Nữ NSND từng là Giám đốc Nhà hát Chèo: U60 vẫn yêu nghề, hạnh phúc bên chồng kém tuổi
NSND Thanh Ngoan dành trọn hơn 40 năm thanh xuân cho nghệ thuật chèo, không chỉ là nghệ sĩ tài năng mà còn có công bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống.
Những bước chân đầu tiên
Sinh năm 1966 tại Thái Bình - vùng đất được coi là một trong những cái nôi của nghệ thuật chèo, Thanh Ngoan (tên thật là Nguyễn Thị Bích Ngoan) sớm bộc lộ năng khiếu và tình yêu với nghệ thuật truyền thống.
Năm 13 tuổi, với tình yêu nghệ thuật cháy bỏng, cô đã quyết định rời quê hương để theo học tại Nhà hát Chèo Việt Nam. Cuộc sống của một học viên nghệ thuật những năm 1980 không hề dễ dàng. Mỗi ngày từ 6h sáng, Thanh Ngoan đã phải dậy tập luyện hình thể, sau đó là các giờ học chuyên môn về hát, múa, diễn xuất. Buổi chiều là thời gian học văn hóa, vì ngoài nghệ thuật, các học viên vẫn phải hoàn thành chương trình phổ thông.


Những bước tiến trong sự nghiệp
May mắn được các nghệ nhân tên tuổi như NSND Tống Năm Ngũ, NSND Minh Lý, NSƯT Lệ Hiền, NSƯT Xuân Mai, NSND Bùi Trọng Đang, NSND Mạnh Tuấn... truyền dạy những làn điệu chèo cổ quý giá, Thanh Ngoan nhanh chóng tiến bộ và bộc lộ tài năng. Năm 15 tuổi, chị đã đoạt giải trong cuộc thi hát chèo toàn quốc với vai vợ quỷ trong vở Trương Viên.
Vai diễn đầu tiên của Thanh Ngoan trên sân khấu chuyên nghiệp là vai Đào Huế trong vở Chu Mãi Thần. Từ đó, chị liên tiếp thể hiện thành công nhiều vai diễn đa dạng, từ các vai đào chính, đào lệch đến những vai phụ. Năm 1990, chị ghi dấu ấn đặc biệt với vai Hoạn Thư trong vở Kiều.
"Với tôi, từ vai nhỏ đến vai lớn đều quan trọng như nhau. Trong một vở diễn, mỗi nhân vật đều có số phận riêng và người nghệ sĩ phải tôn trọng, nghiên cứu kỹ lưỡng để diễn tả được điều đó", chị chia sẻ.




Không chỉ là một nghệ sĩ biểu diễn tài năng, NSND Thanh Ngoan còn là một người nắm giữ vốn quý về chèo cổ. Với gần nửa thế kỷ theo nghề, chị thuộc các làn điệu chèo và hiểu rõ về đặc trưng, cách thể hiện của từng làn điệu.
Ý thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản nghệ thuật, chị đã thu âm gần 100 làn điệu chèo, không chỉ do chính mình thể hiện mà còn của nhiều nghệ sĩ khác.
Trăn trở về bảo tồn và phát triển chèo
Là một người am hiểu sâu sắc về nghệ thuật chèo, NSND Thanh Ngoan có nhiều trăn trở về việc bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật này trong thời đại mới. Chị nhấn mạnh việc cần giữ gìn những nguyên tắc cơ bản của nghệ thuật chèo - một loại hình sân khấu độc đáo kết hợp giữa hát, múa và diễn.
"Chèo là nghệ thuật sân khấu thuần Việt nhất của Việt Nam. Có thể làm mới chèo nhưng không được đánh mất bản chất của nó", chị khẳng định. Theo chị, việc đổi mới có thể thể hiện qua việc áp dụng công nghệ âm thanh, ánh sáng hiện đại, cải tiến trang phục, nhưng phải giữ được những nguyên tắc cơ bản về hát, múa, diễn xuất của chèo.






Nghệ thuật chèo đã trải qua nhiều thăng trầm. Thời kỳ hoàng kim của chèo kéo dài đến những năm 1986. Sau đó, khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, chèo cũng như nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác phải đối mặt với nhiều thách thức.
Sau khi nghỉ hưu vào năm 2022, NSND Thanh Ngoan vẫn tiếp tục đóng góp cho nghệ thuật chèo với nhiều vai trò khác nhau. Chị là giảng viên tại các trường đại học, tổ chức các lớp dạy chèo miễn phí tại quê nhà, viết sách và làm nghiên cứu chuyên sâu về chèo.
Không chỉ truyền dạy kỹ thuật, chị còn chia sẻ với học trò những kinh nghiệm học được từ các nghệ nhân đi trước. "Ngày xưa các thầy cô chỉ dạy cách hát, cách diễn. Bây giờ chúng tôi còn phải phân tích cho học trò hiểu về tâm lý nhân vật, về ý nghĩa của từng làn điệu", chị nói.


Dù nghỉ hưu nhưng NSND Thanh Ngoan vẫn giữ nguyên niềm đam mê và nhiệt huyết với nghệ thuật chèo. "Tôi mong muốn mỗi người Việt Nam đều biết đến chèo, bởi đó là hồn cốt của dân tộc. Dù có đi đâu xa, người Việt Nam cũng cần biết rằng ở quê hương mình có một loại hình nghệ thuật độc đáo như thế", chị tâm sự.
Ngoài công việc nghệ thuật, NSND Thanh Ngoan còn là một người bà đầy yêu thương. Với cháu gái ít tuổi, chị hy vọng sẽ truyền được tình yêu với nghệ thuật truyền thống cho thế hệ tiếp theo. "Bây giờ cháu còn nhỏ, chỉ biết hát nhạc thiếu nhi và tiếng Anh. Nhưng tôi tin rằng khi lớn lên, cháu sẽ hiểu và yêu quý nghệ thuật chèo như bà", chị chia sẻ.
Về đời sống riêng tư, sau lần đầu đổ vỡ và có một con trai, năm 2002, Thanh Ngoan gắn bó người ông xã kém 7 tuổi, quê Hà Nội, công tác trong ngành xây dựng. NSND Thanh Ngoan nói cô và chồng đã quá hiểu nhau nên cuộc sống thường ngày không ai nói nặng lời với nhau. Nhiều lần thấy vợ bận không có thời gian chăm sóc bản thân, anh vào bếp nấu những món cô thích.
NSND Thanh Ngoan hát "Đào liễu":
Minh Nghĩa (tổng hợp)
Ảnh: FBNV