Chuyện về những 'ngân hàng máu sống'

'Chúng tôi sẵn sàng làm ngân hàng máu sống, góp phần giữ nhịp đập cho trái tim người bệnh cần tiếp máu', là lời khẳng định của chị Phạm Thị Xuân, tình nguyện viên hiến máu và cũng là tinh thần của những người trẻ tình nguyện làm 'ngân hàng máu sống'.

Chị Xuân và hai cháu sinh đôi của sản phụ được mình hiến máu.

Chị Xuân và hai cháu sinh đôi của sản phụ được mình hiến máu.

Chị Phạm Thị Xuân, khu phố Ngọc Sơn, thị trấn Ngọc Lặc (huyện Ngọc Lặc) dù mới tham gia hiến máu từ năm 2021 nhưng đã trở thành một tình nguyện viên tích cực, là thành viên của “ngân hàng máu sống” di động sẵn sàng cho máu trong những trường hợp nguy cấp tại địa phương.

Theo chị Xuân: “Máu có thể chờ người bệnh, còn người bệnh không thể chờ máu. Thiếu máu điều trị có thể khiến bệnh nhân đứng trước nguy cơ tử vong. Trong khi đó, máu trong cơ thể người bình thường luôn sản sinh. “Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, giúp đỡ những bệnh nhân cần máu là niềm vui không riêng gì tôi mà của những tình nguyện viên hiến máu khác”. Thấu hiểu ý nghĩa của việc hiến máu chị Xuân tích cực trong công tác vận động hiến máu, là cầu nối hiệu quả giữa Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc và tình nguyện viên.

Trong hàng chục lần hiến máu, chị nhớ nhất lần cho máu một sản phụ tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc. Sản phụ sau khi sinh đôi rơi vào tình trạng nguy hiểm, cần truyền máu gấp, lúc đó bệnh viện đã liên lạc với chị Xuân để tìm tình nguyện viên. Tuy nhiên, lúc đó là ban đêm, việc liên hệ gặp khó khăn, chị Xuân ngay lập tức đến bệnh viện mặc dù chị mới hiến trước đó ít lâu, chưa đến thời gian cho lần hiến tiếp theo.

Anh Trịnh Xuân Dương với chứng nhận hiến máu của mình.

Anh Trịnh Xuân Dương với chứng nhận hiến máu của mình.

Trong một lần khác, chị Xuân tình nguyện hiến cho một bệnh nhân đang rất gần “cửa tử” nhưng cố gắng cầm cự để cho ngày vui của con được diễn ra vẹn toàn. Chị bày tỏ: “Dù chỉ kéo dài sự sống của người bệnh thêm một ngày nhưng với gia đình và cả bệnh nhân thì ngày đó rất quan trọng. Tôi cảm thấy hạnh phúc vì có thể giúp ngày vui của gia đình được diễn ra suôn sẻ”. Những lần hiến máu như vậy, với chị Xuân và những tình nguyện viên, dù cuộc đời của người bệnh không ở lại nhưng lại mang một ý nghĩa to lớn khác là hoàn thành tâm nguyện của người ra đi và giúp người ở lại được thanh thản.

Trong việc kết nối giữa bệnh viện với tình nguyện viên, nếu vào ban ngày thì tình nguyện viên có thể đáp ứng được, nhưng nhiều trường hợp khẩn cấp vào ban đêm, việc tìm người hiến gặp khó thì chị Xuân lại vận động người thân hoặc chính bản thân đi hiến. Theo đó, chồng và các chị em đều trở thành tình nguyện viên hiến máu.

Tích cực trong công tác hiến máu nhưng mỗi lần nhận lời cảm ơn từ phía bệnh nhân và người nhà, chị Xuân vẫn cảm thấy ngại ngùng bởi với chị “việc làm đó hết sức bình thường, giống như việc thấy người gặp khó thì giúp trong khả năng của mình”. Bởi vậy, chị chưa bao giờ nhận quà hay bất kỳ cái gì từ phía người nhà, mặc dù làm tình nguyện viên “ngân hàng máu sống” ảnh hưởng đến thời gian và kinh tế của gia đình.

Cũng là một tình nguyện viên của “ngân hàng máu sống” như chị Xuân, anh Trịnh Xuân Dương, giáo viên Trường Tiểu học Cao Ngọc (Ngọc Lặc) luôn thường trực điện thoại 24/7, sẵn sàng hiến máu bất kỳ lúc nào. Những dòng trạng thái như “Khẩn cấp! Khẩn cấp! Có một trường hợp bệnh nhân cấp cứu tại bệnh viện… cần gấp nhóm máu….”, với anh Dương như mệnh lệnh khẩn cấp, nếu đúng nhóm máu của mình là anh tức tốc lên đường đến bệnh viện. Nếu là nhóm máu khác, anh liên lạc với người thân, bạn bè. Đến khi nào trong nhóm hiện lên dòng chữ “Có người hiến máu rồi nhé!”, anh mới cảm thấy nhẹ lòng.

Chị Phạm Thị Xuân trong một lần hiến máu cấp cứu.

Chị Phạm Thị Xuân trong một lần hiến máu cấp cứu.

Chỉ tính riêng trong 2 năm vừa qua, anh Trịnh Xuân Dương đã 12 lần hiến máu và tiểu cầu. Số lần anh Dương hiến có thể chưa nhiều bằng những tình nguyện viên khác, song tinh thần sẵn sàng “cho đi” của anh đáng được trân trọng và biểu dương. Trong câu chuyện của mình, anh Dương chia sẻ: “Đối với tôi, việc cứu người là vô cùng quan trọng, chính vì thế, mọi việc mình đang làm dở dang đều dừng lại để cứu người. Tôi sẽ tiếp tục hiến máu cho đến khi không còn đủ sức khỏe nữa mới thôi”. Không chỉ tham gia hiến máu, anh Dương còn là một tuyên truyền viên tích cực, thường xuyên tham gia các hoạt động thiện nguyện, hiến máu cùng đơn vị và địa phương.

Theo anh Trịnh Xuân Dương thì hiến máu là nghĩa cử cao đẹp, thể hiện tinh thần “tương thân, tương ái” của người Việt. Đây cũng chính là bài học đầu tiên mà thầy giáo Dương muốn truyền dạy cho các học sinh của mình. “Mỗi người đều có thể làm việc thiện, việc thiện đó không nhất định phải là trao tặng tiền bạc, vật chất mà cho đi trong khả năng của mình. Với các học sinh, việc “cho đi” có thể là trả lại đồ nhặt được, giúp đỡ bạn học khó khăn, giữ gìn môi trường sống xanh…”, anh Dương cho biết.

Có rất nhiều câu lạc bộ “ngân hàng máu sống” trong toàn tỉnh mà thành viên chủ yếu là các bạn trẻ. Họ là những tình nguyện viên có tinh thần nhân ái, lối sống trách nhiệm, nghĩa tình. Việc làm “ngân hàng máu sống” của họ không những cứu giúp bao nhiêu người bệnh vượt qua cửa tử mà còn là hành động nhân văn sâu sắc, thể hiện tinh thần vì mọi người của tuổi trẻ.

Bài và ảnh: Vân Anh

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/nguoi-xu-thanh/chuyen-ve-nhung-ngan-hang-mau-song/28115.htm