Chuyện về những đại biểu Quốc hội trẻ em

Tại Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ 2 năm 2024, có những đại biểu khá đặc biệt. Đó là Thào Mí Phềnh (dân tộc Mông đến từ Hà Giang); thiếu niên vào vai Chủ tịch Quốc hội Lê Gia Vinh, 14 tuổi, đến từ Đồng Nai…

Chủ tịch Quốc hội trẻ em Lê Gia Vinh phát biểu khai mạc phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ II năm 2024. (Ảnh: T.Ư Đoàn)

Chủ tịch Quốc hội trẻ em Lê Gia Vinh phát biểu khai mạc phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ II năm 2024. (Ảnh: T.Ư Đoàn)

“Em muốn gửi gắm tới các bác lãnh đạo về tâm tư của trẻ em vùng cao”

Thào Mí Phềnh (dân tộc Mông, học sinh lớp 9A3, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS xã Lũng Chinh, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang). Thào Mí Phềnh có 5 anh chị em, Phềnh là con út, người duy nhất may mắn còn được đi học trong nhà. Cuộc sống khó khăn nên gia đình rất muốn Phềnh nghỉ học để phụ giúp việc nhà nhưng với Phềnh, đến trường, được học tập, vui chơi chính là niềm hạnh phúc.

Anh trai Phềnh cũng nghỉ học từ năm lớp 9 và lấy vợ để có người làm nương rẫy cùng cha mẹ. Chị gái lớn của em bị mất tích năm 16 tuổi sau một buổi đi chơi. Lúc đầu bố mẹ em nghĩ chị bị “kéo vợ” theo phong tục người Mông, ba ngày sau sẽ có chàng trai đưa chị về xin cưới. Thế rồi, ba ngày không thấy chị, gia đình mới hốt hoảng đi tìm thì không thấy đâu nữa. Bố mẹ em buồn khổ mãi. Cho đến 5 năm sau mới có tin chị may mắn gặp được người chồng tốt, yêu thương chị…

Phềnh chia sẻ: “Em thấy người đồng bào quê em rất chịu khó lao động, trồng ngô, khoai, bí ngô, nhưng nhà vẫn nghèo lắm. Thức ăn của chúng em ở nhà chủ yếu là ngô. Các thầy cô và các cô chú ở xã đã rất chăm lo cho chúng em để chúng em đi học, nhưng vẫn còn nhiều bạn nghỉ học sớm. Một số bạn nghỉ học thì do bố mẹ bảo nghỉ để ở nhà đi làm nương, chứ không đi học thì không biết làm gì. Còn một số bạn thì được cho đi học nhưng tiếng Việt chưa tốt, học không tốt, nên thích nghỉ để đi làm”.

“Trường em cách thị trấn Mèo Vạc 25km, còn nhà em thì cách trường 8km. Nơi em sống bà con đa số là người dân tộc Mông, một số ít còn lại là đồng bào Giáy, Cờ Lao. Nhà em nghèo, bố mẹ em già rồi nên không làm việc được mấy. Bố mẹ cũng muốn em nghỉ học để đi làm nương, nhưng em không muốn nghỉ, em vẫn cứ đi học. Cuối tuần em sẽ về giúp bố mẹ làm nương, cắt cỏ bò, chăn nuôi lợn, gà”, cậu bé người Mông bộc bạch.

Thào Mí Phềnh cho biết: “Một số các bạn đã nghỉ học rồi, nhiều bạn học hết lớp 9 cũng không đi học nữa. Các bạn không biết nhiều thông tin. Em muốn đi học để biết nhiều thông tin và để tuyên truyền cho các bạn và cho các bố mẹ. Em không muốn trẻ em phải nghỉ học. Em mong muốn người lớn sẽ tạo điều kiện cho trẻ em được đi học đầy đủ để phát triển”.

Phềnh nói, chỉ có đi học mới có cuộc sống khác với anh chị mình nên em luôn nỗ lực, cố gắng hết sức để sau này có thể trở thành một thầy giáo. Như thầy giáo Toán của em ở trường. Nhắc đến thầy, Phềnh khóc vì năm nay thầy đã chuyển về quê ở Cao Bằng. Với Phềnh, những năm qua, thầy luôn ở bên an ủi và động viên Phềnh không ngừng học để thay đổi cuộc sống… Với sự quyết tâm được đi học, Thào Mí Phềnh đã giữ chức vụ Chi đội phó, Lớp phó học tập và là thành viên trong Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi và luôn tích cực tham gia các hoạt động trường lớp…

Kể về việc phấn đấu để trở thành đại biểu Quốc hội trẻ em năm nay, Thào Mí Phềnh cho hay, năm ngoái huyện em cũng có một học sinh đi dự Quốc hội trẻ em, nhưng lúc đấy em không hiểu rõ là đại biểu Quốc hội trẻ em thì như thế nào. Năm nay, khi được thầy, cô giáo giới thiệu em tham gia ứng cử làm đại biểu Quốc hội trẻ em, em đã rất hồi hộp.

Tìm hiểu về phiên họp thì em thấy vừa mừng, vừa lo. Em hiểu là trở thành đại biểu, em sẽ đại diện cho trẻ em vùng đồng bào dân tộc, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh Hà Giang để tham gia phiên họp và nói lên các ý kiến của các trẻ em khó khăn của tỉnh Hà Giang với các bác lãnh đạo cấp cao.

Từ hôm đó, Thào Mí Phềnh tích cực đọc các bài hướng dẫn cô giáo đưa, trao đổi với các bạn trong trường, trong câu lạc bộ Thủ lĩnh để nghe ý kiến của các bạn. Em tập nói trước các bạn ở trường và cố gắng thể hiện tất cả những gì bản thân có và em đã được chọn làm đại biểu Quốc hội trẻ em.

Khi biết được làm đại biểu chính thức, bên cạnh niềm vui em cũng vô cùng hồi hộp vì đây là lần đầu tiên được tham gia một chương trình rất ý nghĩa với không chỉ riêng em mà còn cho cả những bạn nơi em sinh sống, của Mèo Vạc và tỉnh Hà Giang.

Nói về chủ đề của Phiên họp Quốc hội trẻ em năm nay, Thào Mí Phềnh cho biết, trẻ em miền núi đang tập hút thuốc lá và uống rượu. Các bạn đi làm thuê để có tiền mua thuốc lá. Ở trường thì các bạn sợ thầy, cô giáo, một số bạn vẫn hút ở những chỗ thầy cô không biết. Nhưng ở ngoài đường và ở nhà thì các bạn hút nhiều. Những ngày lễ, Tết hay nhà các bạn có đám ma, đám giỗ thì các bạn uống rượu, hút thuốc. Vấn đề bạo lực học đường em cũng đã chứng kiến vài lần.

Vì vậy, đến với Quốc hội trẻ em lần này, Thào Mí Phềnh mong muốn sẽ hiểu được nhiều thông tin tác hại của bạo lực học đường và các chất kích thích để về tuyên truyền cho các bạn. Phềnh cũng mong muốn các bác lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm hơn nữa đến học sinh vùng cao, để không bạn nào phải bỏ học giữa chừng vì gia đình nghèo muốn con cái ở nhà để đi làm nương, kiếm sống như em đã từng trải qua. Cũng như em mong muốn bản thân có thể được học THPT và cao hơn nữa…

Chủ tịch Quốc hội trẻ em: “Em đã tìm hiểu kỹ về các chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến trẻ em”

Thào Mí Phềnh và cô giáo xúc động khi kể về câu chuyện của em. (Ảnh: PV)

Thào Mí Phềnh và cô giáo xúc động khi kể về câu chuyện của em. (Ảnh: PV)

Sáng 28/9/2024, phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ II năm 2024 khai mạc tại Hội trường Diên Hồng - Nhà Quốc hội. Điều hành phiên họp là Chủ tịch Quốc hội trẻ em Lê Gia Vinh, một học sinh lớp 8 đến từ Đồng Nai.

Chủ tịch phiên họp giả định Quốc hội trẻ em gây ấn tượng bởi sự điều hành đĩnh đạc, tự tin, khả năng ăn nói lưu loát, dõng dạc. Năm nay, Gia Vinh 14 tuổi, học sinh lớp 8/5, Trường THCS Hùng Vương (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai). Vinh cao 1m74, có niềm yêu thích đặc biệt với môn Văn và môn Tiếng Anh. Chủ tịch Quốc hội trẻ em cũng có niềm đam mê với sáng tạo, sáng chế các sản phẩm, Vinh nhiều lần đạt giải thưởng Sáng tạo Thanh Thiếu niên, Nhi đồng tỉnh Đồng Nai.

Lê Gia Vinh cho biết, để được chọn đảm nhận vị trí đặc biệt này, em đã phải trải qua rất nhiều vòng phỏng vấn, kiểm tra kiến thức, kỹ năng khắt khe từ Ban Tổ chức phiên họp. Trong đó, có thử thách viết bài khai mạc, bế mạc của một phiên họp Quốc hội, cũng như khả năng chất vấn, trả lời chất vấn. Qua đó, Ban Tổ chức đánh giá được năng lực, khả năng điều hành, kỹ năng phân tích, tổng hợp của Chủ tịch Quốc hội trẻ em đến từ Đồng Nai.

Khi nhận được thông báo em sẽ đảm nhận vị trí Chủ tịch phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ II năm 2024, em đã vỡ òa cảm xúc vui mừng, hạnh phúc, tự hào xen lẫn lo lắng, hồi hộp. Bởi Vinh hiểu đây là một trọng trách rất lớn, trong quá trình điều hành, chỉ cần một sơ suất nhỏ sẽ ảnh hưởng đến cả phiên họp. “Em luôn tự dặn mình phải cố gắng hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ để không phụ lòng tin yêu của mọi người”, Vinh bày tỏ.

Và để vào vai Chủ tịch Quốc hội trẻ em, Vinh đã tham khảo tìm hiểu rất kỹ lưỡng về các đường lối, quyết định, các chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành liên quan trẻ em.

Cùng đó, Vinh cũng tiếp xúc với cử tri trẻ em ở tỉnh Đồng Nai để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của trẻ em. Đặc biệt, em tìm hiểu, nghiên cứu rất kỹ thực trạng, nguyên nhân, giải pháp về hai chủ đề của phiên họp là “Phòng, chống bạo lực học đường” và “Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường”.

Đây là những vấn đề “nóng” đang diễn ra trong đời sống học đường, tác động tiêu cực đến học sinh. Những vấn đề này được đưa vào Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ II, để các nghị sĩ nhí thảo luận, hiến kế giải pháp nhằm đẩy lùi bạo lực học đường, sử dụng chất kích thích, thuốc lá điện tử.

Vinh chia sẻ: “Khối lượng công việc liên quan đến Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em rất lớn, đầy áp lực nhưng em nghĩ áp lực tạo kim cương. Em luôn nỗ lực cố gắng hết mình để biến áp lực thành động lực, giúp bản thân vượt qua các thử thách hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”…

Từ những trải nghiệm đặc biệt tại Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ II năm 2024, Lê Gia Vinh mong muốn lan tỏa thông điệp: “Chúng ta phải ngăn chặn bạo lực học đường, nói không với sử dụng chất kích thích, thuốc lá điện tử trong môi trường học đường. Bên cạnh đó, em cũng muốn nói với các bạn rằng, chúng ta hãy tham gia tích cực các hoạt động của Đoàn, Đội, đây là môi trường lý tưởng bạn trẻ, rèn luyện phát triển toàn diện bản thân”.

Dù chỉ mới học lớp 8, nhưng Gia Vinh đã đạt được nhiều thành tích đáng nể. Vinh từng giành giải Nhì cuộc thi Sáng tạo Thanh, Thiếu niên, Nhi đồng cấp tỉnh năm 2023; Giải Ba cuộc thi hùng biện tiếng Anh cấp huyện năm học 2023 - 2024; Giải Nhì khối 7 toàn tỉnh trong cuộc thi Olympic tiếng Anh trực tuyến năm học 2023 - 2024 và Giải Nhất cấp huyện trong cùng cuộc thi. Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội nhí còn có niềm đam mê với âm nhạc và đã học đàn piano được 2 năm, hiện Gia Vinh có thể chơi được nhiều bản nhạc khó. Gia Vinh cho biết, em ước mơ sau này sẽ trở thành một nhà ngoại giao tài giỏi. Trải nghiệm lần này giúp em hoàn thiện kỹ năng trình bày, kỹ năng nói, viết, trang bị hành trang về kiến thức vững vàng, để chinh phục ước mơ trong tương lai.

Có thể nói, trong vai trò là Chủ tịch Quốc hội trẻ em, Gia Vinh không chỉ đại diện cho tiếng nói của thiếu nhi mà còn góp phần thúc đẩy quyền trẻ em và giáo dục trong cộng đồng. Mong rằng, Vinh sẽ tiếp tục vững bước trên con đường chinh phục những mục tiêu lớn lao, cho một hành trình rực rỡ còn ở phía trước…

Uyên Na

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/chuyen-ve-nhung-dai-bieu-quoc-hoi-tre-em-post530550.html