Mưa ngập gốc rạ

Mưa năm nay tới muộn. Mọi năm vào tháng 10 đã vào chính mùa mưa. Nước theo nhau đổ xuống trắng trời cả ngày lẫn đêm. Có năm mưa không ngừng nghỉ 2-3 tuần liên tục. Nước ngập lênh láng ngoài đồng. Nước ở đồng hòa với nước sông thành mảng lớn trắng đục bao lấy xóm. Những cánh cò ướt mưa, bay từng nhịp yếu ớt trong biển nước vô định.

Năm ngoái, mưa lớn nhiều ngày cộng với nước trên thượng nguồn đổ xuống, ngập cả đại lộ trong thành phố. Nước vượt qua cửa tràn vào nhà. Người dân phải chuyển đồ đạc lên tầng cao, có nhà phải đưa trâu, bò lên quốc lộ tránh tạm.

Mùa mưa còn gọi là mùa lụt. Đây cũng là mùa rau muống nước. Từng cọng rau căng tròn gặp nước như có thêm sức sống vươn thân mình ra giữa dòng. Chúng kết với nhau thành mảng bồng bềnh, cứ lựa theo dòng nước mà trôi. Khác với rau muống cạn, rau muống nước ngậm phù sa lớn lên nên có màu tím mận.

Mỗi lần thăm ruộng, ông Hai luôn cố gắng lội mương, với hái cho được hai nắm rau muống nước. Ông cẩn thận lấy sợi rơm bó lại rồi buộc lên xe. Xong xuôi mới thăm ruộng, be bờ hay làm gì thì làm. Rau muống nước luộc chấm mắm ruốc hay xào tỏi là món ưa thích của bà. Bà ưa vị ngọt, bùi và mềm đằm của món đồng quê này.

Ông Hai không lo mưa lớn ngập đồng. Ngược lại ông mừng, bởi sau lụt cánh đồng vụ tới được bồi thêm phù sa. Mầm sâu bệnh cũng theo dòng nước cuốn đi. Nông dân nhờ thế không phải nhọc nhằn thêm thuốc, thêm phân khi vào vụ.

Nước lớn, người trong xóm hay chèo ghe rong ruổi ngoài đồng để đánh bắt cá cờ, cá lòng tong, cá bống rồi cá rô phi, cá chép... Chợ xổm cũng vì thế mà nhộn nhịp hơn ngày thường từ mờ sớm. Không cân ký, họ bán ước lượng theo mớ, rổ nhỏ 10.000 đồng, rổ lớn 15.000 đồng hoặc 20.000 đồng. Lựa con lớn bỏ kho tiêu, con nhỏ làm thức ăn thúc mập cho bầy gà chuẩn bị đón tết.

***

Năm nay mưa tới muộn lại không nối tiếp nhau ngày theo ngày mà chỉ từng cơn ào ào xen với khoảng trời quang và nắng nhẹ. Ông Hai không quen xem lịch, chỉ tính mùa mưa theo nhịp con nước. Mưa ướt ruộng là đầu mùa. Mưa ngập gốc rạ là chính mùa. Năm nào nước ngập lá sen là năm đó có mùa lũ. Nhìn gốc rạ ngoài đồng vẫn còn trơ trơ, chân ruộng ươn ướt thúc lúa chét lên cao, ông Hai biết mùa mưa sắp qua. Như vậy cũng không có lụt, chỉ qua vài cơn bão nữa là lập xuân đón tết.

Rừng bạch đàn gần bãi bồi bên sông sau 5 năm đã bắt đầu thu hoạch gỗ. Cả một khoảng không xanh mướt trước thôn giờ quang đãng, mênh mông. Đứng trên cầu, ánh nhìn không còn bị che khuất, mở ra cánh đồng bên những đầm sen.

Xa xa ngôi chùa nhỏ tựa mình vào bóng núi. Kè bên sông sẽ được xây dựng để có lụt nước cũng theo dòng đổ ra sông không ghé vào trong xóm. Những trận lụt làng lụt xóm dần lùi vào quá khứ trở thành câu chuyện ôn lại kỷ niệm của những thế hệ trước.

Chợ xổm không đông đúc như mọi năm. Nghe nói, người ta mua gom ngay trên ruộng. Cá bống sông bán cho nhà hàng, khách sạn. Cá tạp làm thức ăn cho các trang trại gà. Chợ chỉ còn rô phi, cá diếc ngoài bàu của những chủ sen chăm chỉ thức giăng lưới đêm qua.

Ít cá đồng thì dùng cá biển. Trời hơi se se lạnh. Ông Hai bắc bếp than nướng vài con cá nhâm nhi cùng bạn trong xóm. Tiếng bắt nhịp bài chòi khiến ông cao hứng ngân nga theo điệu:

Miền là miền quê ấy… lòng lại càng thương nhớ quê mình

Chớ thương ai mà gánh nặng ơi là tình

Nghĩa tình sắt son chớ thương ai

Ra đồng mà tay cấy cấy mạ non…

BẠCH VÂN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/322932/mua-ngap-goc-ra.html