Chuyện về những chiến sĩ vùng Vành đai Bình Đức

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4/-025), vừa qua, tại nhà ông Đoàn Văn Khanh, ở xã Song Thuận, huyện Châu Thành (tỉnh Tiền Giang), Đảng ủy, UBND xã Song Thuận phối hợp Doanh nghiệp tư nhân Long Thuận đã tổ chức buổi Họp mặt truyền thống các cựu cán bộ, chiến sĩ vùng Vành đai Bình Đức.

Họp mặt chiến sĩ vùng Vành đai Bình Đức nhân dịp 30-4-2025.

GAN DẠ, DŨNG CẢM THỜI CHIẾN

Trong không khí xúc động, tự hào, các cựu cán bộ, chiến sĩ vùng Vành đai Bình Đức đã ôn lại hồi ức, chia sẻ những ký ức hào hùng của một thời "hoa lửa". Cách đây tròn nửa thế kỷ, quân và dân cả nước đã vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975 - đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Khép lại một cuộc kháng chiến trường kỳ để mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, thống nhất, hòa bình và phát triển. Vì Tổ quốc thân yêu, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc tuổi đời mới mười tám, đôi mươi đã lên đường chiến đấu, hiến dâng cả tuổi thanh xuân vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Họ đã sống, chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng cao đẹp “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân - Trung tá Nguyễn Thị Ánh Thu, nguyên Phó Chỉ huy trưởng về chính trị của Huyện đội Châu Thành, người gắn liền với những chiến công của quân và dân Song Thuận trong cuộc kháng chiến chống Mỹ trên Vành đai Bình Đức. Bà Thu nhớ lại: "Năm 14 tuổi, tôi bắt đầu tham gia giao liên, rồi vào du kích, xã đội và tham gia công tác đoàn thể phụ nữ xã Song Thuận và được điều động công tác ở Huyện đội Châu Thành. Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi cùng đơn vị trực tiếp chỉ huy và chiến đấu 30 trận, thu giữ nhiều trang bị và làm tiêu hao sinh lực địch".

Nhắc lại thời chiến đấu cùng đồng đội, bà Thu chia sẻ: "Những năm tháng đó chiến đấu rất ác liệt. Trong chiến đấu, tôi cũng bị địch bắt, bị thương nhưng vẫn cảm thấy vui mừng vì mình đã làm được việc, bản thân đã góp được phần nhỏ cho đất nước. Đối mặt với cái chết, bản thân tôi và bất cứ ai cũng sợ nhưng tình yêu nước lớn hơn rất nhiều so với nỗi sợ. Chính điều này đã giúp tôi vượt qua tất cả để hoàn thành nhiệm vụ được giao, bởi khi đánh trận phải quyết tâm đánh cho được".

Các cựu cán bộ, chiến sĩ vùng Vành đai Bình Đức trong buổi họp mặt.

Từng là Trưởng Trạm Giao liên huyện Châu Thành từ những năm 1962 đến năm 1966, nữ cựu tù Phạm Thị Liên bồi hồi nhớ lại: "Thương biết mấy người chị, người anh "đầu trần, da sắt" bám chặt vành đai một tất không rời. Còn nhớ những trận chiến khốc liệt diễn ra, tiếng cuốc xẻng choang choang ngày đêm... Địch ngày đêm lùng sục, ném bom làm hư hỏng nhiều đoạn đường. Chúng phá hoại đến đâu thì bộ đội ta sửa đường đến đó".

Từng làm Ban Y tá của xã, huyện thời chống Mỹ, chú Đoàn Minh Phước, nguyên Chủ tịch UBND huyện Châu Thành xúc động cho biết, lúc đó chú làm y tá xã, chứng kiến biết bao hy sinh của đồng chí, động đội. “Ngày 30-4-1975, sau 21 năm kháng chiến chống Mỹ, có biết bao hy sinh, mất mát, cuối cùng ngày hòa bình cũng đã đến... anh em ôm chầm lấy nhau, trong niềm vui chiến thắng, tất cả đồng thanh hô to: Hòa bình rồi! Hòa bình thật rồi!”, chú Phước nhớ lại trong niềm vui và tự hào.

Còn cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Bền, nguyên Chủ tịch Hội CCB huyện Châu Thành bùi ngùi bày tỏ: "Những mất mát hy sinh trong kháng chiến không thể nào kể xiết. Dù khó khăn, bom đạn ác liệt, nhưng anh em, đồng đội luôn động viên nhau, sát cánh đánh giặc. Hòa bình, người còn, người mất, hằng năm các chú, các anh, đồng đội cùng về đây họp mặt trong niềm vui, hạnh phúc".

CỐNG HIẾN HẾT MÌNH THỜI BÌNH

Ông Đoàn Văn Khanh (bìa phải) trò chuyện cùng đồng đội.

Ngày nay, cán bộ, chiến sĩ vùng Vành đai Bình Đức năm xưa luôn tiên phong, đi đầu, phát triển trên mặt trận kinh tế, với những cách làm hay, mô hình sáng tạo độc đáo. Mô hình du lịch trên ngọn dừa của CCB Đoàn Văn Khanh là một điển hình như thế. CCB Đoàn Văn Khanh bộc bạch: "Trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt, trong trận đánh quyết tử với quân thù, ông bị thương rất nặng và chính nước dừa đã cứu sống ông. Đến bây giờ, cây dừa không chỉ giúp phát triển kinh tế, phát huy giá trị du lịch, mà còn là người bạn tri kỷ đối với tôi".

Chính từ đó, ông Khanh nảy sinh ý tưởng làm du lịch sinh thái miệt vườn độc lạ, nhằm tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch, đó là mô hình du lịch trên ngọn dừa. Hiện tại mô hình du lịch này đang thu hút du khách trong và ngoài tỉnh Tiền Giang.

Bên cạnh đó, nhằm góp phần tái sử dụng các phụ phế phẩm, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm thiểu chất thải ra môi trường, ông Khanh nghiên cứu xây dựng mô hình “Nghiên cứu tạo ra sản phẩm OCOP theo nguyên lý kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, góp phần bảo vệ môi trường”. Theo đó, lá bưởi, vỏ bưởi, hạt bưởi, hoa bưởi được tận dụng làm trà bưởi; vỏ bưởi, cùi bưởi tươi dùng làm mứt bưởi; vỏ bưởi, hoa bưởi, lá bưởi chưng cất xong được tái sử dụng làm thức ăn cho cá, làm nhang bưởi…

May mắn hơn nhiều đồng đội, vẫn còn sống sót trở về sau chiến tranh, ông Khanh tiếp tục đóng góp sức lực còn lại để hỗ trợ cộng đồng, giúp đỡ anh em, đồng chí, đồng đội đã từng kề vai, sát cánh vượt qua sinh tử. Hằng năm, ông Khanh đều thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa như trao tặng “Bao gạo đồng đội”, trợ vốn, giúp đỡ các gia đình chính sách xây dựng, sửa chữa nhà ở và triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa khác.

Một đời người - một thời "hoa lửa", những người chiến sĩ vùng Vành đai Bình Đức không chỉ là những "Bộ đội Cụ Hồ" anh hùng mà còn là nhân chứng sống cho tinh thần yêu nước, lòng quả cảm và đức hy sinh của thế hệ cha anh. Câu chuyện của các cô, chú là minh chứng cho tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và cũng là lời nhắc nhở đầy xúc động cho thế hệ trẻ hôm nay.

Ông Đoàn Văn Khanh trao tặng "Bao gạo đồng đội".

Chủ tịch Hội Nông dân xã Song Thuận Nguyễn Văn Minh tự hào: "Là thế hệ sau này, tôi rất trân trọng, kính phục và biết ơn những cống hiến của các cô, các chú. Đây là những nhân chứng sống trong thời kỳ chiến tranh giải phóng đất nước. Những con người dũng cảm, gan dạ, kiên cường, là niềm tự hào của quê hương Châu Thành nói riêng và Tiền Giang nói chung".

Trong không khí tưng bừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025) những câu chuyện của những “Dũng sĩ diệt Mỹ” vùng Vành đai Bình Đức càng làm cho những ngày tháng Tư thêm rạng rỡ, tiếp thêm sức mạnh cho chúng ta hoàn thành sứ mệnh lịch sử đưa đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh.

LÊ MỸ

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202504/chuyen-ve-nhung-chien-si-vung-vanh-dai-binh-duc-1041318/