Chuyện về Hoàng hậu có dung mạo mỹ miều nhưng thủ đoạn tàn nhẫn: Mang gánh nặng phục hưng gia tộc, đoạt quyền của Hoàng đế để rồi kết thúc đau buồn

Xuất thân của Đậu Hoàng hậu không hề tầm thường. Bà đã phải tiếp nhận sự giáo dục hà khắc của phụ thân từ thuở còn bé với mục đích vào cung tìm cơ hội phục hưng gia tộc.

Trong lịch sử phong kiến Trung Hoa, Hoàng hậu được xem là chủ của hậu cung. Chính vì vậy, từ xưa đến nay, mục đích của các cuộc cung đấu của các phi tần là được yên vị ở ngôi vị Hoàng hậu. Và Đậu Hoàng hậu của Hán Chương Đế Lưu Đát thời Đông Hán là một trong nữ nhân có mục tiêu như thế.

Mặc dù có dung mạo tuyệt sắc và độc chiếm sự sủng ái của Hoàng đế nhưng bà vẫn ra tay ác độc, từng bước bức chết các phi tần khác để củng cố địa vị của mình. Thậm chí Đậu Hoàng hậu còn khống chế tân đế và can thiệp vào chuyện triều chính.

Xuất thân của Đậu Hoàng hậu không hề tầm thường nhưng gia tộc Đậu thị về sau phạm phải trọng tội, gia thế dần sa sút. Chính vì thế bà đã phải tiếp nhận sự giáo dục hà khắc của phụ thân từ thuở còn bé với mục đích vào cung tìm cơ hội phục hưng gia tộc. Bà buộc phải thành thạo cầm kỳ thi họa từ rất sớm. Có lẽ tính cách mạnh mẽ của Đậu Hoàng hậu hình thành từ giai đoạn này.

Năm Kiến Sơ thứ 2 (tức năm 77), bà và em gái được tuyển chọn vào cung. Khác với những người khác Đậu Hoàng hậu đã đề ra mục tiêu rất cao khi vừa đặt chân vào hoàng cung, đó chính là hồi hưng gia tộc Đậu thị.

Và để có thể nhanh chóng thăng tiến địa vị ở hậu cung, bà cho rằng ngoại trừ việc chiếm được ân sủng của Hoàng đế thì cần có được mối quan hệ tốt đẹp với các nhân vật khác trong cung. Khi vừa tiến cung, bà được bố trí hầu hạ Mã Thái hậu ở Trường Lạc cung. Vì dung mạo hơn người và khả năng ăn nói sắc sảo, bà được Mã Thái hậu yêu mến và tiến cử bà cho Hán Chương Đế.

Ảnh minh họa.

Ngay từ cái nhìn đầu tiên Hán Chương Đế đã yêu mến bà. Một năm sau, bà được sách lập làm Hoàng hậu, còn em gái làm Quý nhân. Dù có được sự sủng ái ngập trời từ Hoàng đế nhưng Đậu Hoàng hậu vẫn không có con.

Trong thời gian đó, Tống Quý nhân đã hạ sinh Thái tử Lưu Khánh, Lương Quý nhân cũng hạ sinh Hoàng tử Lưu Triệu. Điều này càng khiến Đậu Hoàng hậu nóng ruột hơn nhiều phần và để củng cố địa vị của mình bà đã thực hiện loạt hành động thâm độc.

Đầu tiên bà đã từ từ kích động mối quan hệ giữa Hoàng đế và Tống Quý nhân, Lương Quý nhân. Sau đó từng bước ép Tống Quý nhân tự sát, Thái tử Lưu Khánh bị phế truất khi tố cáo Tống Quý nhân làm trò phù thủy trong cung.

Lương Quý nhân nhìn thấy thủ đoạn tàn độc của Đậu Hoàng hậu bèn chủ động giao con trai cho Đậu Hoàng hậu nuôi dưỡng để tìm một con đường sống. Dù vậy, Lương Quý nhân vẫn bị đối phương giết chết, cả dòng họ Lương thị cũng bị tiêu diệt.

Năm Chương Hòa thứ 2 (tức năm 88), Hán Chương Đế băng hà, Lưu Triệt nối ngôi khi còn nhỏ tuổi (tức Hán Hòa Đế), Đậu Hoàng hậu trở thành Hoàng thái hậu. Vì tân đế còn nhỏ nên Đậu Thái hậu quyết định buông rèm nhiếp chính. Nhân cơ hội này bà bắt đầu giao đại quyền cho ngoại thích Đậu thị. Tuy nhiên, điều bà không thể ngờ là bản thân chỉ có thể nắm quyền trong 5 năm.

Đến năm Vĩnh Nguyên thứ 2 (tức năm 92), Hán Hòa Đế đã bắt đầu lấy lại quyền lực, tống giam Đậu thị vì tội phản quốc, đồng thời quản thúc Đậu Thái hậu ở hậu cung. 5 năm sau (năm 97), Đậu Thái hậu qua đời vì bạo bệnh.

Đậu Thái hậu tranh đấu cả đời nhưng không ngờ lại kết thúc tất cả trong tay Hán Hòa Đế, một người mà bà xem như con trai ruột thịt. Tuy nhiên Hoàng đế vẫn tôn trọng bà khi an táng bà cùng với Hán Chương Đế ở Kính lăng.

Theo Pháp luật & Bạn đọc

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/chuyen-ve-hoang-hau-co-dung-mao-my-mieu-nhung-thu-doan-tan-nhan-mang-ganh-nang-phuc-hung-gia-toc-doat-quyen-cua-hoang-de-de-roi-ket-thuc-dau-buon/20200926083112838