Chuyện về nhà báo được Bác Hồ 'thăng cấp'

GS.TS Trình Quang Phú (SN 1940, quê Phú Yên) là nhà văn, nhà báo rất đặc biệt khi được gặp, làm việc với rất nhiều vị lãnh đạo đất nước, quân đội như: Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Quyền Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Nhà nước Xuân Thủy... Ông còn được nhiều văn nghệ sĩ hàng đầu Việt Nam cảm mến, trân trọng. Thời trẻ, ông nhiều lần được gặp, ăn cơm với Bác Hồ và được Bác khen, 'thăng cấp' trong một dịp mà ông coi là 'rất thiêng liêng, rất tự hào, rất đáng nhớ suốt đời'...

Những lần được gặp Bác Hồ

Năm 2018, GS.TS, nhà văn Trình Quang Phú (TQP) cho tái bản tập bút ký "Còn với non sông một chữ tình" (NXB Hội Nhà văn), ông dành chương đầu tiên kể những kỷ niệm thiêng liêng về Bác Hồ: "Cuối năm 1954, Thiếu tướng Nguyễn Chánh - Tư lệnh Quân khu 5 đến thăm đơn vị thiếu sinh quân chuẩn bị tập kết ra Bắc, vài thiếu sinh quân trong đó có tôi (TQP) được khen và tặng hình Bác Hồ cắt ra từ báo "Nhân dân liên khu 5"...". TQP rất sung sướng, tự hào với phần thưởng đó, mỗi ngày ông đều đem hình Bác ra ngắm nhiều lần.

Hôm xuống Quy Nhơn để lên tàu tập kết, một bà mẹ đã xin và TQP "bấm bụng" tặng bức hình đó. Bà mẹ nói trong nước mắt: "Cảm ơn cháu đã tặng cô tấm hình thiêng liêng này...". Quốc Khánh 02/9/1955, lần đầu tiên Nhà nước tổ chức duyệt binh ở Ba Đình - Hà Nội. Đoàn thiếu sinh quân miền Nam được gặp Bác trong dịp này cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Năm 1957, TQP đang học ở trường Học sinh miền Nam thì nhặt được chiếc bút máy rất quý, liền đem nộp thầy hiệu trưởng Dương Văn Diêu nhờ trả lại người đánh rơi. Các thầy trong trường đã báo cáo vụ việc lên Khu giáo dục học sinh miền Nam và nơi đây đã báo cáo với Bác. Sau đó, Bác gửi tặng TQP một huy hiệu của Bác vì là học sinh thật thà, dũng cảm...

Năm 1968, từ mặt trận Khe Sanh - Quảng Trị trở về miền Bắc, TQP được cử tham gia đoàn đại biểu Thanh niên - Sinh viên giải phóng miền Nam đi dự Đại hội Thanh niên, sinh viên thế giới ở Sofia - Bungary cùng đại biểu 134 quốc gia khác. Khi đoàn Việt Nam gồm 70 người trở về Hà Nội đã vinh dự được Bác Hồ tiếp. Thấy đoàn đông, Bác dang tay ra hiệu: "Cháu nào là "giải phóng" thì vào gần đây. Các cháu là "giả phóng" thì ở vòng ngoài. Cả đoàn lúng túng thì Bác nói thêm: "Các cháu làm công tác miền Nam nhưng không ở chiến trường là giả phóng". Mọi người hiểu ra và sắp xếp theo ý Bác.

Ông Trình Quang Phú được chụp ảnh với Bác Hồ, Bác Tôn cùng hai đồng chí Tố Hữu và Phạm Hùng (1968)

Ông Trình Quang Phú được chụp ảnh với Bác Hồ, Bác Tôn cùng hai đồng chí Tố Hữu và Phạm Hùng (1968)

Anh hùng Huỳnh Thúc Bá, Dũng sĩ diệt Mỹ Trần Thị Bưởi và các thiếu nhi dũng sĩ, các chị các anh ở chiến trường về được quây quanh Bác. TQP tuy có tham gia chiến trường Khe Sanh, nhưng lại là cán bộ Ban miền Nam làm công tác đối ngoại cho miền Nam ở Hà Nội nên đứng ở vòng ngoài. Bác thấy TQP mặc quân phục giải phóng đang loay hoay chụp ảnh, liền hỏi: "Cháu là phóng viên ở Khe Sanh vừa đạt Huy chương vàng Đại Hội phải không?". TQP xúc động chưa kịp trả lời thì trưởng đoàn Trần Văn Tư thưa với Bác. Bác vẫy tay: "Cháu vào đây, cháu là giải phóng". Được Bác "thăng cấp", TQP mừng quá, nhanh chân bước vào, được Bác vỗ vai, nói: "Huy chương vàng Đại Hội tặng cháu cũng là tặng cho các hành động dũng cảm chiến đấu của đồng bào chiến sĩ miền Nam". Bác dặn TQP cố gắng có nhiều hình ảnh về cuộc chiến đấu anh hùng của quân dân miền Nam hơn nữa...".

"Một lần vào dịp Tết, Bác gọi nữ Anh hùng Tạ Thị Kiều, Anh hùng Trần Dưỡng và một số thiếu nhi về vui Tết với Bác. Hôm đó có cả Bác Tôn Đức Thắng, các đồng chí Phạm Hùng, Tố Hữu. Tôi vừa chụp ảnh Bác với các cháu miền Nam xong thì Bác bảo: "Hồng Phú (tức TQP) đưa máy cho chú cảnh vệ bấm giùm, cháu vào chụp chung một kiểu...". Tôi cảm động vì lần đầu nghe Bác gọi tên mình và vô cùng lúng túng, Bác chỉ vào đồng chí Tố Hữu và nói "nhà báo ngồi gần nhà thơ”. Anh Tố Hữu xích ra chừa cho tôi một chỗ. Vậy là tôi có bức ảnh lịch sử với Bác Hồ, Bác Tôn...

Cuối năm 1968, tôi được cử đi phục vụ Hội nghị Paris về Việt Nam dưới danh nghĩa nhà báo để làm nhiệm vụ trinh sát chiến lược. Đồng chí Xuân Thủy giao tôi mang tài liệu quan trọng về gấp. Tới Hà Nội người mệt rã rời vì suốt hành trình 3 ngày 2 đêm phải nơm nớp bảo vệ tài liệu, nhưng tôi rất mừng vì được ăn cơm cùng Bác. Bữa cơm rất đạm bạc chỉ có cá kho với thịt, tôm rim, rau muống luộc, cà pháo, canh cua... nhưng tôi thấy vô cùng thiêng liêng và trang trọng. Khi tôi xới cơm, có mấy hạt rơi xuống bàn. Tôi định lượm bỏ vào bát đựng xương thì một tích tắc trước đó, Bác đã nhặt mấy hạt cơm rơi bỏ vào bát của mình. Bác nhìn tôi, nói: "Bà con nông dân một nắng hai sương làm nên hạt gạo này cháu ạ...".

Tôi vô cùng xúc động trước lời dạy bảo đơn giản mà sâu sắc của Bác. Xúc động dâng trào, tôi chỉ biết nhìn Bác rồi khẽ gật đầu xin lỗi Bác... Mùa xuân này (2015), tôi đã ngoài 75 và Bác đã đi xa gần 50 năm, bữa cơm với Bác và lời dạy của Bác, tình Bác vẫn theo tôi trong từng bữa ăn, trong từng năm tháng. Tôi nguyện sống, làm việc xứng với tình Bác...". (Sách đã dẫn (SĐD), trang 20 - 21).

Ông Trình Quang Phú đến thăm Thủ tướng Phạm Văn Đồng (1997)

Ông Trình Quang Phú đến thăm Thủ tướng Phạm Văn Đồng (1997)

Qua năm tháng khó khăn

Đọc hồi ký "Còn với non sông một chữ tình" của tác giả TQP, chúng ta nhặt ra rất nhiều chuyện cảm động về những nhà lãnh đạo, các văn nghệ sĩ nổi tiếng. Như thực đơn các bữa ăn của "Bếp A" dành riêng cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng rất giản dị: "Cơm tám, súp gà đậu hột, cá bống kho lá gừng, đậu đũa om. Tráng miệng: táo nướng..." hoặc "thịt gà kho gừng, cà dầm tương, canh cua, canh dọc mùng, bắp chuối thái nhỏ với xà lách chấm nước sốt cà chua...".

Một đoạn khác tác giả TQP viết rất cảm động về Thủ tướng Phạm Văn Đồng mà ông gọi là "Chú Tô”...: "Tôi kể về di chúc mà luật sư Nguyễn Hữu Thọ (nguyên Quyền Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội) để lại cho cháu nội Thu Phương. Chú Tô hỏi: Anh Ba Thọ để lại gì cho cháu nó không? Tôi thưa: "Sổ tiết kiệm có 73 triệu đồng (năm 1996, chưa đủ để mua một xe máy loại tốt), chủ yếu là tình cảm thôi chú”. Nghe xong chú nói: "Chú với anh Ba Thọ giống nhau, có vợ sức khỏe không tốt, 2 bà đều bệnh tâm thần, chú và anh Ba đều không có gì để lại cho con cái...", và chú cười: "Chỉ có sự nghiệp và muôn vàn yêu thương thôi cháu à!"". (SĐD trang 35 - 36)...

Viết về các văn nghệ sĩ nổi tiếng nhất của đất nước, TQP cũng có những chi tiết thật hay, như chuyện ông đi Hải Phòng về tặng nhà văn Nguyễn Tuân mấy con mực khô nướng chín, Nguyễn Tuân gật đầu bảo: "Thứ này nhâm nhi với rượu thì số dách, nhưng phải ăn dè sẻn". Thế là nhà văn tài hoa xé nhỏ ra cho hết vào túi nylon buộc kín lại. Thấy bên cửa sổ có một số bánh mì xắt nhỏ để phơi, tôi (TQP) hỏi Nguyễn Tuân: "Bánh này phơi để làm gì?", ông cầm một miếng nhỏ lên: "Anh ăn thử xem, nó giòn và ngon đấy. Tôi là ma ăn vặt, phần bánh sáng còn thừa mình cắt ra phơi làm bít-cốt, được lắm!". (SĐD trang 198).

GS.TS Trình Quang Phú

GS.TS Trình Quang Phú

Về thi sĩ Xuân Diệu, TQP kể: "Nhà thơ rất thích thịt cầy vì "ngon, ít béo, giàu chất đạm". Cứ cách ngày Xuân Diệu lại đi bộ ra hàng thịt cầy ở chợ Hàng Da để tự mua vài trăm gram thịt cầy về ăn thêm để có sức sáng tác vào ban đêm. Có lần nhà thơ đùa với cô bán thịt trẻ và vui: "Khách quen, mua nhiều, bán rẻ nhé”. Cô ta "vâng ạ” rồi cắt miếng thịt ngon đưa nhà thơ và cười cả 2 con mắt: "Thưa thi sĩ, đây ạ, cho rất nhiều mà chẳng nhận bao nhiêu"... thì ra cô hàng thịt nhận ra nhà thơ. Hôm sau, Xuân Diệu tặng cô một quyển thơ mới in, cô ta im lặng mỉm cười và cắt một miếng thịt rất ngon, nhiều gấp đôi mà vẫn lấy chỉ bằng ấy tiền...". Câu nói của Xuân Diệu: "Nếu mỗi ngày ngủ thêm một tiếng thì một tháng sẽ mất hơn một ngày và mỗi năm mất 12 ngày, cuộc đời viết sẽ mất vài năm"... cho thấy nhà thơ lớn của dân tộc chăm chỉ lao động và tiết kiệm từng chút thời gian... (SĐD trang 214 - 215).

Nhạc sĩ Văn Cao thời nghèo khó sống chủ yếu vào nghề vẽ bìa sách và minh họa cho các báo. Mỗi ngày tác giả Quốc ca và Thiên Thai, Suối Mơ... chỉ được vợ cho một đồng uống rượu; phần tiền nhuận bút vẽ minh họa với bìa sách thì nhạc sĩ hùn với vợ để... mua rau! (SĐD trang 239).

Sống với chữ "tình"

GS.TS, nhà văn TQP (nay đã 84 tuổi) may mắn được tiếp xúc với những người tài ba, những nhân cách vĩ đại và được các vị rèn luyện, dạy dỗ nên trưởng thành với lòng yêu quê hương, đất nước. Ông đã viết rất nhiều tác phẩm về Bác Hồ và những vị tiền bối cách mạng, trong đó có sách "Từ làng sen đến Bến Nhà Rồng" đã tái bản 17 lần. Ông yêu thương quê hương Phú Yên và cố gắng làm tất cả vì quê hương mình suốt mấy chục năm qua.

Đối với giới văn nghệ sĩ TPHCM nói riêng, cả nước nói chung, ông là người bạn, người anh, người chú gần gũi thân thiết. Gia đình ông là chủ các resort 5 sao: Đồi Thơm, Sao Mai rất nổi tiếng ở Phú Yên. Mỗi năm, các cơ sở du lịch này đều đón nhiều đoàn văn nghệ sĩ từ các nơi về ăn ở, nghỉ dưỡng, sáng tác 1, 2 tuần hoàn toàn miễn phí. Hơn 2 năm dịch bệnh Covid-19, ngành du lịch trên toàn thế giới đều khó khăn, các cơ sở của gia đình ông cũng lỗ nặng, nhưng vợ chồng ông vẫn luôn làm từ thiện với người nghèo và hỗ trợ cho các đoàn văn nghệ sĩ từ các vùng miền về Phú Yên mở trại sáng tác.

Ngày 08, 09, 10/6/2023, đoàn của Liên hiệp Các hội văn học, nghệ thuật TPHCM cũng đã ở đây trong hành trình thực tế sáng tác về "Bảo vệ chủ quyền biển đảo". Cuốn hồi ký "Còn với non sông một chữ tình" để trong các phòng nghỉ, tác giả bài này đọc và kinh ngạc, xúc động với những gì trong sách viết. Xin cảm ơn GS.TS, nhà văn TQP đã gieo mầm yêu thương, yêu nước, yêu dân qua từng trang viết và qua cả các hoạt động thiện nguyện vì đời, vì người...

LẠI VĂN LONG

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/chuyen-ve-nha-bao-duoc-bac-ho-thang-cap_148694.html