Chuyện về người cán bộ Công an xứ Nghệ chiến đấu hy sinh ngày mùng 1 Tết Mậu Thân ở chiến trường miền Đông Nam Bộ
Những ngày Tết Ất Tỵ 2025, về quê đón Tết ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, tôi có đến xã Diễn Kim để tham dự một lễ hội khai xuân cùng bạn hữu đồng nghiệp. Diễn Kim là xã có khá nhiều điều đặc biệt: Xã giáp biển, là nơi eo biển ăn sâu nhất vào đất liền trên bản đồ nước ta; là xã có Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Diễn Châu trong đấu tranh chống thực dân Pháp; cũng là xã của Anh hùng Lao động, nhà văn Sơn Tùng, người có kho tàng sáng tác văn học đồ sộ nhất về Chủ tịch Hồ Chí Minh...
Không khí Tết của nhân dân xã Diễn Kim tưng bừng náo nhiệt lắm. Trong lễ hội khai xuân, tôi được nghe nhiều người, nhất là các đồng nghiệp Công an kể về người liệt sỹ Công an của xã mình chiến đấu ngoan cường và hi sinh anh dũng trên quê hương Mỹ Tho trong cuộc chiến đấu với kẻ thù xâm lược Tết Mậu Thân cách đây 57 năm. Đó là liệt sỹ Bùi Huy Giáp, sinh năm 1926, cán bộ Công an miền Bắc chi viện cho An ninh miền Nam. Nhiều cụ cao tuổi còn tự hào cho biết, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ông Giáp từng là Bí thư Đảng ủy xã Vạn Kim (nay là xã Diễn Kim), sau đó được tăng cường cho liên khu 4, làm Trưởng Đồn vành đai Nga Sơn, rồi Phó Ban Bảo vệ của Ty Công an Thanh Hóa thời kỳ vô cùng khó khăn, gian khổ. Sau đó, ông được chuyển công tác về quê Nghệ An, làm Phó Công an huyện Anh Sơn kiêm Trưởng đồn Công an Đô Lương, rồi làm Phó Ban Bảo vệ kinh tế, Công an tỉnh.

Liệt sĩ Bùi Huy Giáp.
Điều bà con xã Diễn Kim còn nhắc mãi về người con của quê hương, liệt sĩ Bùi Huy Giáp - cán bộ Công an chi viện cho an ninh tỉnh Mỹ Tho và anh dũng hi sinh đúng vào ngày mùng 1 Tết Mậu Thân năm 1968, năm mà khắp miền Nam đồng loạt Tổng tấn công và nổi dậy đánh lại kẻ thù xâm lược.
Không khí cảm động ấy đã xui khiến tôi muốn tìm hiểu về ông. Được biết, tháng 1/1965, khi Bộ Công an tiếp tục chi viện lực lượng cán bộ cho An ninh miền Nam, đồng chí Bùi Huy Giáp cùng 18 cán bộ thuộc Ty Công an Nghệ An là đảng viên, có lý lịch tốt, nhiệt tình, được tôi rèn qua phong trào cách mạng, đã xung phong vào chiến trường miền Nam như một lẽ tự nhiên của thế hệ cán bộ Công an thời bấy giờ. Các đồng chí được Bộ Công an điều động học lớp bồi dưỡng, đào tạo cấp tốc về nghiệp vụ tại Hà Nội. Kết thúc khóa học, Bùi Huy Giáp để lại trong tủ hồ sơ của Bộ Công an lý lịch cùng vài ba tấm ảnh hiếm hoi chụp với vợ con, để lại người vợ trẻ cùng các cơn thơ rồi nhẹ nhàng lên xe ôtô bí mật hành quân vào chiến trường miền Nam khốc liệt. Ròng rã luồn rừng, lội suối theo đường mòn Hồ Chí Minh hàng tháng trời, đồng chí Bùi Huy Giáp nhận nhiệm vụ ở An ninh khu 8, hoạt động bí mật tại ấp Mỹ Lương, xã Mỹ Phong và ấp Bình Long, xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang).
Tôi đã tìm gặp được người con trai của ông là Thượng tá Bùi Quang Vinh, nguyên Phó Trưởng Công an huyện Nam Đàn, Nghệ An, người đã nhiều năm lặn lội về Mỹ Tho tìm hài cốt cha mình. Anh cho biết, ngày cha lên đường, anh còn trong bụng mẹ, được 3 tuổi thì cha hy sinh. Thiếu vắng người cha, một mình mẹ nuôi dạy 5 anh em, trong đó chị gái bị tàn tật, anh trai bị tai nạn chấn thương cột sống, hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn. Anh và các anh, chị lớn lên nhờ bàn tay tảo tần của mẹ. Qua những câu chuyện của mẹ, anh biết về cha, tự hào về cha, coi cha mình là tấm gương để vượt lên hoàn cảnh khó khăn, tự rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành. Bùi Quang Vinh đã chọn ngành Công an để được noi gương, tiếp bước cha mình. Đã nhiều năm Vinh luôn đau đáu ước nguyện tìm mộ cha. Qua những thông tin từ Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an, anh mới biết cha mình trước đây được Bộ Công an phân công chi viện vào tỉnh Mỹ Tho, được cử làm Phó Ban An ninh tỉnh. Nghe tin ấy, mẹ anh mừng lắm, luôn nhắc nhở con trai phải nhanh chóng tìm được mộ người cha liệt sĩ. Anh được Công an tỉnh Nghệ An tạo điều kiện cho đi lại gặp gỡ những người ở Bộ Công an, ở các địa phương miền Nam, thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang để tìm hiểu thông in liên quan. Rồi thật may mắn, năm 2007, được sự giúp đỡ của Công an tỉnh Tiền Giang cùng các nhân chứng, cơ sở cách mạng - những người đã chứng kiến sự hy sinh anh dũng của bố anh và cả những người đã dũng cảm che mắt địch, bí mật chôn cất thi hài liệt sỹ Bùi Huy Giáp, gia đình anh Bùi Quang Vinh đã tìm được phần mộ và đưa hài cốt về an táng tại Nghĩa trang liệt sỹ thành phố Vinh - Nghệ An, 39 năm sau ông ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc.
Liệt sỹ Bùi Huy Giáp từng tham gia hoạt động cách mạng từ thời kỳ trước ngày 1/1/1945, cùng năm này ông được vinh dự kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) lúc tròn 18 tuổi. Hoạt động tích cực trong cao trào kháng Nhật cứu nước, tháng 3/1945, ông được cử làm Phó Chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm Việt Minh, bí mật cùng bà con nhân dân xã Diễn Kim tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền, lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp và đô hộ của phát xít Nhật. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, từ tháng 4/1951 đến năm 1953, ông được cấp trên cử đi học cán bộ tiền tuyến 4 tháng và bổ nhiệm giữ chức vụ Đồn trưởng Đồn vành đai (đồn 5), làm nhiệm vụ liên ngành.
Quá trình công tác, chiến đấu, đồng chí luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, không quản ngại khó khăn, gian khổ, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và ngành giao phó. Đặc biệt, năm 1961, Bùi Huy Giáp được Ty Công an Nghệ An cử tham gia bảo vệ và đón tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm quê Nghệ An, đồng chí được Trưởng Ty Công an Nghệ An tặng giấy khen về thành tích này.
Xét quá trình công tác, chiến đấu hi sinh của đồng chí Bùi Huy Giáp, ngày 24/11/2024, lãnh đạo Hội cựu CAND tỉnh Nghệ An đã phân công đồng chí Đại tá Đào Hồng Lập (nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, là hội viên Hội cựu CAND sinh hoạt tại Chi hội cựu CAND phường Quán Bàu, thành phố Vinh, Nghệ An) cùng Thượng tá Bùi Quang Vinh, con đẻ của liệt sỹ CAND Bùi Huy Giáp trực tiếp đến Hội cựu CAND tỉnh Tiền Giang phối hợp với Công an tỉnh Tiền Giang để xác minh thành tích chiến đấu, hi sinh của liệt sỹ Bùi Huy Giáp. Khi gặp chúng tôi, Đại tá Đào Hồng Lập cho biết: “Tôi đã trực tiếp gặp các đồng chí lãnh đạo Công an tỉnh Tiền Giang, gặp gỡ các nhân chứng từng công tác, từng giúp đỡ đồng chí Bùi Huy Giáp những năm hoạt động bí mật, chiến đấu ở Mỹ Tho, được biết rằng, sau khi bí mật di chuyển từ miền Bắc vào An ninh Trung ương Cục miền Nam, năm 1965, đồng chí Bùi Huy Giáp được phân công về An ninh tỉnh Mỹ Tho (nay là Tỉnh Tiền Giang) với chức vụ Phó Ban An ninh tỉnh lấy bí danh là Ba Lâm...”. Đại tá Đào Hồng Lập còn cho biết: Thời kỳ này, Mỹ tung quân vào miền Nam tiến hành chiến lược chiến tranh cục bộ, đánh phá cách mạng miền Nam rất quyết liệt, chúng phối hợp với chính quyền tay sai Nguyễn Văn Thiệu thực hiện nhiều chiến dịch với quy mô lớn, dã man đàn áp phong trào cách mạng và cán bộ chiến sỹ ta ở miền Nam. Các cuộc khủng bố, bắt bớ, giam giữ, sát hại người dân yêu nước, nhất là những người nuôi giấu cán bộ diễn ra thường xuyên. Lực lượng An ninh Mỹ Tho luôn dựa vào dân, nhờ dân nuôi giấu, che chở đã mưu trí, đánh mạnh, gây cho địch nhiều thiệt hại.
Với cương vị là Phó ban chỉ huy an ninh, đồng chí Bùi Huy Giáp đã tham gia chỉ huy cùng lực lượng an ninh Mỹ Tho giành nhiều thắng lớn. Trong 3 năm, từ năm 1965 đến năm 1968, đồng chí Bùi Huy Giáp chủ yếu hoạt động ở 3 hầm bí mật riêng do người dân che chở, trong đó 2 hầm ở gò và 1 hầm ở tại gia đình cơ sở bí mật Ba Tâm (sau này đồng chí Ba Tâm giữ chức vụ Phó Trưởng Công an thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang). Đồng chí Bùi Huy Giáp sống hàng ngày ở các gò, kênh rạch và theo liên lạc, làm việc với các cơ sở bí mật tại ấp Mỹ Lương, xã Mỹ Phong, Mỹ Tho và ấp Bình Long, xã Thanh Bình, Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Thời điểm này, địa bàn Mỹ Tho là nơi địch tổ chức hàng trăm đợt tấn công dồn dân, lập ấp, càn quét, bắt giết cán bộ và nhân dân vô cùng dã man, tàn bạo. Đặc biệt, trong dịp Tết Mậu Thân, địch liên tục tổ chức nhiều trận càn ở khu vực Mỹ Tho, nhất là khu vực Chợ Gạo, nơi đồng chí Giáp hoạt động. Đồng chí Bùi Huy Giáp đã mưu trí, dũng cảm cùng với nhân dân tại đây tổ chức chống lại hàng trăm đợt càn quét của địch, gây cho địch nhiều thiệt hại. Đồng chí tích cực xây dựng cơ sở, tập hợp lực lượng chiến đấu; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vũ khí phục vụ cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.
Vào khoảng 4h sáng ngày 29/1/1968 (tức mùng 1 Tết Mậu Thân), thực hiện chỉ đạo của Đảng tiến hành tổng công kích và nổi dậy trên toàn miền Nam, đồng chí Bùi Huy Giáp cùng 2 đồng chí cán bộ an ninh và du kích trực tiếp tổ chức công tác chuẩn bị đợt tấn công nổi dậy tại Mỹ Tho. Khoảng 11h cùng ngày, trên đường trở về hầm bí mật, địch tổ chức phản công, huy động lực lượng đông đảo càn quét tại ấp Mỹ Lương, xã Mỹ Phong. Phát hiện Bùi Huy Giáp và 2 đồng chí cán bộ an ninh, địch cho máy bay trực thăng chở quân xuống địa bàn ấp Mỹ Lương và vùng lân cận tổ chức càn quét, lùng sục, vây bắt ráo riết. Sau khi bị địch phát hiện, đồng chí Giáp đã mưu trí chỉ huy cả 3 đồng chí chạy theo 3 hướng khác nhau để phân tán lực lượng địch. Riêng đồng chí Bùi Huy Giáp chạy về hướng hầm bí mật. Về tới hầm bí mật, phòng khi địch vây bắt được mình, đồng chí đã kịp thời đốt hết tài liệu, phá hủy máy điện đàm và tiếp tục chiến đấu quyết liệt với đám lính càn quét. Khi chứng kiến cảnh nhân dân và một số người nhà của đồng chí Ba Tâm (là gia đình nuôi giấu cán bộ cách mạng) bị địch giết hại một cách dã man, đồng chí Giáp càng căm thù giặc, quyết không lùi bước trước súng đạn kẻ thù, chiến đấu vô cùng anh dũng, tiêu diệt nhiều tên địch.
Trong cuộc chiến không cân sức ấy, đồng chí vẫn giữ trọn bản lĩnh, khí tiết, chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Khi bị thương, bị địch bắt, chúng đã tra tấn rất dã man nhằm khai thác thông tin về cơ sở cách mạng nhưng đồng chí không chịu đầu hàng, quyết không khai báo cơ sở cách mạng cũng như tin tức và tài liệu, giữ trọn khí tiết người chiến sỹ An ninh cách mạng. Nhiều người dân cho biết, địch đã dùng báng súng tra tấn đập vào đầu đồng chí, dùng lưỡi lê đâm xuyên ngực, vứt xác đồng chí Bùi Huy Giáp lên gò đất gần khu vực hầm bí mật để phơi nắng, không cho người dân chôn cất nhằm uy hiếp nhân dân và những người nuôi giấu cán bộ. Đến khoảng 20h cùng ngày 1 Tết Mậu Thân, cơ sở của ta mới tìm được xác và đưa đi cất giấu tại cây rơm của gia đình bà Mười Tùng. Khoảng 23h cùng ngày, cơ sở của ta đã bí mật chôn cất tại vị trí nghĩa trang của gia đình đồng chí Ba Tâm. Do Liệt sĩ Bùi Huy Giáp là cán bộ an ninh chi viện nên cán bộ cơ sở đã chôn cất ngụy trang nhằm xóa dấu vết, không để địch phát hiện. Sau này, khi khai quật mộ để đưa hài cốt liệt sĩ Bùi Huy Giáp về quê Nghệ An, đoàn khai quật phát hiện hộp sọ của liệt sỹ Bùi Huy Giáp có nhiều mảnh vỡ đúng như thông tin người dân đã cung cấp về sự dã man của địch. Trong trận càn này, 2 đồng đội của Bùi Huy Giáp cũng bị địch phát hiện giết hại dã man đã anh dũng hy sinh.
Xúc động kể lại cho chúng tôi một cách tường tận câu chuyện này, Đại tá Đào Hồng Lập tâm sự rằng, bà con và người dân ấp Mỹ Lương, xã Mỹ Phong, Mỹ Tho và ấp Bình Long, xã Thanh Bình, Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, nhất là các gia đình cơ sở cung cấp tư liệu và thông tin sự thật cho chúng tôi đã thể hiện tình cảm vô cùng tiếc thương và khâm phục tinh thần chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sự hi sinh anh dũng cho Tổ quốc và Nhân dân của đồng chí Bùi Huy Giáp, giữ vững khí tiết kiên trung người CAND, chấp nhận hi sinh để bảo vệ người dân và cơ sở cách mạng. Công an tỉnh Nghệ An và gia đình đồng chí Bùi Huy Giáp luôn ghi nhớ công ơn, tình cảm của bà con cô bác, người dân, gia đình các cơ sở cách mạng đã nuôi giấu, giúp đỡ đồng chí Bùi Huy Giáp và bảo vệ phần mộ của đồng chí đến ngày toàn thắng để bàn giao lại cho gia đình và tổ chức.
Với những công lao, cống hiến trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng, đồng chí Bùi Huy Giáp đã được Nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương kháng chiến hạng Nhất và nhiều huân, huy chương, danh hiệu cao quý khác… Qua báo cáo xác minh quá trình chiến đấu, hi sinh anh dũng của liệt sỹ Bùi Huy Giáp, qua xem xét quá trình công tác, đóng góp của đồng chí từ trước ngày 1/1/1945 cũng như qua các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chi viện cho An ninh miền Nam chống Mỹ cứu nước, Hội Cựu CAND tỉnh Nghệ An nhất trí cao và có văn bản báo cáo, đề nghị Hội Cựu CAND Việt Nam đề xuất các cơ quan chức năng Trung ương xem xét truy tặng đồng chí Bùi Huy Giáp danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.