Chuyện về những người vợ bộ đội

Nhiều cán bộ, hội viên phụ nữ ở Lữ đoàn 683, Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần có chồng là quân nhân. Cùng với hoàn thành tốt nhiệm vụ ở đơn vị, các chị luôn vượt qua khó khăn, chu đáo trong chăm sóc con cái, lo việc gia đình.

Chúng tôi cùng Đại tá Nguyễn Duy Liền, Chính ủy Lữ đoàn 683, đến thăm gia đình vợ chồng Trung tá QNCN Đỗ Thị Nhuần (nhân viên nuôi quân Tiểu đoàn 743) và Thượng tá QNCN Trần Văn Điệp (nguyên Trợ lý Kỹ thuật Tiểu đoàn 743) trong làng quân nhân đơn vị vào chiều muộn. Bên ấm nước trà xanh, chuyện về gia đình, về con gái lớn Trần Thanh Nhàn (sinh năm 1998) đang làm nghiên cứu sinh Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, con gái thứ hai Trần Thị Nguyệt Minh (sinh năm 2000), hiện là sinh viên năm thứ hai Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) cứ nối dài không dứt.

Kể về các con, chị Nhuần tự hào cho biết: “Trải qua bao vất vả, thăng trầm cuộc sống, thế nhưng nhìn sự trưởng thành của các con, chúng tôi thấy vô cùng hạnh phúc”. Nhớ lại những ngày đầu về đơn vị, giọng chị Nhuần không giấu được xúc động. Cách đây 23 năm, đang là nhân viên thông tin của Học viện Hậu cần, chị Nhuần được chuyển về Trung đoàn 683 (nay là Lữ đoàn 683) để gần chồng. Những tưởng về đơn vị mới, vợ chồng cùng đơn vị, việc gia đình có người chung tay chia sẻ, song thực tế lại không như chị nghĩ... Chị được giao nhiệm vụ là nhân viên nấu ăn. Công việc hoàn toàn mới mẻ, cộng với môi trường, điều kiện sống khác với ngoài Bắc, hai con còn nhỏ (con gái lớn 3 tuổi, con nhỏ mới 5 tháng tuổi), nội ngoại đều ở xa, thêm nhà cửa không ổn định khiến chị có lúc thấy nản lòng.

 Đại tá Nguyễn Duy Liền, Chính ủy Lữ đoàn 683 trò chuyện cùng vợ chồng chị Đỗ Thị Nhuần-anh Trần Văn Điệp.

Đại tá Nguyễn Duy Liền, Chính ủy Lữ đoàn 683 trò chuyện cùng vợ chồng chị Đỗ Thị Nhuần-anh Trần Văn Điệp.

Mới đầu, đơn vị tạo điều kiện cho vợ chồng chị Nhuần mượn tạm gian nhà thuộc trạm y tế của Lữ đoàn, cách đơn vị 6km. Áp lực nhất là những ngày chồng đi làm nhiệm vụ hoặc trực sẵn sàng chiến đấu, 2 giờ 30 phút sáng chị chở hai con vào đơn vị, để con ngủ tiếp, còn chị bắt tay vào chuẩn bị bữa sáng cho bộ đội. Năm 2001, anh chị được cấp trên xem xét phân cho mảnh đất, cách đơn vị chưa đầy 500m. Phấn khởi, hai vợ chồng vay mượn, quyết tâm dựng tạm ngôi nhà cấp bốn để việc đi lại thuận tiện, con cái đỡ vất vả. Có ngôi nhà của riêng mình, con cái cũng lớn hơn, mọi vất vả theo đó cũng vơi dần. Anh chị vừa nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ ở đơn vị, vừa bảo nhau vun vén hạnh phúc cho tổ ấm.

Hoàn cảnh gia đình Thiếu tá QNCN Nguyễn Thị Hà, nhân viên tài chính Tiểu đoàn 743 lại có những vất vả riêng. Ngôi nhà thiếu vắng người đàn ông trụ cột trong gia đình đã nhiều năm nay. Chị Hà chia sẻ: “Vợ chồng tôi cùng quê Đông Hưng, Thái Bình. Từ hai bàn tay trắng, chúng tôi đã đồng cam cộng khổ vượt qua những tháng ngày gian nan để nuôi dạy con khôn lớn trưởng thành. Những tưởng hạnh phúc sẽ êm đềm trôi, ai ngờ căn bệnh quái ác đã cướp anh ấy khỏi tổ ấm gia đình”.

Ngày chồng chị Hà, Thượng tá Nguyễn Văn Thơi, Phó lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn 683 mất, con gái Nguyễn Thị Phương Thảo đang học THPT, cậu con trai Nguyễn Hưng Thịnh đang học lớp 9. Phải mất một thời gian khá dài, chị Hà mới quen dần với hoàn cảnh... vắng chồng. Đồng cảm và chia sẻ với khó khăn của chị Hà, lãnh đạo, chỉ huy các cấp đã tạo điều kiện để cô con gái Nguyễn Thị Phương Thảo nối tiếp truyền thống gia đình, hiện là nhân viên văn thư Phòng Tham mưu, Lữ đoàn 683. Con trai của anh chị cũng đã học lớp 12. Nén nỗi đau vào lòng, chị Hà thay chồng chăm lo cho các con, chăm sóc bố mẹ hai bên, chuyên tâm trong công việc, tích cực tham gia các hoạt động hội.

Đó là những trường hợp chúng tôi có dịp trực tiếp gặp gỡ, trò chuyện. Mỗi gia đình hội viên phụ nữ Lữ đoàn 683 có những khó khăn, vất vả riêng, nhưng các chị đều chung nghị lực mạnh mẽ, tinh thần vượt lên hoàn cảnh, khắc phục khó khăn, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ ở đơn vị, là hậu phương vững chắc để chồng yên tâm công tác.

Bài và ảnh: VÂN ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/chuyen-ve-nhung-nguoi-vo-bo-doi-728725