Chuyện về người thương binh 'tàn nhưng không phế'
Trở về từ chiến trường Campuchia với cơ thể không lành lặn, mất đi một chân, thương binh hạng 2/4, ông Nguyễn Văn Chà (SN 1963, ngụ xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) vẫn giữ được phẩm chất của người lính Bộ đội Cụ Hồ 'tàn nhưng không phế', tích cực phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng, đóng góp tích cực cho quê hương.
Tháng 2 năm 1985, người thanh niên Nguyễn Văn Chà, quê ở xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước, tỉnh Minh Hải tham gia bộ đội thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại chiến trường Campuchia, đến tháng 6 năm 1987, trong một lần hành quân, ông Chà không may bị trúng mìn mất đi một chân và nhiều vết thương khác trên cơ thể phải trở về nước để điều trị.
Sau gần 03 điều trị, ông trở về nhà với tỷ lệ thương tật gần 80%. Thời điểm này, ông Chà gặp nhiều khó khăn, phần do gia đình nghèo, phần vì chưa quen với việc thiếu đi một phần cơ thể, mọi sinh hoạt của ông đều gặp nhiều trở ngại. Rồi cũng chính vì mất đi một chân mà việc lập gia đình của ông Chà cũng gặp nhiều khó khăn.
Ông Chà nhớ lại: “Tôi trở về quê đi hỏi vợ ở đâu người ta cũng không chịu gả vì do mình mất một chân, sợ ưng tôi rồi sẽ khổ nhưng cuối cùng có một người chịu cưới tôi đó là người con gái cùng quê tên là Nguyễn Thị Hương. Chúng tôi làm đám cưới năm 1990, đến năm 1991 vì cuộc sống quá khó khăn nên vợ chồng tôi quyết rời xa quê hương tìm đến vùng đất mới ấp 10, xã Nguyễn Phích lập nghiệp cho tới ngày hôm nay”.
Tại đây, gia đình ông Chà được cấp 7 ha đất để sản xuất, trong đó có 5ha trồng rừng và 2ha sản xuất nông nghiệp. Do đây là vùng đất hoang hóa, bị nhiễm phèn nặng nên việc sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Càng khó khăn hơn khi 2 đứa con của ông lần lượt ra đời, con nhỏ thường xuyên đau ốm, bệnh tật, bản thân ông Chà thì bị các vết thương hành hạ khi trái gió trở trời.
Ông Chà chia sẻ thêm: “Khó khăn là vậy nhưng thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “thương binh tàn nhưng không phế”, vợ chồng tôi quyết tâm vượt qua khó khăn xây dựng cuộc sống trên vùng đất mới. Hàng ngày tôi đi phát cỏ mướn, còn vợ tôi đi cấy, tối về hai vợ chồng đi cắm câu bán kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình.
Sau này, vợ chồng tôi tận dụng các diện tích đất trống xung quanh nhà trồng hoa màu, cây ăn trái, chăn nuôi gà, vịt, heo, mua bán nhỏ, đồng thời tận dụng đất trống bờ bao lâm phần để trồng chuối, mỗi năm sau khi trừ đi chi phí vợ chồng tôi còn lãi từ 120 -150 triệu đồng”.
Những năm gần đây, vợ chồng ông Chà còn tận dụng đất trống bờ bao lâm phần để trồng tre lấy măng. Hiện, ông Chà đã phát triển được hơn 100 gốc tre lấy măng, trung bình mỗi năm ông bán măng tre thu nhập hơn 50 triệu đồng. Riêng diện tích rừng tràm ông vừa mới khai thác cũng thu về hơn 300 triệu đồng. Sau khi khai thác ông Chà đã cải tạo và trồng lại keo lai, dự kiến mang về cho gia đình ông hàng trăm triệu đồng trong vài năm tới.
Tấm gương sáng
Không chỉ tích cực tham gia phát triển kinh tế, vợ chồng ông Chà còn tích cực nuôi dạy con cái, lo cho ăn học, đến nay, hai người con của ông đều đã lập gia đình và có cuộc sống ổn định. Cùng với sự chăm lo của Nhà nước, cộng với tiền vợ chồng ông tích góp được, gia đình ông Chà đã xây dựng được căn nhà khang trang trị giá hàng trăm triệu đồng.
Khi được hỏi, bí quyết nào để ông vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế gia đình được như ngày hôm nay, ông Chà cười hiền trả lời, tất cả là nhờ có sự cổ vũ, động viên của vợ. Chính tình yêu thương, sự đồng cam cộng khổ của bà Hương đã làm động lực to lớn để ông Chà phấn đấu, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Một phần là để chứng minh với mọi người rằng thương binh tàn nhưng không phế, một phần là để đáp lại tình yêu thương, sự tin tưởng của bà Hương dành cho ông trong suốt những năm qua.
Ông Hồ Minh Quyền, Chi Hội trưởng Hội Cựu chiến binh ấp 10, xã Nguyễn Phích cho biết: “Đồng chí Nguyễn Văn Chà là một trong những người có tinh thần chịu thương, chịu khó, mặc dù không được lành lặn như bao đồng chí khác, nhưng việc gì mọi người làm được là đồng chí làm được, thậm chí còn có thể làm tốt hơn.
Từ một gia đình nghèo khó đến nay, gia đình đồng chí đã vươn lên thuộc diện khá giàu. Gia đình chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào cách mạng ở địa phương, nhất là phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới”.
Với những nỗ lực của mình trong việc tham gia phát triển kinh tế gia đình, tham gia tốt các phong trào ở địa phương, ông Nguyễn Văn Chà đã được các cấp, các ngành tặng nhiều giấy khen và bằng khen. Năm 2022, ông Chà được Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau tặng Bằng khen vì có thành tích là người có công tiêu biểu, điển hình trong học tập, lao động sản xuất, vượt khó vươn lên trong cuộc sống giai đoạn 2017 -2022.
Đặc biệt, vào tháng 7/2024, ông vinh dự là một trong bốn người có công của tỉnh Cà Mau được chọn tham dự Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2024 tại Thủ đô Hà Nội. Đây là sự ghi nhận, biểu dương tấm gương tiêu biểu của người thương binh “tàn nhưng không phế” vượt qua hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Những tấm gương như ông Chà đã và đang ngày đêm làm giàu cho gia đình, quê hương và đất nước. Trong ông lúc nào cũng phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, phẩm chất người quân nhân của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng.
Nguồn Công Lý: https://congly.vn/chuyen-ve-nguoi-thuong-binh-tan-nhung-khong-phe-464179.html