Chuyện về người phụ nữ có hai chồng liệt sĩ

Bà Nguyễn Thị Con, năm nay 94 tuổi hằng ngày vẫn ngồi đó trong căn nhà nhỏ ở thôn Long Quang, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong. Không ít lần bà ngồi trước hiên nhà từ khi ánh bình minh mới ló dạng cho đến khi bóng chiều ngả về phía Tây. Bà ngồi đó để nhớ lại bao nhiêu chuyện đã xảy ra trong cuộc đời của mình với nhiều nỗi buồn. Hai lần lấy chồng nhưng bà không được ở bên chồng lâu dài. Họ ra đi để lại cho bà những đứa con thơ với bao khó khăn, vất vả và những thương nhớ khôn nguôi.

Hai lần khóc chồng trong đớn đau tột cùng

Sinh năm 1928 trong một gia đình nông dân ở thôn Linh Yên, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, bà Nguyễn Thị Con cùng với những chị em trong gia đình tích cực tham gia các phong trào cách mạng ở địa phương. Bà tham gia vào hội phụ nữ, đội du kích của thôn, ban đêm tập luyện với anh chị em, rồi tham gia giành chính quyền năm 1945. Cuộc sống, tuổi thanh niên tuy vất vả nhưng sôi nổi. Từ nhỏ không được đi học nên khi có lớp bình dân học vụ được mở ra sau Cách mạng tháng Tám bà tham gia học chữ Quốc ngữ với niềm say mê muốn biết thật nhiều con chữ để đọc sách, đọc báo và những tài liệu tuyên truyền của cách mạng.

Người chồng đầu tiên của bà là ông Lê Ngọc Giá (cùng thôn Linh Yên, xã Triệu Trạch), thua bà 3 tuổi. Chồng bà hăng hái tham gia vào cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược, không ít lần anh được cử đi học thêm các lớp đào tạo ở Chiến khu Ba Lòng (huyện Đakrông), rồi Chiến khu Thủy Ba (huyện Vĩnh Linh). Anh làm y tá, xông pha trận mạc, băng bó vết thương, cấp cứu cho nhiều đồng bào, đồng đội.

Năm 1952, bà Con sinh con gái đầu lòng đặt tên là Lê Thị Chiên, đến năm 1954 bà sinh thêm người con gái thứ hai. Sau khi lấy chồng sinh con, bà không tham gia du kích mà ở nhà làm ruộng, nuôi con, tạo điều kiện cho chồng an tâm công tác. Tuy vậy, ngọn lửa cách mạng trong lòng bà vẫn âm ỉ cháy, có thời cơ là bà sẵn sàng đóng góp.

Những năm 1953-1954, giặc Pháp tăng cường càn quét, bắt giữ, khủng bố những người tham gia cách mạng, chồng bà cũng rút vào hoạt động bí mật. Được biết chồng cùng với đồng đội đào hầm bí mật, bà đã bỏ công đi mua gạch, gỗ và các thứ vật liệu cần thiết để làm hầm trong khu vực một lùm cây ngoài rìa làng. Ngày 14/5/1954 (âm lịch), giặc Pháp mở trận càn quét vào làng quê của bà, chúng lùng sục để bắt giữ, bắn giết những người tham gia cách mạng.

Không may căn hầm của chồng bà và 2 người khác trú ẩn bị chúng xăm trúng, chúng bắc loa kêu gọi đầu hàng, một người bỏ chạy thoát thân, còn lại 2 người trong đó có chồng bà đốt hết tài liệu, anh dũng hy sinh. Nghe tin chồng hy sinh bà khóc ngất. Bọn Pháp trước khi rút đi đã cài lựu đạn xung quanh xác người chết. Mãi đến sáng hôm sau khi du kích gỡ xong những quả lựu đạn, dân làng mới đưa thi thể của hai người đem đi mai táng.

 Bà Nguyễn Thị Con cùng với các con -Ảnh: H.N.B

Bà Nguyễn Thị Con cùng với các con -Ảnh: H.N.B

Chồng mất đã nhiều năm, bà ở vậy nuôi con. Lúc này, ở thôn Long Quang có ông Phan Thêm (hơn bà 5 tuổi), là cán bộ cách mạng, vợ mất để lại 5 đứa con. Một số cán bộ, du kích vận động bà lấy ông Thêm. Đến năm 1968, khi con đầu được 17 tuổi bà mới tính chuyện đi bước nữa. Thông cảm trước hoàn cảnh ông Phan Thêm gà trống nuôi con vất vả, bà đồng ý về làm vợ với mong muốn có nơi nương tựa lúc tuổi già.

Lấy chồng mới được 3 tháng, ăn ở với nhau chưa quen hơi ấm thì lại phải chia tay. Bà vẫn còn nhớ buổi sáng hôm đó là ngày 12/5/1968 (âm lịch), bà đi chợ thị xã Quảng Trị. Hôm trước, người chồng thứ hai nói với bà “Ngày mai đi chợ mua nếp về anh gói bánh để ngày kia cúng giỗ cho anh Giá”. Không ngờ hôm ấy khi bà đi chợ, chồng vẫn ở nhà nhưng lúc về thì không còn nữa. Bọn địch theo dõi biết anh hoạt động cách mạng nên tìm cách bắt giữ.

Sáng hôm ấy, chúng kéo quân về bắt anh lên huyện, anh bồng đứa con út ra bờ sông Vĩnh Định không chịu đi, chúng đã bắn anh cùng 4 người khác. Con anh may mắn không trúng đạn, còn anh mãi nằm lại với mảnh đất quê hương. Tin chồng bị giặc giết quá đột ngột làm cho bà đau xót như có ai đó bóp nghẹt cả con tim, con đường từ chợ thị xã Quảng Trị về làng mỗi bước đi thấm đầy nước mắt. Không ngờ cái buổi sáng đi mua nếp để về chuẩn bị cúng cho người chồng liệt sĩ đầu tiên cũng là ngày bà phải tiễn đưa người chồng thứ hai trong đau đớn, xót xa.

Một mình nuôi 8 con của liệt sĩ

Khi người chồng thứ hai mất, bà Nguyễn Thị Con mới có thai được vài tháng. Khoảng 7 tháng sau thì bà sinh ra một bé gái. Đứa bé ra đời trong hoàn cảnh quá đau buồn khi bà mới mất chồng, nhiều đêm không ngủ, cuộc sống thiếu thốn nên cơ thể suy nhược. Cô bé ngày xưa sinh ra ốm yếu ấy, nay là chị Phan Thị Mai đang sống cùng một ngôi nhà với bà Con. Tính ra bà Nguyễn Thị Con có 2 con gái với chồng đầu và 1 con gái với chồng sau. Cộng với con riêng của chồng 5 người, như vậy khi chồng mất bà phải gồng gánh một gia đình có tới 8 người con.

Với tấm lòng bao dung, nhân từ bà đã mở rộng vòng tay cưu mang, che chở hết cho những đứa con chung, con riêng của hai người chồng liệt sĩ và dìu dắt các con vượt qua bao thử thách, gian khó trong cuộc đời. Năm 1972, con gái đầu của bà với người chồng trước được tỉnh đưa đi đào tạo, rồi vào quân đội, học ngành dược, sau đó chuyển ngành làm cán bộ Ban thi đua khen thưởng của tỉnh Bình Trị Thiên, rồi lấy chồng sống ở Huế. Đứa con giá thứ hai của bà với người chồng đầu bị bệnh tật, ban đêm đi lạc vào đồn giặc nên bị bắn chết…

Bà nén đau thương, mất mát để chạy ngược, chạy xuôi, lo cho từng đứa con. Trong nhà không có đàn ông làm trụ cột, chỗ dựa nên bà vừa làm mẹ, vừa làm cha để giáo dục, dạy dỗ con cái nên người. Không ít lần bà phải đi mót khoai, mót sắn, hái từng cọng rau đem ra chợ bán, hay đổi gạo xô, bột bắp để chia phần cho từng đứa con có miếng ăn. Có lúc bà phải chắt chiu, dành dụm từng đồng tiền để con có được chiếc áo mới lành lặn, mà bản thân mình hầu như không có được thứ gì cho tươm tất.

Ai cũng cảm phục sự hy sinh, chịu đựng của bà khi phải nuôi dạy một đàn con đông đúc trong hoàn cảnh những năm chiến tranh loạn lạc. Bà Nguyễn Thị Hạnh (79 tuổi), em gái của bà Con bày tỏ cảm xúc: “Chị tôi quá tốt, cả cuộc đời lam lũ, chịu đựng khó khăn, vất vả, hầu như không có được một ngày vui. Vậy mà chị vẫn cố gắng vượt qua; đứng ra dựng vợ gả chồng cho những đứa con mà chị đã từng cưu mang, nuôi nấng”.

Với những đóng góp cho cách mạng, bà Nguyễn Thị Con được Chủ tịch nước tặng Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Ba; được hưởng chế độ người có công với cách mạng, hưởng chế độ vợ liệt sĩ, mỗi tháng hơn 2,5 triệu đồng. Hằng năm, bà vẫn lo cho hai ngày giỗ của hai người chồng liệt sĩ, mà người cúng trước, người cúng sau cũng chỉ cách nhau có vài ngày. Niềm an ủi lớn nhất của bà là có con gái út Phan Thị Mai sống bên cạnh, lo cho từng bữa ăn, giấc ngủ. Bên cạnh đó, những người con riêng của chồng thứ hai cũng thường xuyên đến thăm hỏi sức khỏe của bà.

Điều đáng quý trọng là bà Nguyễn Thị Con không chỉ là người vợ của hai liệt sĩ phải chịu đựng nhiều hy sinh, mất mát mà bà còn có tấm lòng cao cả khi đã dành cả tuổi thanh xuân của mình để chăm lo, nuôi dưỡng 8 người con của hai liệt sĩ trở thành những công dân hữu ích cho xã hội.

Hoàng Nam Bằng

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=169078&title=chuyen-ve-nguoi-phu-nu-co-hai-chong-liet-si