Chuyện về lão nông làm đâu thắng đó

Trong khi nhiều nông dân đang chật vật với điệp khúc 'được mùa, rớt giá', 'được giá, thất mùa' thì ở ấp 5, xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức, tỉnh Long An có lão nông biết 'buông này bắt kia' và lần nào ông cũng thắng đậm. Bí quyết của ông đơn giản chỉ là 'cái gì người ta trồng nhiều, nuôi nhiều thì mình không trồng, không nuôi nữa'.

Đến xã Mỹ Yên, hỏi ông Trần Hữu Công (Chín Công) ai cũng biết, bởi ông vừa là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh nhiều năm, vừa là bí thư chi bộ gương mẫu. Dẫn chúng tôi ra chỗ trồng nấm, giở từng lớp rơm, ông hào hứng kể, đây là những bệ kịp ra chợ đêm nay, còn bên kia thì để ngày mai, ngày mốt. Do chất lượng tốt nên nấm ông trồng bao nhiêu thị trường tiêu thụ hết bấy nhiêu. Có đêm “trúng mùa, được giá”, tiền bán nấm đủ mua một chỉ vàng.

Nhờ chất lượng tốt nên nấm rơm do ông Trần Hữu Công (ấp 5, xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức) trồng được thị trường ưa chuộng

Nhờ chất lượng tốt nên nấm rơm do ông Trần Hữu Công (ấp 5, xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức) trồng được thị trường ưa chuộng

Để có nguồn nguyên liệu trồng nấm và cung cấp cho những hộ khác, ông đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua máy cuốn rơm loại hiện đại. Với chiếc máy này, ông thu mua rơm của nông dân trong vùng rồi bán lại cho các hộ trồng nấm, vừa có nguồn nguyên liệu cho gia đình.

Ban đầu, khi chuyển sang mô hình này, ông Chín Công vấp phải sự phản đối của người thân vì chưa biết hiệu quả sẽ như thế nào, nhưng người nông dân 60 tuổi ấy vẫn quyết tâm. Hiện tại, kho rơm nhà ông Công cung cấp đủ nguyên liệu cho cả vùng, mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho gia đình ông. Để tránh nguy cơ cháy, ông trang bị hệ thống máy bơm, mô-tơ điện tại kho rơm.

Trước khi trồng nấm, ông Công từng nuôi bò, nuôi gà, trồng hoa màu và làm gì cũng thắng lớn. Do nắm bắt kỹ thuật, tiêm đầy đủ vắc-xin phòng bệnh cho đàn gà mà sau đợt dịch cúm gia cầm H5N1, thị trường gà, vịt khan hiếm, giá cao, ông lại có nguồn cung cấp khá lớn với hơn 10.000 con.

Khi người nuôi còn đang lo dịch bệnh có thể quay lại nên ngại tái đàn thì ông mạnh dạn đầu tư và thắng lớn. Cứ 1.000 con gà, ông cầm chắc lợi nhuận 20 triệu đồng, chưa kể tiền bán phân gà cũng mang lại cho ông nguồn thu rủng rỉnh. Đang đà thắng lớn thì ông dừng lại và chuyển sang nuôi bò trong sự ngỡ ngàng của nhiều người. Ông dừng lại bởi vì khi thấy ông nuôi gà hiệu quả, nhiều hộ làm theo khiến nguồn cung nhiều, tất nhiên giá sẽ giảm.

Ông Chín Công nói: "Làm gì cũng vậy, khi đạt đỉnh rồi thì sẽ xuống, vậy nên sau khi thành công với mô hình nuôi gà, tôi chuyển sang nuôi bò". Nhờ tư duy nhạy bén, khả năng dự đoán thị trường, ông Chín Công biết rút lui đúng lúc. Bằng chứng là khi nguồn cung vượt cầu, giá gà, vịt giảm làm ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận của người nuôi.

Để có thành công như ngày nay, ông Chín Công cũng nhiều phen “năm đôn bảy đáo” chứ không phải chỉ nhờ “trời thương”. Khi nghe chỗ nào có mô hình hay, hiệu quả tốt, ông đều đến học hỏi. Ông còn tích cực tham gia các hội thảo về cây trồng, vật nuôi do địa phương tổ chức; đọc báo để có thêm tin tức về thị trường,...

Hiện tại, cơ sở của ông tạo việc làm cho nhiều lao động trong xóm và hỗ trợ kỹ thuật trồng nấm cho nhiều hộ trồng khác. Hộ nào gặp khó khăn, ông bán rơm với hình thức trả chậm, hỗ trợ kỹ thuật miễn phí. Ông Chín Công nhắn nhủ: “Tôi mong nông dân ai cũng thành công, nhưng để thành công phải biết nắm bắt thị trường và đừng chạy theo phong trào, số đông. Khi biết thị trường thay đổi, tôi đều báo cho mọi người biết để có sự chủ động trong sản xuất”.

Ở tuổi 60, sức khỏe có phần giảm sút nhưng nhiệt huyết trong ông Chín Công vẫn tràn trề. Ông đang có ý định cải tiến máy cuốn rơm hiện tại để có thể cắt luôn gốc rạ vì rạ làm nấm chất lượng sẽ tốt hơn. Phần rơm sau khi thu hoạch nấm thường bỏ đi, ông thí nghiệm ủ thành phân hữu cơ. Loại phân này đem trồng hoa thì hoa nở to, đẹp và lâu tàn.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Yên - Trần Văn Minh nhận xét: “Ông Trần Hữu Công rất năng nổ, tích cực học tập các mô hình ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới và thành công nhờ biết nắm bắt thị trường. Ngoài ra, ông còn rất tích cực tham gia các phong trào tại địa phương, tận tình giúp đỡ những hộ có hoàn cảnh khó khăn như tạo việc làm, hướng dẫn kinh nghiệm, kỹ thuật”.

Không dám nhận mình là người thành công, ông chỉ nói mình cố gắng hết sức. Sự cố gắng của ông là cả quá trình tìm tòi, sáng tạo, ứng dụng cái mới vào sản xuất và sự nhạy bén nắm bắt nhu cầu thị trường./.

Châu Thanh

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/chuyen-ve-lao-nong-lam-dau-thang-do-a176498.html