Chuyện về làng xây đảo

Năm 2023, tôi được tham gia cùng Đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đi thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa. Một trong những ấn tượng và tự hào của tôi khi đặt chân đến Trường Sa là những đóng góp của rất nhiều người con Nam Định, trong đó, nhiều công trình xây dựng mang dấu ấn của người con làng Bỉnh Di, xã Giao Thịnh (Giao Thủy).

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Thiếu tướng Hoàng Kiền cùng một số người dân làng Bỉnh Di, xã Giao Thịnh (Giao Thủy) từng tham gia xây dựng đảo Trường Sa.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Thiếu tướng Hoàng Kiền cùng một số người dân làng Bỉnh Di, xã Giao Thịnh (Giao Thủy) từng tham gia xây dựng đảo Trường Sa.

Vị tướng nặng lòng với biển, đảo

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Thiếu tướng Hoàng Kiền năm nay đã 74 tuổi, nguyên là Tư lệnh Binh chủng Công binh, nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án đường tuần tra biên giới (Bộ Quốc phòng) là người con ưu tú làng Bỉnh Di, xã Giao Thịnh. Với 44 năm cuộc đời binh nghiệp, ông đã giữ nhiều trọng trách công tác khác nhau. Trong đó, hơn 5 năm, ông đã gắn bó với các cung đường trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; 12 năm gắn bó với Quân chủng Hải quân từ Bạch Long Vĩ đến Trường Sa. Đặc biệt, ông đã có gần 8 năm đảm nhiệm Trung đoàn trưởng Trung đoàn Công binh Hải quân 83 - trực tiếp chỉ huy đơn vị công binh xây dựng các công trình trọng yếu trên quần đảo Trường Sa; 7 năm làm Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng, rồi Tư lệnh Binh chủng Công binh và 7 năm giữ cương vị Giám đốc Ban quản lý dự án đường tuần tra biên giới (từ năm 2007 cho đến khi về hưu năm 2014)...

Nhớ lại thời kỳ là Trung đoàn trưởng Trung đoàn Công binh Hải quân 83, Thiếu tướng Hoàng Kiền cho biết: “Nhiệm vụ lúc này rất nặng nề với khối lượng công việc xây dựng lớn, hàng năm phải vận chuyển ra Trường Sa khoảng 50 nghìn tấn vật liệu để xây dựng hàng loạt công trình có yêu cầu kỹ thuật cao trên các đảo chìm, đảo nổi thuộc quần đảo Trường Sa. Trong điều kiện hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, tôi đã tổ chức lại đơn vị, có nhiều đề xuất quy hoạch, thiết kế các công trình và sáng kiến để xây dựng hàng trăm công trình đạt kết quả tốt, giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc...”. Đặc biệt, để có Trường Sa xanh hóa như hiện nay, Thiếu tướng Hoàng Kiền là một trong những người đầu tiên hiện thực hóa ý tưởng mang đất ra đảo. Trong những ngày tháng trực tiếp chỉ đạo thi công các công trình chiến đấu ở Trường Sa, Thiếu tướng Hoàng Kiền trăn trở khi thấy các đảo đều khô cằn, thiếu nước ngọt, thiếu màu xanh… Ông luôn đau đáu ý tưởng phải trồng rau xanh để cải thiện chất lượng bữa ăn, bảo đảm sức khỏe cho bộ đội. Sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, ông quyết định đem việc này ra bàn với Ban Chỉ huy Trung đoàn. Trước ý tưởng của ông, Đảng ủy Trung đoàn họp và thống nhất đưa vào nghị quyết “Mang đất ra Trường Sa giúp bộ đội trồng rau”.

Để có cả hàng nghìn tấn đất đưa ra Trường Sa là cả một kỳ tích của Trung đoàn Công binh Hải quân 83. Thiếu tướng Hoàng Kiền cho biết thêm: “Trên mỗi chuyến tàu chở vật liệu ra đảo, chúng tôi gửi một xe đất, khoảng bảy tấn. Một năm khoảng bảy mươi chuyến tàu thì lượng đất mang ra rất lớn. Bắt đầu từ năm 1991 cho đến khi tôi không còn công tác ở Trung đoàn Công binh Hải quân 83 nữa, hàng nghìn tấn đất đều đặn được chở ra các đảo”. Vấn đề còn lại là giải quyết bài toán dự trữ nước ngọt sinh hoạt và tưới cây trên các đảo. Lực lượng Công binh Hải quân đề xuất với cấp trên xây kè quanh đảo. Sau khi đề xuất được các cấp phê duyệt, các đảo được kè bê tông vây quanh, khi mưa xuống kè giữ nước ngọt lại, từ đó mới có nước ngọt cho bộ đội sinh hoạt và chăm sóc cây xanh.

Hiện nay, Thiếu tướng Hoàng Kiền tiếp tục truyền ngọn lửa yêu nước cho lớp trẻ qua nhiều hoạt động xã hội, viết sách, làm bảo tàng. Trong đó, tiêu biểu là cuốn sách “Một thời biển đảo Trường Sa - Đoàn 83” của ông vừa xuất bản nhân kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Trung đoàn, nay là Lữ đoàn Công binh 83 Quân chủng Hải Quân. “Bảo tàng Đồng quê” do ông và gia đình xây dựng hiện lưu giữ nhiều kỷ vật, mô hình, hình ảnh sinh động về Trường Sa; mỗi ngày đều đón du khách ghé thăm để tìm hiểu về biển, đảo - phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc mà bao thế hệ tổ tiên, ông cha ta đã hy sinh để đấu tranh mở mang, gìn giữ.

Chiến sĩ đảo Trường Sa Đông chăm sóc cây xanh.

Chiến sĩ đảo Trường Sa Đông chăm sóc cây xanh.

Bỉnh Di - Làng xây đảo

Làng Bỉnh Di, xã Giao Thịnh từ lâu đã nổi tiếng với nhiều thợ nề, thợ mộc tay nghề cao. Năm 1991, Thiếu tướng Hoàng Kiền khi đó là Trung đoàn trưởng Trung đoàn Công binh 83 đã vận động trong làng ai biết nghề xây, làm mộc giỏi và có đủ sức khỏe, lý lịch tốt cùng nhau ra xây dựng đảo Trường Sa. Xác định không chỉ là công việc lao động kiếm sống đơn thuần mà còn là công việc có ý nghĩa đối với quê hương, đất nước trong sự nghiệp giữ gìn chủ quyền biển đảo, nên nhiều người dân đã đăng ký xin tham gia. Bảy thợ xây làng Bỉnh Di lên đường ra đảo đợt đầu tiên vào tháng 4 năm 1992 tham gia xây dựng nhà 2 tầng đảo Nam Yết. Ông Nguyễn Văn Hoàn (63 tuổi), tổ trưởng nhóm thợ cho biết: Lúc đó doanh trại của cán bộ, chiến sĩ đều là nhà cấp bốn, đời sống các chiến sĩ hải quân rất khó khăn và nguy hiểm khi hàng ngày phải đối mặt với sóng dữ. Dù đã chuẩn bị tinh thần nhưng khi đặt chân lên đảo những người nông dân mới thấy hết được những nỗi vất vả đang chờ đón ở phía trước như: thiếu nước ngọt, rau xanh, thời tiết khắc nghiệt và nỗi nhớ nhà… Được sự động viên của các cán bộ, chiến sĩ trên đảo, các hiệp thợ đầu tiên đã cố gắng hoàn thành đúng tiến độ công trình nhà hai tầng đảo Nam Yết. Công trình sau đó được hội đồng nghiệm thu Cục Doanh trại, Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng) đánh giá cao. Như vậy, dưới bàn tay của người dân làng Bỉnh Di nhiệm vụ xây dựng công trình nhà ở hai tầng thí điểm đầu tiên trên quần đảo Trường Sa và đào tạo nghề cho các chiến sĩ của Trung đoàn đã hoàn thành vượt mong đợi. Ông Đỗ Ngọc Quyển, người 3 lần đi xây dựng Trường Sa vẫn in hằn ký ức những chuyến đi ra đảo. Năm 1993, ông cùng hiệp thợ lênh đênh trên biển 2 ngày, 1 đêm mới ra đến đảo Sinh Tồn. Vừa ra đến đảo nhóm thợ bắt tay ngay vào việc xây dựng nhà chỉ huy và các công trình phụ trợ. Theo ông Quyển, xây nhà trên đảo không như ở đất liền, cũng là công trình nhà cấp 1 nhưng xây ở đất liền chỉ cần 2 tháng là hoàn thiện, nhưng ở đảo chìm thì ít nhất phải mất 6 đến 7 tháng. Đặc biệt, xây nhà trên đảo còn phụ thuộc vào con nước, thời tiết. Thời gian thuận lợi để xây dựng là từ tháng 3 đến tháng 10 dương lịch, những tháng còn lại trời thường có giông bão. Nếu con nước xuống, thời tiết thuận lợi thì toàn bộ thợ phải dồn sức gấp 5, gấp 10 để chạy đua với thủy triều, thời tiết. Sau khi hoàn thành xây dựng ở đảo Sinh Tồn, ông trở về đất liền, đến năm sau lại lên đường và tiếp tục ra xây dựng đảo Sơn Ca vào năm 1994 và tiếp tục xây dựng đảo Nam Yết vào năm 2011. Chuyến đi dài nhất của ông và một số tốp thợ chính là năm 2011-2012, với quy mô công trình xây nhà 4 tầng, gọi là nhà văn hóa trên đảo Trường Sa Lớn do Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tài trợ. Ông Đỗ Văn Hương (năm nay 52 tuổi) là một trong những người từng 4 lần ra các đảo gồm: Đá Đông B (2010), Phan Vinh (2011), Nam Yết (2012), Trường Sa Lớn (2016). Ông Hương chia sẻ: “Quen cảnh sống giữa ruộng đồng xanh ngút mắt, ra Trường Sa chỉ có lính đảo, đá và dăm cây phong ba làm bầu bạn với chúng tôi. Bên cạnh đó, xây được một hàng gạch ở Trường Sa bằng xây cả bức tường ở đất liền. Bởi vữa để xây đảo phải trộn bằng nước ngọt, nhiều lúc phải dành nước ăn để trộn hồ. Khó khăn là thế nhưng chúng tôi đều dặn lòng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ”.

Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 1992 đến nay đã có hơn 300 người dân xã Giao Thịnh tham gia xây dựng đảo, trong đó phần lớn là người con làng Bỉnh Di. Người làng Bỉnh Di hết thế hệ này đến thế hệ khác luôn hướng về Trường Sa thân yêu bằng cả trái tim. Trở về quê hương, dù cuộc sống vẫn còn bộn bề lo toan nhưng người làng Bỉnh Di vẫn tự hào với một tên gọi khác - “Làng xây đảo”.

Bài và ảnh: Viết Dư

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/phong-su-ky-su/202406/chuyen-ve-lang-xay-dao-2c91068/