Chuyển vụ 'ngang ngược xiết món nợ khó tin' cho Công an TP HCM
Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM đã gửi công văn đến Giám đốc Công an TP HCM yêu cầu xem xét, giải quyết đơn tố cáo của một gia đình ở TP Thủ Đức.
Liên quan đến bài viết "Ngang ngược xiết món nợ khó tin" đăng trên Báo Người Lao Động số ra ngày 2-4-2022, ông Hà Phước Thắng, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM, vừa ký công văn chuyển vụ việc của bà Phạm Thị Ngọc Yến (SN 1962, ngụ phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức) và 5 người khác cho Giám đốc Công an TP HCM xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Trước đó, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP HCM có thông báo chuyển đơn của bà Phạm Thị Ngọc Yến và 5 người khác (cùng ngụ phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức) đến Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP HCM để điều tra theo quy định.
Ngày 2-4, Báo Người Lao Động đăng tải bài viết "Ngang ngược xiết món nợ khó tin" liên quan đến các đối tượng cho vay nặng lãi ở TP Thủ Đức khiến gia đình bà Phạm Thị Ngọc Yến khốn đốn.
Theo đơn tố cáo của bà Yến, năm 2015, bà vay người đàn ông T. "biển" (chuyên cho vay ở khu vực TP Thủ Đức) 1,7 tỉ đồng với lãi suất 30%/tháng. Tất cả giấy tờ vay T. "biển" đều giữ, lãi suất thì nhận trực tiếp bằng tiền mặt.
Năm 2016, bà Yến không còn khả năng trả nợ thì được T. "biển" giới thiệu vay tiền, vàng của nhiều người để "xiết nợ". Đến năm 2017, bà Yến được thông báo nợ vợ chồng T. "biển" 20 tỉ đồng. T. "biển" giới thiệu bà Yến vay 130 cây vàng của người đàn ông tên A. (ngụ quận 5) để tiếp tục trả nợ cho mình. Khi nhận thấy bà Yến cạn kiệt nguồn tiền, T. "biển" quay sang ép bà Yến thế chấp nhiều bất động sản, bán nhà để trả nợ.
Trong đơn tố cáo, bà Yến cho biết nhóm T. "biển" còn ép ông Lê Huỳnh Xuân (em ruột bà Yến) tham gia vào một dự án bất động sản để gán diện tích đất 1.800m2 ở phường Cát Lái, TP Thủ Đức vào nợ T. "biển".
Đến giữa năm 2020, bà Yến được nhóm T. "biển" thông báo còn nợ hơn 82 tỉ đồng. Không thể chịu đựng thêm nữa nên bà Yến đã làm đơn tố cáo gửi cho Bộ Công an, Công an TP HCM, Công an TP Thủ Đức… Cũng từ thời điểm đó, bà Yến và người thân liên tục bị các đối tượng lạ mặt đe dọa an nguy đến tính mạng, nhà bà Yến và người thân nhiều lần bị tạt sơn.
Bà Yến còn tố cáo bà T.L.T.T. (kế toán) cùng ông T.V.M. (chồng bà T., giám đốc một chi nhánh ngân hàng ở TP Thủ Đức) và một số người dựng lên dự án nhà ở xã hội với diện tích hơn 10.000m2 tọa lạc ở quận 2 (nay là TP Thủ Đức) để chiếm đoạt tài sản của bà Yến và người thân.
Đơn tố cáo nêu, để tạo tin tưởng cho bà Yến và những người thân, bà T. thành lập một công ty bất động sản với vốn điều lệ 500 tỉ đồng. Trong đó bà T. góp vốn 81% (405 tỉ đồng), ông Đ.V.D. góp vốn 12% (60 tỉ đồng) và ông Lê Huỳnh Xuân (em ruột bà Yến) góp 7%, tức 35 tỉ đồng. Lấy lý do cần huy động vốn để làm vốn lưu động triển khai dự án, bà T. cùng một số người yêu cầu bà Yến và người thân lần lượt trực tiếp đứng tên vay hoặc ủy quyền cho T. đem hơn 10 tài sản là bất động sản thế chấp vay vốn tại các ngân hàng.
Sau đó, bà T. dùng một số bất động sản này để bảo lãnh cho công ty N.B (do ông Đ.V.D. đứng tên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc đăng ký lần đầu vào 2017; đăng ký thay đổi lần thứ 4 vào 2021 với vốn điều lệ là 26 tỉ đồng) vay vốn ngân hàng hàng chục tỉ đồng. Số tiền này bà T. đều chiếm giữ. Điều đáng nói là Công ty N.B thực chất là công ty "ma", lập nên chỉ để thực hiện phi vụ này.
Từ đó, bà Yến còn yêu cầu cơ quan công an khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", vi phạm về hoạt động ngân hàng, cho vay nặng lãi đối với bà T.L.T.T., T.M.V. và T.N.T. và một số cá nhân khác; đồng thời đề nghị áp dụng biện pháp ngăn chặn chuyển dịch, tẩu tán tài sản đang trong quá trình điều tra.