Chuyện về người chính trị viên đầu tiên trên quê hương Kiên Giang

Ông là Dương Ngọc Kim (SN 1912), biệt danh Năm Lửa, vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1931; Từ 1931-1936 là tù nhân chính trị Côn Đảo; 1936-1945 hoạt động bí mật, tham gia phong trào Nam Kỳ khởi nghĩa. Tháng 8/1946 ông trở thành người Chính trị viên đầu tiên của tỉnh Kiên Giang

Ông là Dương Ngọc Kim (SN1912), biệt danh Năm Lửa, Đảng viên 1931; người Chính trị viên đầu tiên của tỉnh Kiên Giang. Ảnh tư liệu

Ông là Dương Ngọc Kim (SN1912), biệt danh Năm Lửa, Đảng viên 1931; người Chính trị viên đầu tiên của tỉnh Kiên Giang. Ảnh tư liệu

Cuộc đời hoạt động cách mạng của ông Dương Ngọc Kim khá truân chuyên. Ông đảm nhận nhiều vị trí khác nhau, hoạt động nhiều năm, ở nhiều nơi khác nhau, lúc công khai, lúc bí mật. Hồ sơ tài liệu lưu trữ và viết về ông không nhiều.

Theo tài liệu lưu trữ ghi trên thẻ Đảng viên và lý lịch trích ngang, ông Dương Ngọc Kim sinh ngày 15/8/1912, quê quán Mỹ Hòa, Cầu Ngang, Cửu Long (tỉnh Trà Vinh ngày nay). Ngày vào Đảng tháng 1/1931. Tuy nhiên mãi đến 14 năm sau ngày 1/1/1945 ông mới được vào Đảng chính thức. Việc vào Đảng chính thức sau 14 năm được lý giải rằng, sau khi rời khỏi nhà tù Côn Đảo ông chuyển qua hoạt động bí mật.

Cụ thể bản lý lịch trích ngang của ông ghi: 1936-1945 hoạt động bí mật, tham gia phong trào Nam Kỳ khởi nghĩa nghĩa; Năm 1945 - 1954 Chính ủy Trung đoàn 123 và 126, Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh đội trưởng Rạch Giá (Kiên Giang ngày nay).

Trong cuốn Lịch sử lực lượng vũ trang tỉnh Kiên Giang 30 năm kháng chiến (1945 - 1975) - Nhà xuất bản Quân đội nhân dân 2019, có đoạn viết về ông: Ngày 5/8/1946 Tỉnh ủy Rạch Giá Mở Hội nghị tại Quận Gò Quao (U Minh Thương ngày nay). Hội nghị thống nhất những vấn đề quan trọng và cấp bách, trong đó có nội dung: đề cử các ủy viên BCH Đảng bộ lâm thời, thành lập Ủy ban Hành chính Ban Chỉ huy quân sự tỉnh, trong đó ông Dương Ngọc Kim làm Chính trị viên. Như vậy, có thể nói ông Dương Ngọc Kim là Chính trị viên đầu tiên của tỉnh Rạch Giá, nay là tỉnh Kiên Giang.

Cuốn Lịch sử lực lượng vũ trang tỉnh Kiên Giang 30 năm kháng chiến (1945 - 1975) - Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân 2019 đã ghi nhận ông Dương Ngọc Kim làm Chính trị viên từ năm 1946. Ảnh tư liêu.

Cuốn Lịch sử lực lượng vũ trang tỉnh Kiên Giang 30 năm kháng chiến (1945 - 1975) - Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân 2019 đã ghi nhận ông Dương Ngọc Kim làm Chính trị viên từ năm 1946. Ảnh tư liêu.

Trong một tài liệu được lưu giữ tại Ban nghiên cứu lịch sử Đảng thuộc Tỉnh ủy Kiên Giang, thể hiện ông Dương Ngọc Kim vào bộ đội tháng 10/1945, tham gia mặt trận Cầu Kè. Sau đó được lệnh chỉ huy 1 tiểu đội về vùng Khánh An, Khánh Lâm (U Minh) lo xây dựng căn cứ cho bộ phận hậu cần và công binh xưởng của mặt trận Cầu Kè về cư trú. Xong nhiệm vụ đó, ông xin ở lại vùng U Minh cùng các đồng chí ở địa phương lo xây dựng Đảng, chính quyền và đoàn thể ở đây (trước đó ông là Huyện ủy viên ở Cà Mau).

Tháng 6/1946 ông được Khu trưởng Khu 9 và chỉ thị của Khu ủy Khu 9 bổ nhiệm giữ chức Chính trị viên phân đội chỉ huy về hoạt động ở tỉnh Rạch Giá, liên lạc móc nối với cán bộ địa phương lo củng cố, xây dựng, phát triển Đảng, đoàn thể và chính quyền. Chú trọng nâng cao sức chiến đấu của Vệ quốc Đoàn, bồi dưỡng, tăng cường cho các đơn vị đủ sức làm nòng cốt cho phong trào, chiến tranh du kích tỉnh Rạch Giá, giữ vững chính quyền cách mạng, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân, bảo vệ đường giao thông trên các tuyến đường xung yếu bị địch uy hiếp.

Chính trị viên Dương Ngọc Kim (ảnh trên cùng). Ảnh tư liệu.

Chính trị viên Dương Ngọc Kim (ảnh trên cùng). Ảnh tư liệu.

Kể về chiến công ông nói: Các trận đánh lớn, nhỏ tôi nhớ không hết, nhưng có những trận điển hình như: cuộc tấn công đồn Thứ Ba lúc ban đêm hồi tháng 3/1947, có bộ phận súng cối tham gia, bắn bánh kích pháo vào đồn và xung phong đánh phá các cứ điểm, làm cản cầu, đắp đập ngăn sông khiến cho địch phải bỏ đi. Trận Kinh Tư Đập Đá, chặn địch không để cho chúng đi cướp phá của Nhân dân, vây bắt cán bộ; Trận đánh bọn Pháp đi còn ở Đồn Thái Bình đã tiêu diệt 1 Trung đội địch, thu nhiều súng, bắt nhiều quân địch. Đặc biệt bắt được sếp đồn (quan Một Pháp) đầu tiên ở khu 9, hai trận nói trên liên tiếp trong hai ngày 2 đêm vào trung tuần tháng 6/1947; Trận phục kích 2 tiểu đội địch đi càn tại Nam Thái Sơn, thu được một số súng và bắt được hai lính Pháp hồi tháng 8/1947. Trận đánh thủy lôi trên sông Ba Đình, hạ tàu địch, lấy được nhiều súng đạn hồi tháng 9/1947.

Tấm thẻ Đảng lịch sử của ông Dương Ngọc Kim được công nhận chính thức sau 14 năm kết nạp. Ảnh tư liệu

Tấm thẻ Đảng lịch sử của ông Dương Ngọc Kim được công nhận chính thức sau 14 năm kết nạp. Ảnh tư liệu

Tháng 9/1946, theo ý kiến của tập thể lãnh đạo và Tỉnh ủy Rạch Giá, ông Dương Ngọc Kim triệu tập hội nghị thành lập Chi bộ và hội nghị đã bầu ông giữ chức Bí thư. Tháng Giêng 1947, Bộ tư lệnh Khu ra lệnh giải tán Ban chỉ huy quân sự tỉnh Rạch Giá, thành lập Trung đội, ông Dương Ngọc Kim là Chính trị viên. Đến tháng 11/1947, Khu ủy ra chỉ thị thành lập Quân ủy và thành lập Chi đội. Khi thành lập Quân ủy ông Dương Ngọc Kim đã thuyên chuyển sang Sóc Trăng.

Cuối năm 1949, ông Dương Ngọc Kim giữ chức Chính trị viên trung đoàn 122 (Bộ đội địa phương Cần Thơ), về Đảng là Thường vụ Tỉnh ủy Cần thơ, được Ủy Ban Nam Bộ và Bộ Tư lệnh khu 9 điều động về Rạch Giá làm Tỉnh đội trưởng. Năm 1949-1950 tổ chức Đại hội tỉnh Đảng bộ Rạch Giá, ông được bầu vào Tỉnh ủy và được Ban chấp hành cử vào Thường vụ.

Ông Dương Ngọc Kim cũng là một người thẳng thắn, dám đấu tranh chống lại những việc làm sai trái, cục bộ địa phương... Ông nhận xét: từ cuối năm 1949-1951, Tỉnh ủy Rạch Giá chấp hành nghiêm chỉnh chỉ thị của Trung ương Cục, hoàn thành xuất sắc nghị quyết Đại hội lần thứ IV của tỉnh Đảng bộ.

Hiện hồ sơ, tư liệu về ông Dương Ngọc Kim vẫn đang được con cháu ông và các nhà nghiên cứu quan tâm, tìm kiếm bổ sung.

Hồng Lĩnh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chuyen-ve-nguoi-chinh-tri-vien-dau-tien-tren-que-huong-kien-giang.html