Chuyện về ông Sáu 'cụt'
Những năm gần đây, hằng ngày có một người đàn ông thường theo các ngả đường trong thị trấn, hễ thấy chỗ nào có ổ gà lồi lõm là ông kẹp nách xẻng, xách giỏ hai quai, có khi là giỏ bao, có khi cái bọc xách ni lông đi lấy đất để đắp những ổ gà trên đường cho bằng phẳng. Lý do ông phải lấy đất bằng giỏ hai quai, bởi vì ông mất một tay không thể bưng thau như người bình thường được...
Đó là hình ảnh về người thương binh 3/4 Nguyễn Hoàng Lệ ở ấp Chợ, thị trấn Cù Lao Dung, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng. Ở đây, ông thường được người dân gọi ông với cái tên thân thương “Sáu cụt”. Ông Nguyễn Hoàng Lệ bị trúng đạn vào ngày 13-1-1971, do bị giặc đồn Bến Bạ càn quét bất ngờ. Lúc ấy ông là du kích xã An Thạnh Nhì, huyện Cù Lao Dung. Do vết thương bị nhiễm trùng nặng nên các y, bác sĩ đành phải cưa bỏ bàn tay để vết thương không bị ăn sâu, ảnh hưởng đến tính mạng của ông.
Thấy ông thương tật, già cả mà đi đắp đường, có người khuyên ông: “Chuyện đường sá để Nhà nước lo, ông già cả, tật nguyền làm chi cho khổ”. Ông cười trả lời: “Nhà nước trăm công ngàn việc, cái gì mình thấy làm được thì cứ làm, chứ đừng hễ cái gì cũng trông chờ vào Nhà nước. Mấy cô, mấy chú không nghe câu “Nhà nước và nhân dân cùng làm” sao?”. Nhiều lúc có khách lạ đi đường thấy ông đang hì hục đắp đất, họ dừng xe lại thắc mắc: “Có ai sai ông làm hay ông có nằm trong hội thiện nguyện nào không?”. Ông lại cười: “Tôi tự làm chứ có trong nhóm hội nào đâu. Đắp ổ gà cho đường bằng phẳng, bà con đi lại dễ dàng, nhất là mấy đứa nhỏ đi học bằng xe đạp khỏi chịu xóc tới, xóc lui...”. “Ông thương tật mà chịu khó quá!”. Ông tự hào: “Tôi là lính Cụ Hồ mà, đâu quản ngại khó khăn. Cái gì có ích cho xã hội thì tôi sẵn sàng làm!”.
Nói về ông Nguyễn Hoàng Lệ, chúng tôi được ông Huỳnh Văn Giàu, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Cù Lao Dung nhận xét: “Ông Lệ là cựu chiến binh gương mẫu ở địa phương. Việc ông âm thầm đắp ổ gà trên một số tuyến lộ của thị trấn, tuy thấy đơn giản mà mang ý nghĩa rất lớn. Hội đang đề nghị lên cấp trên để biểu dương ông”.
Ông Nguyễn Hoàng Lệ không những là “người phu lục lộ” mà các phong trào ở địa phương như “Xây dựng đời sống văn hóa”, ông đều hăng hái tham gia, nhất là phong trào giao lưu văn hóa thể thao. Nhiều dịp mỗi khi ở thị trấn hay ở huyện Cù Lao Dung tổ chức thi đấu giao lưu thể thao, ông đều đăng ký tham gia bộ môn bi sắt. Thấy ông đăng ký, có người nói: “Ông già rồi thi đấu thế nào mà đăng ký!”. Ông cười tươi trả lời: “Thi đấu cho vui, cho có phong trào, tạo niềm tin sức khỏe cho con cháu, chứ già cỡ tôi sao đấu lại bọn trẻ”. Nghe câu nói này của ông, tôi bỗng nhớ lại lời kêu gọi toàn dân tập thể dục của Bác: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì có sức khỏe mới làm thành công. Mỗi một người dân yếu ớt tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe là cả nước mạnh khỏe”.
Có lẽ nghe theo lời kêu gọi của Bác Hồ mà ông Nguyễn Hoàng Lệ tuổi đã thất thập cổ lai hy vẫn luôn trau dồi bản thân, để là một người dân mạnh khỏe. Việc làm của ông tuy âm thầm nhưng là “món quà” quý giá cho xã hội, cho thế hệ trẻ hôm nay noi theo.
Về với thị trấn Cù Lao Dung, đi trên những ngả đường không có ổ gà lồi lõm tôi lại nhớ ngay đến ông già thương binh Nguyễn Hoàng Lệ hay tên gọi thân thương là “ông Sáu cụt”. Ông là tấm gương sáng trong thời chiến cũng như thời bình, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ "thương binh tàn, nhưng không phế".