Chuyện về 'Vua chuyển đổi số' trong sản xuất chè ở Thái Nguyên
Câu chuyện chuyển đổi sang trồng chè 'siêu sạch' của người dân Phú Đô (Phú Lương, Thái Nguyên) bắt đầu từ khi HTX trà an toàn Phú Đô được thành lập. Đáng nói, nhờ mạnh dạn đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là tự sản xuất phân hữu cơ từ than sinh học, sản phẩm trà của HTX đang góp phần đưa thương hiệu trà 'siêu sạch' Thái Nguyên bay xa.
Rót chén trà thơm vừa hái trên nương mời khách trong căn nhà nhỏ ở xóm Phú Thọ, xã Phú Đô, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, chị Hoàng Thị Hoa kể, trước đây, gia đình chỉ trồng chè để giữ đất, một năm chỉ hái bán được vài đợt, giá thấp, năng suất không cao. Chè chỉ bán được cho các thương lái giá 10-12 nghìn đồng/kg tươi.
Thay đổi tư duy làm nông nghiệp
Từ khi HTX trà an toàn Phú Đô, mời chị liên kết sản xuất chè, chị đã chuyển dần diện tích đất vườn để trồng cây chè hữu cơ. Từ vài sào ban đầu, hiện nay gia đình chị đang chăm sóc 1ha cây chè, đem lại thu nhập cho gia đình trung bình mỗi năm 300 triệu đồng.
Chia sẻ với phóng viên VnBusiness, Chị Hoa giới thiệu đây là giống chè Long Vân, một trong những giống chè chất lượng, nước xanh sánh vàng và ngon nhất vừa được hái từ đồi mà gia đình chị đang chăm sóc chuẩn quy trình hữu cơ, theo tiêu chuẩn VN 11041 (thúc đẩy hoạt động, sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng giá trị và chất lượng sản phẩm).
Tuy nhiên, từ khi HTX trà an toàn Phú Đô có dự án phát triển vùng chè hữu cơ với thương hiệu (Trà Phú Đô), họ đã thu mua với giá 20-35 nghìn đồng/kg. Được giá, gia đình chị chăm thu hái hơn, sản lượng thu hoạch lên tới cả tấn/ha/năm, đồng thời trồng mở rộng thêm diện tích chè. Trung bình mỗi tháng gia đình thu hái được gần 1 tấn búp chè tươi.
Gia đình chị Hoa là một trong số 23 hộ liên kết trồng cây chè ở Phú Đô được HTX trà an toàn Phú Đô bao tiêu sản phẩm đầu ra, nhờ vậy có nguồn thu nhập khá cao, ổn định.
Dùng ớt, tỏi, gừng và lá cây rừng làm thuốc trừ sâu
Phú Lương là địa phương có diện tích chè lớn thứ hai của tỉnh Thái Nguyên với trên 4.000 ha, chiếm 19% tổng số diện tích chè toàn tỉnh và có 45/257 làng nghề chè, chiếm 18% tổng số làng nghề chè của tỉnh.
Câu chuyện chuyển đổi sang trồng chè “siêu sạch” của người dân Phú Đô bắt đầu từ khi HTX trà an toàn Phú Đô được thành lập.
Khi đó người dân được tiếp cận, thực hành phương pháp canh tác chè mới, công việc lâu nay họ chưa từng làm như: Ghi nhật ký sản xuất, lấy mẫu phân tích đất, cắt bỏ phân hóa học, chuyển sang sử dụng phân hữu cơ, thời gian phun, cách ly thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thảo mộc được đảm bảo.
Từ năm 2018, anh Hoàng Văn Tuấn, Giám đốc HTX trà an toàn Phú Đô đã nghiên cứu, học hỏi và tự sản xuất phân hữu cơ từ than sinh học, ủ với phân chuồng, phụ phẩm nông nghiệp để bón cho chè. Thay vì phun thuốc trừ sâu hóa học, anh dùng ớt, tỏi, gừng và lá cây rừng làm thuốc trừ sâu.
HTX trà an toàn Phú Đô đang liên kết với 23 hộ dân, sản xuất trên diện tích hơn 15ha. Với cách làm này, HTX đã sản xuất, tự cung cấp được 90% phân hữu cơ bón cho cây chè. Anh Tuấn cũng sử dụng bếp khí hóa sinh khối để chế biến chè, tạo không khí trong lành, bảo vệ môi trường. Hiện nay, nhãn hiệu trà Phú Đô của HTX được Cục Sở hữu trí tuệ chính thức bảo hộ tại lãnh thổ Việt Nam. Sản phẩm được tiêu thụ thuận lợi trên thị trường trong và ngoài nước.
Điều vui hơn là cách làm của anh Tuấn cùng HTX trà an toàn Phú Đô đã lan tỏa giá trị của việc sản xuất sản phẩm chè hữu cơ đến người dân trong xóm, xã để từng bước chuyển dịch phương pháp canh tác, chế biến chè.
Nói về hướng đi lâu dài của sản phẩm chè an toàn Phú Đô, anh Tuấn tâm sự, để phát triển bền vững, khẳng định được tên tuổi chè Phú Đô, HTX đang hướng tới giá trị cốt lõi vừa làm vừa tuyên truyền, vận động các hộ cùng nhau thay đổi để xây dựng vùng nguyên liệu lớn, đảm bảo chất lượng.
Bà Nguyễn Thị Như Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Đô cho biết, thời gian qua, ngoài tăng diện tích trồng chè mới, địa phương đã quan tâm phát triển thương hiệu; khuyến khích người dân tập trung phát triển chè theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất chè hữu cơ.
“Với phong trào sản xuất và kinh doanh chè an toàn, hữu cơ ở Phú Đô ngày càng lan tỏa mạnh mẽ. Diện tích chè đạt chuẩn VietGAP, sản xuất theo quy trình hữu cơ là 268ha, chiếm trên 45% tổng diện tích. Toàn xã có 3 HTX chè, 2 tổ hợp tác, dự án tập trung sản xuất chè an toàn, hữu cơ với hàng trăm hộ dân tham gia. Người dân Phú Đô đang dần thích ứng và nỗ lực phấn đấu sản xuất chè hữu cơ hướng đến xây dựng nông nghiệp xanh, bền vững”, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Đô cho hay.
Tiên phong chuyển đổi số nông nghiệp
Chuyển đổi số đang tạo ra sự thay đổi lớn cho nền nông nghiệp Thái Nguyên, thúc đẩy phát triển các mô hình nông nghiệp hiện đại, năng suất cao và thân thiện với môi trường. HTX trà an toàn Phú Đô là một trong những đơn vị đầu tiên của ngành chè Việt Nam, nhận giải thưởng Vua chuyển đổi số lần thứ nhất năm 2024 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tổ chức.
Theo đó, HTX đã xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng đồng bộ; tiếp cận và nhanh chóng chuyển đổi từ ứng dụng dùng mã QR truy xuất sản phẩm sang ứng dụng Face fram. Khi đưa ứng dụng Face fram vào chuỗi sản xuất, kinh doanh, ưu điểm lớn nhất mang lại chính là thông tin chi tiết các thửa đất trồng chè của HTX và nhật ký sản xuất của nông trại được hiển thị trên Google map. Điều này không chỉ giúp HTX dễ dàng quản lý sản xuất mà còn minh bạch nguồn gốc sản phẩm, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng. Chỉ cần quét mã QR, khách hàng có thể trực tiếp kiểm soát các khâu chăm sóc, hàm lượng, chủng loại, số lượng phân bón và thời gian, địa điểm, hình thức, quy trình chăm sóc… bằng cả thuyết minh, hình ảnh, video…
Nhờ đó giá trị sản phẩm của HTX tăng trung bình từ 200.000 đồng/kg chè búp khô lên 250.000 đồng/kg. Với tổng diện tích sản xuất chè hiện nay đã tăng lên 15,2 ha với 23 hộ trong và ngoài xã liên kết sản xuất. Hằng năm cho sản lượng trung bình 30 tấn trà búp khô các loại. Ngoài việc khai thác trà búp, trà nõn, trà đinh thì HTX còn khai thác cả hoa và lá trà già để chế biến thành sản phẩm trà hoàng hoa đệ nhất và trà gốc cổ nguyên lá, có giá bán lên tới gần 2 triệu đồng/1kg.
Nói về sản phẩm của HTX trà an toàn Phú Đô, ông Nguyễn Quốc Hữu, Bí thư Huyện ủy Phú Lương (Thái Nguyên) ghi nhận sự nỗ lực cố gắng, tìm tòi, sáng tạo của HTX trong trồng, chăm sóc và chế biến trà, sản phẩm trà mang hương vị thơm ngon tự nhiên, tốt cho sức khỏe con người.
“Đơn vị đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng và có thành tích “Vua chuyển đổi số”, qua đó góp phần quảng bá thương hiệu, xúc tiến kinh doanh sản phẩm trà nhằm nâng cao thu nhập và tạo công ăn việc làm cho người dân tại địa phương”, ông Quốc cho hay.