Chuyện về những bức tranh thêu Bác Hồ tặng bạn bè quốc tế

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có những người bạn quốc tế vô cùng thân thiết và thủy chung. Để bày tỏ tình cảm của mình với những người bạn quốc tế, Bác Hồ đã gửi tặng những món quà ý nghĩa. Mấy chục năm trôi qua, nhiều hiện vật đã trở về với Bảo tàng Hồ Chí Minh cùng sự trân trọng của những người sở hữu.

 Ông Chu Đức Tính (người thứ 2 bên trái) giới thiệu về bức tranh thêu “Chùa Một Cột”.

Ông Chu Đức Tính (người thứ 2 bên trái) giới thiệu về bức tranh thêu “Chùa Một Cột”.

Những ngày tháng 5, dòng người vào thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh dường như đông hơn hẳn. Theo lời giới thiệu của ông Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, chúng tôi được xem bức tranh thêu “Tùng Hạc”, có tuổi đời 80 năm.

Bức tranh rộng 0,58m, dài 2,05m, trên nền vải tơ tằm mầu vàng ánh nâu, hình ảnh một con chim hạc đậu trên cành tùng được thêu tinh tế và cẩn thận. Phía trên thêu dòng chữ tiếng Anh “Best greetings from Hồ Chí Minh Oct-1945” (Lời chúc tốt đẹp nhất của Hồ Chí Minh, tháng 10/1945). Bức tranh được bo viền bằng vải gấm mầu mận chín.

Chia sẻ về câu chuyện lịch sử gắn liền với bức tranh này, Tiến sĩ Chu Đức Tính cho biết: Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đại tá Stephen Nordlinger (thuộc cơ quan tình báo chiến lược Mỹ), chỉ huy một đơn vị quân đội Mỹ làm nhiệm vụ cứu trợ cho các tù binh của quân đồng minh, bị Nhật bắt làm tù binh trước đây, đang bị giam giữ trên lãnh thổ Việt Nam. Ông đề nghị được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhằm thỉnh cầu Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho ông được tiến hành công việc.

Dù khi ấy chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn non trẻ và đang gặp muôn vàn khó khăn nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp đỡ và tạo những điều kiện tốt nhất về nhà ở, phòng làm việc, bệnh viện để chăm sóc, cứu trợ tù binh thuộc nhiều quốc tịch khác nhau. Trong cuộc gặp gỡ với đại tá Stephen Nordlinger, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đề nghị ông giúp đỡ vận chuyển gạo từ miền nam ra miền bắc để khắc phục hậu quả của nạn đói ở miền bắc do phát-xít Nhật gây ra từ đầu năm 1945.

 Bức tranh “Tùng Hạc” đang được lưu giữ tại kho cơ sở của Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Bức tranh “Tùng Hạc” đang được lưu giữ tại kho cơ sở của Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng bức tranh thêu “Tùng Hạc” cho đại tá Stephen Nordlinger. Tháng 3/1946, đại tá Nordlinger hoàn thành nhiệm vụ và được điều trở lại Mỹ. Khi trở về, ông đã mang theo quà tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Gần sáu thập kỷ trôi qua, ba thế hệ của gia đình đại tá Nordlinger đã nâng niu, trang trọng treo bức tranh trong phòng khách của gia đình. Ngày 13/5/2006, bà Jane Coyle là cháu dâu, gọi Nordlinger là ông nội chồng, đã đại diện cho gia đình trao lại bức tranh thêu “Tùng Hạc” cho Bảo tàng Hồ Chí Minh.

“Bức tranh là món quà của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam cảm ơn những người bạn Hoa Kỳ đã giúp đỡ trong công cuộc chống đói. Sự giữ gìn, trân quý món quà tặng của gia đình đại tá người Mỹ chính là tình cảm trân trọng dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam. Có thể nói bức tranh chính là biểu tượng của tình cảm hữu nghị hòa hảo mà Bác Hồ đã đặt nền móng”, ông Chu Đức Tính cho biết.

Tiếp tục câu chuyện về những món quà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi tặng những người bạn quốc tế, Tiến sĩ Chu Đức Tính giới thiệu về bức tranh thêu “Chùa Một Cột”. Bức tranh là món quà Bác Hồ đã gửi tặng cho ân nhân của mình, luật sư Francis Henry Loseby. Ngày 6/6/1931, Tống Văn Sơ (tên gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh thời gian này) bị nhà cầm quyền Anh bắt ở nhà số 186 đường Tam Kung, Cửu Long, Hồng Kông (Trung Quốc). Nhà đương cục Hồng Kông giam Tống Văn Sơ tại nhà ngục Victoria. Luật sư Loseby đã được thuê để bào chữa cho thân chủ Tống Văn Sơ. Francis Henry Loseby và các cộng sự đã viện dẫn tất cả những điều có thể khai thác trong luật pháp Anh để bảo vệ Tống Văn Sơ, buộc Tòa án Hồng Kông phải tuyên Tống Văn Sơ vô tội, sau 9 phiên tòa xét xử, thậm chí phải kháng án lên tới Hội đồng Cơ mật. Mùa xuân năm 1933, đích thân luật sư Loseby đã tổ chức đưa Tống Văn Sơ rời Hồng Kông (Trung Quốc).

“Ơn nghĩa đó Nguyễn Ái Quốc luôn nhớ. Mất liên lạc tới 26 năm sau, vợ chồng luật sư Loseby bất ngờ nhận được món quà từ Chủ tịch Hồ Chí Minh là bức tranh thêu “Chùa Một Cột” vào năm 1959. Gia đình ông đã trang trọng treo bức tranh đó ở phòng khách cho đến khi ông bà lần lượt qua đời và bức tranh được người con gái duy nhất là Patricia thừa kế. Tháng 1/2001, bà Patricia qua đời. Trước khi mất, bà đề nghị người thân thay mặt gia đình trao lại bức tranh thêu “Chùa Một Cột” cho nhân dân Việt Nam. Bởi vậy, sau này, ông Paul Tagg là cháu ngoại của gia đình Loseby (mẹ ông gọi luật sư Loseby bằng chú ruột) đã trực tiếp đến làm việc với Bảo tàng Hồ Chí Minh và gửi bức tranh qua đường hàng không đến Việt Nam”, ông Tính kể lại.

 Bức tranh thêu “Chùa Một Cột” được gia đình Luật sư Loseby gửi tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh đúng dịp kỷ niệm 115 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bức tranh thêu “Chùa Một Cột” được gia đình Luật sư Loseby gửi tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh đúng dịp kỷ niệm 115 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngày 22/5/2005, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã tổ chức trang trọng lễ đón nhận hiện vật có ý nghĩa đặc biệt này. Sau khi tiếp nhận, bức tranh đã được đưa ra triển lãm nhiều lần và đang được bảo quản tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Bức tranh là minh chứng cho tình bạn cao đẹp và thủy chung giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với ân nhân của mình.

Theo ông Chu Đức Tính, việc Bác Hồ sử dụng tranh thêu thủ công tinh xảo làm quà tặng bạn bè quốc tế, không chỉ quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam mà còn giới thiệu tài năng của người Việt Nam với thế giới. Những món quà hết sức giản dị nhưng chứa đựng những hàm ý sâu xa của Chủ tịch Hồ Chí Minh giúp cho công chúng hiểu hơn về nhân cách vĩ đại của Người.

nhandan.vn

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/chuyen-ve-nhung-buc-tranh-theu-bac-ho-tang-ban-be-quoc-te-post401606.html