Chuyện về một nhà báo - nghệ sĩ

Nhà báo - nghệ sĩ Lê Văn Hiếu. Ảnh: YÊN LAN

Từng gắn bó với sân khấu trước khi vào đại học, từng làm việc trong ngành Văn hóa trước khi trở thành nhà báo, và rồi anh trở lại sân khấu trong vai trò gắn kết các nghệ sĩ, nghệ nhân, diễn viên chân quê - những người dù tất bật mưu sinh nhưng trong tim vẫn cháy bỏng niềm đam mê nghệ thuật truyền thống. Anh là nhà báo - nghệ sĩ Lê Văn Hiếu, Trưởng phòng Bạn đọc - Xã hội - Tư liệu Báo Phú Yên, Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tại Phú Yên, Chi hội trưởng Chi hội Sân khấu thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh.

1. Nghệ sĩ Lê Văn Hiếu vừa hoàn thành bài tân cổ giao duyên Sông Ba yêu thương, mở đầu là tân nhạc của tác giả Đức Thanh. Anh chia sẻ: “Lúc còn sống, anh Đức Thanh khá thân với tôi. Trong số các tác phẩm mà anh ấy để lại, người ta chỉ biết mỗi bài Sông Ba yêu thương. Vì người ta yêu sông Ba nên đồng cảm với ca khúc này”. Bằng tình yêu sông Ba, nghệ sĩ Lê Văn Hiếu sáng tạo lần thứ hai tác phẩm âm nhạc của một người đã rời xa cõi tạm từ lâu. Anh sử dụng 5 câu vọng cổ, đưa làn điệu trăng thu dạ khúc và đặc biệt là đưa điệu hò tát nước vào bản ca cổ, nên nhạc phẩm mang sắc màu Nam Trung Bộ và rất mượt mà.

Sông Ba yêu thương là bản tân cổ giao duyên thứ hai về quê hương Phú Yên do nghệ sĩ Lê Văn Hiếu sáng tác, sau Yêu lắm quê mình. Bản nhạc này được viết sau khi nhạc sĩ - Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Ngọc Quang ra đi. Bản ca cổ nói hộ tình cảm mà anh dành cho tác giả Yêu lắm quê mình, cũng là tiếng lòng anh với quê hương thân yêu. Nghệ sĩ Lê Văn Hiếu cho biết: Tôi viết trong 2 ngày, giữ nguyên toàn bộ phần nhạc và ca từ của anh Ngọc Quang, sử dụng 4 câu vọng cổ và không đưa bất kỳ điệu lý nào vào. Viết xong, tôi gửi cho Văn Tấn Toàn - một người em thân tình, ở bên Mỹ, nhờ hát. Tấn Toàn đang rất bận, hơn nữa bên đó mà tập hợp được dàn nhạc để thu âm không hề đơn giản. Tôi bèn nhờ hai chị em Bích Trâm - Hữu Nghĩa hát. Nghệ sĩ Mai Hoàng nói với tôi “Hai chị em nó kén bài lắm đó”. Nhưng thôi, cứ gửi thử xem. Nhận bài, hai chị em thích. Chúng tôi thu âm bài ca cổ Yêu lắm quê mình. Đây là nén hương lòng thắp cho anh Ngọc Quang hôm 49 ngày của ảnh. Hát xong Yêu lắm quê mình, Bích Trâm gợi ý tôi viết ca cổ Sông Ba yêu thương.

2. Anh Lê Văn Hiếu quê ở Hòa Tân Đông (TX Đông Hòa). Được trời cho giọng hát rất ngọt và khả năng diễn xuất, anh sớm gắn bó với sân khấu cải lương nơi quê nhà, trong thời kỳ người mộ điệu, tâm huyết ở nhiều xã, nhiều địa phương tại Phú Yên thành lập đoàn cải lương, và đêm diễn nào cũng chật kín khán giả. Hồi đó, những người mê cải lương ở Hòa Tân và các vùng lân cận thích thú mỗi khi anh hề Khô Khan xuất hiện trên sân khấu. Chỉ cần anh nguýt mắt, phẩy tay…, già trẻ lớn bé đã bật cười. Ngoài các vai hài sở trường, anh còn gây ấn tượng qua các vai nịnh. Nghĩ cũng lạ, trông anh khá… Hai Lúa nhưng lại có nghệ danh rất Tây: Tony Hiếu. Có lẽ, đây cũng là một yếu tố bất ngờ, thích thú đối với khán giả. Anh kể: “Khi tôi chập chững vào đoàn, một người anh trong đoàn chuyên đóng kép nịnh đã đặt nghệ danh này cho tôi”.

Sau khi đoàn giải tán, anh tiếp tục đi học và thi đậu vào Trường đại học Văn hóa Hà Nội. Anh chọn học phân ban Âm nhạc, chuyên ngành Văn hóa quần chúng. Tốt nghiệp đại học, anh có 5 năm làm việc trong ngành VH-TT. Đầu 1996, anh về Báo Phú Yên, bắt đầu hành trình trở thành một nhà báo chuyên nghiệp. Với bút danh Xuân Hiếu, Lạc Việt, Lạc Hồng, 26 năm qua, anh đồng hành với những người lính. Qua các tác phẩm báo chí của nhà báo Xuân Hiếu, bạn đọc thêm quý, thêm thương anh bộ đội; bạn đọc cảm nhận những khó khăn, vất vả của các chiến sĩ mang quân hàm xanh trên những chặng đường bảo vệ sự bình yên cho tuyến biển quê hương… Đáng chú ý, anh còn để lại dấu ấn ở những bài viết xây dựng Đảng. Nhiều tác phẩm báo chí của nhà báo Xuân Hiếu đã được trao giải thưởng báo chí tỉnh Phú Yên, giải Búa Liềm Vàng và các giải thưởng của ngành.

3. Là đầu tàu của hai chi hội Sân khấu, nghệ sĩ Lê Văn Hiếu đã gắn kết các nghệ sĩ, nghệ nhân, diễn viên chân quê - những người dù tất bật mưu sinh nhưng trong tim vẫn cháy bỏng niềm đam mê nghệ thuật truyền thống. Anh trăn trở tìm cách giải bài toán kinh phí vốn luôn ít ỏi, hạn hẹp để hai chi hội tổ chức nhiều hoạt động. Chi hội Sân khấu là một trong những chi hội mạnh của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên, đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa bằng hình thức xã hội hóa, trong đó có Đêm thơ Nguyễn Bính (năm 2008), Đêm thơ Văn Công (năm 2009)... Một số vở diễn dài hơi đã được Chi hội Sân khấu và CLB Tuồng 10/5 (huyện Phú Hòa) dàn dựng, biểu diễn, như vở tuồng Tình yêu và Khát vọng tôn vinh danh nhân Lương Văn Chánh, kịch bản dân ca bài chòi Khu 5 Sáng mãi tên anh về anh hùng Lê Trung Kiên. Năm ngoái, với vỏn vẹn 40 triệu đồng cho hơn 3 tháng luyện tập, cho đạo cụ, phục trang…, Chi hội Sân khấu và CLB Tuồng 10/5 đã đưa kịch bản tuồng Kiều Quốc Sĩ của nghệ sĩ Nguyễn Phụng Kỳ lên sâu khấu, trong hơn 3 tiếng đồng hồ.

Gắn bó với sân khấu từ những ngày xanh, như các nghệ sĩ, nghệ nhân, anh Lê Văn Hiếu trăn trở, đau đáu với việc làm thế nào để lan tỏa vẻ đẹp của nghệ thuật truyền thống giữa nhịp sống tất bật này. “Để góp phần gìn giữ nghệ thuật truyền thống, chúng tôi cần sự quan tâm, tiếp sức của cơ quan chức năng và các địa phương”, nghệ sĩ Lê Văn Hiếu bày tỏ. Nghệ sĩ Bích Trâm, hội viên Chi hội Sân khấu, cảm nhận: “Anh Hiếu rất tâm huyết, tận tụy với chi hội. Đó là điều đáng quý”. Lãnh đạo Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên cũng đánh giá cao sự nhiệt tình, năng nổ của nghệ sĩ Lê Văn Hiếu.

Thời điểm này, nghệ sĩ Lê Văn Hiếu đang tràn đầy năng lượng sáng tạo. Anh cùng các anh: Huỳnh Trọng Thống, Phan Thanh Kính, Đình Thoại sáng tác ca cổ về quê hương Phú Yên.

Tại Báo Phú Yên, nhà báo Lê Văn Hiếu là Trưởng phòng Bạn đọc - Xã hội - Tư liệu. Tại Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, anh là Ủy viên Ban Chấp hành nhiệm kỳ thứ tư, Chi hội trưởng Chi hội Sân khấu, đồng thời là Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tại Phú Yên. Ở cương vị nào, nhà báo - nghệ sĩ Lê Văn Hiếu cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ.

YÊN LAN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/277815/chuyen-ve-mot-nha-bao-nghe-si.html