành được Ngô Quyền trao cho chức tiên phong tả tướng cùng với tiên phong hữu tướng Chu Hiến Thiện đi trước và cả hai vị tướng này đều lập công lớn trong trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng.

Ngô Quyền lên ngôi, phong cho Nguyễn Công Thành làm tướng trấn thủ vùng Sơn Nam. Tại đây, tướng Công Thành đã chiêu dân về ở, cấp gạo tiền cho họ khai hoang mở đất, khuyến khích việc trồng cấy, trồng dâu nuôi tằm, khơi sông ngòi đắp đường sá, quai đê ngăn mặn để mở rộng ruộng đất canh tác và đặt tên cho vùng đất mới là Nguyễn Gia Trang.

Năm Giáp Thìn (944) vua Ngô Quyền mất, Công Thành xin từ quan ở hẳn tại Nguyễn Gia Trang. Ông cho dân dựng chùa thờ Phật để cầu phúc lành dài lâu cho con cháu, mở chợ làm nơi giao thương hàng hóa và lấy tên là chợ Bình Giã, góp sức xây dựng cho vùng quê ngày một phát triển.

Trải qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ xâm lược, đình Vị Khê bị phá hủy hoàn toàn và trở thành trụ sở làm việc của UBND xã Điền Xá. Việc thờ tự chuyển sang chùa Cấp Cô. Năm 2000, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân địa phương, đình Vị Khê được trả lại đúng với ý nghĩa, giá trị vốn có, là nơi thờ cúng các vị tiền nhân thể hiện tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”.

Hiện, quy mô đình Vị Khê gồm tòa trung đường và cung cấm, xây hình chữ đinh. Trung đường gồm ba gian cánh cửa gỗ, bờ nóc đắp họa tiết lưỡng long chầu nguyệt. Hậu cung xây cao 5m, giữa hậu cung có đặt nhang án và bài vị Đương cảnh thành hoàng Hổ Mang Đại Vương.

“Bài vị Đương cảnh thành hoàng Hổ Mang Đại Vương cao 81cm. Bài vị được sơn son thếp vàng lộng lẫy. Mặt nguyệt cùng viền ngoài chạm khắc rồng chầu, diềm trong chạm hoa sen, hoa thị..., đế tạo ô chạy hoa văn triện với đường nét mang phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê thế kỷ XVII - XVIII”, thủ nhang Nguyễn Tuấn Hữu thông tin.

 Mũ đồng lá đỏ của Đương cảnh thành hoàng làng Hổ Mang Đại Vương vẫn còn được lưu giữ đến tận ngày nay.

Mũ đồng lá đỏ của Đương cảnh thành hoàng làng Hổ Mang Đại Vương vẫn còn được lưu giữ đến tận ngày nay.

 Ngai thờ ông tổ nghề Ngô Trung Tự

Ngai thờ ông tổ nghề Ngô Trung Tự

Ông tổ khai sinh làng hoa, cây cảnh

Năm Kỷ Tỵ (1209) quan Thượng phẩm phụng ngự Phạm Bỉnh Di bị giết. Tướng của Bỉnh Di là Quách Bốc đã đem quân nổi loạn chiếm kinh thành. Trước tình thế đó, vua Lý Cao Tông cùng Thái tử Sảm phải chạy trốn.

Thái tử Sảm chạy về Hải Ấp (nay là Hưng Nhân - Thái Bình) ở nhà Trần Lý. Thấy con gái Trần Lý là Trần Thị Dung xinh đẹp, bèn lấy làm vợ rồi phong cho Trần Lý tước Minh tự, phong cho Tô Trung Tự (cậu ruột của Trần Thị Dung) chức Điện tiền chỉ huy sứ. Anh em họ Trần đã tập hợp hương binh để dẹp loạn Quách Bốc rồi rước vua về kinh.

Mùa Xuân năm Tân Mùi (1211) Thái tử Sảm lên ngôi, lấy hiệu Lý Huệ Tông. Nhà vua đã lập Trần Thị Dung là Nguyên phi, còn Tô Trung Tự được phong chức Thái úy phụ chính.

Cũng vào năm Tân Mùi, Thái úy Tô Trung Tự đã đến Nguyễn Gia Trang. Thấy nơi đây là vùng đất đẹp, ruộng đất phù sa màu mỡ, dân cư thuần phác nên đã cho lập hành cung để đi lại.

Thái úy còn đem quân tu sửa tòa thành gần chợ Bình Giã thành một nơi phòng thủ kiên cố. Ngoài ra, ông còn cho đào con sông nhỏ vào phía Nam chợ để thuyền buôn đi lại dễ dàng.

Về sống tại đây, ngoài việc khuyến khích người dân mở rộng sản xuất nghề nông, Thái úy Tô Trung Tự còn dạy dân địa phương trồng hoa, cây cảnh để làm kế sinh nghiệp.

Nhà Trần lên ngôi vào năm 1225 đã biến hành cung Thiên Trường trở thành kinh đô lớn thứ hai sau kinh đô Thăng Long. Từ đó, làng hoa Vị Khê được phát triển để phục vụ cung đình, các vương công quý tộc.

Trải qua thời gian, cùng với nhiều làng hoa nổi tiếng ở khắp miền Bắc như: Nhật Tân (Hà Nội), Hạ Lũng (Hải Phòng)… thì Vị Khê là quê gốc của nhiều loại cây, hoa dân tộc.

Có thể nói, Vị Khê không chỉ là quê hương của nhiều giống hoa như bạch đào, địa lan, bạch trà..., mà còn là xứ sở của trà mi, đỗ quyên với đủ chủng loại và đều nở vào đúng dịp Tết Nguyên đán khoe sắc thanh tao, trinh tuyết.

Ngày nay, với khối óc sáng tạo, đôi bàn tay khéo léo, người dân làng Vị Khê không chỉ dừng lại ở những loại cây hoa, mà họ còn đem nghệ thuật tạo hình vào cây sanh, tùng La hán...

Họ biến những cây sanh thành các tác phẩm nghệ thuật mô phỏng như chùa Một Cột, Khuê Văn Các (biểu tượng của Thủ đô Hà Nội), tháp Eiffel (biểu tượng của nước Pháp), con rồng trong tư thế đang bay…

Thủ nhang Nguyễn Tuấn Hữu cho hay, hàng chục năm nay, làng Vị Khê trở thành điểm đến học hỏi kinh nghiệm sản xuất của nhiều du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, làng Vị Khê cũng vinh dự được đón tiếp nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước về đây tham quan.

Trải qua quá trình hình thành và phát triển, các thế hệ người dân ở Vị Khê đã xây dựng nên một làng quê trù phú. Nhiều gia đình ăn nên làm ra, xây nhà lầu, mua xe hơi nhờ trồng cây cảnh.

 Gian trung đường có treo các câu đối chữ Hán, nội dung ca ngợi công đức của các bậc tiền nhân.

Gian trung đường có treo các câu đối chữ Hán, nội dung ca ngợi công đức của các bậc tiền nhân.

 Bài vị Đương cảnh thành hoàng làng Hổ Mang Đại Vương được thờ trong cung cấm đình làng Vị Khê.

Bài vị Đương cảnh thành hoàng làng Hổ Mang Đại Vương được thờ trong cung cấm đình làng Vị Khê.

“Người dân Vị Khê coi nghề trồng hoa, cây cảnh là nghề kiếm sống, thu nhập chính. Nhiều năm qua, cây cảnh và hoa của làng Vị Khê chiếm ưu thế ở khắp các thị trường trong và ngoài nước”, thủ nhang Nguyễn Tuấn Hữu chia sẻ.

Theo thủ nhang Nguyễn Tuấn Hữu, người dân làng Vị Khê đang lưu giữ 2 cây sanh cổ dáng trực, có tuổi đời hơn 100 năm, được coi là “báu vật” của làng, do cụ Nguyễn Văn Lã uốn nắn, tạo hình. Cây cao khoảng hơn 2m, tính từ gốc lên đến ngọn, chiều rộng tán cây khoảng 1,5m. Cây có nhiều tán, lớp vỏ xù xì, nổi nhiều u cục.

Đặc biệt, đôi sanh này khi còn nhỏ từng được cụ Nguyễn Văn Lã, người làng Vị Khê gánh vào trong cung đình Huế để dự thi. Sau nhiều ngày dự thi, đôi sanh của cụ Lã được chúa Nguyễn để ý và chấm điểm cao nhất.

Cụ Lã được chúa Nguyễn ban thưởng. Sau cuộc thi, cụ Lã gánh đôi sanh về quê để tiếp tục chăm sóc. Trải qua thời gian hơn một thế kỷ, đến nay đôi sanh cổ vẫn sinh trưởng và phát triển tốt.

Thủ nhang Nguyễn Tuấn Hữu cho biết thêm, để tưởng nhớ ông tổ nghề Ngô Trung Tự, hàng năm hội làng Vị Khê lại được diễn ra trang trọng và thành kính từ ngày 12 - 20 tháng Giêng. Đây là dịp quảng bá làng nghề với du khách xa gần về truyền thống mảnh đất văn hiến có bề dày hơn 800 năm khởi nguồn tích tụ.

Ngoài ra, vào các năm Tý - Mão - Ngọ - Dậu, chính quyền địa phương và người dân làng Vị Khê lại tổ chức rước kiệu từ đình làng Vị Khê lên chùa làng, sau đó quay lại về đình. Sự kiện được tổ chức vào ngày 13/9 âm lịch.

Hiện, bài vị ông tổ nghề Ngô Trung Tự đang được thờ trong cung cấm đình làng Vị Khê. Phía bên ngoài gian trung đường, trên các cột có treo các câu đối chữ Hán, nội dung ca ngợi công đức của các bậc tiền nhân:

Tài thụ chủng hoa Tô tướng thúy/ Nguyễn trang Vỵ xã hiệu chi tiên. Dịch là: Trồng hoa, tỉa cây do tướng họ Tô khơi dậy trước/ Ấp tên trang Nguyễn vốn là xã Vỵ buổi ban đầu.

“Đình làng Vị Khê là di tích thờ Đương cảnh thành hoàng Hổ Mang Đại Vương, người có công phò giúp Ngô Quyền đánh bại quân xâm lược Nam Hán vào thế kỷ X; thờ Tô Trung Tự, người được dân phong là ông tổ của làng nghề hoa cây cảnh Vị Khê, bởi ông đã dạy dân phương thức ươm hoa trồng cây”, thủ nhang Nguyễn Tuấn Hữu tự hào giới thiệu về ngôi đình của làng mình.

Ngày 2 tháng Giêng năm Nhâm Thìn (992), Công Thành mất trên một chiếc thuyền ngoài cửa biển. Triều đình Tiền Lê sắc phong cho ông là Bản cảnh thành hoàng Hổ Mang Đại Vương có công khai sáng cơ nghiệp, hộ quốc an dân, trấn hải phúc thần. Tương truyền từ đó về sau, mỗi khi đến ngày kỵ, dân làng thường thấy con rắn hổ mang to hiện hình trong đền. Nhân dân cho rằng, vị thành hoàng vẫn luôn tồn tại chứng kiến những thành quả lao động của người dân, đồng thời phù hộ cho họ một cuộc sống bình yên hạnh phúc.

Hà Long - Thành Nam

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chuyen-ve-hai-vi-thanh-hoang-lang-vi-khe-post718455.html