Chuyện xây dựng nhà văn hóa sau sáp nhập thôn

Sau sáp nhập thôn, tổ dân phố, xây dựng nhà văn hóa thôn (NVHT) là cả một vấn đề. Trong trường hợp, nếu những địa phương nào đang xây dựng nông thôn mới thì việc xây dựng NVH đáp ứng với tình hình thực tế sẽ thuận lợi hơn. Tuy nhiên, cũng có những địa phương đã về đích nông thôn mới, tưởng như xây mới NVH sau sáp nhập sẽ gặp những khó khăn nhưng hoàn toàn ngược lại. Câu chuyện xây NVHT ở 2 xã Định Tân (Yên Định) và Tượng Lĩnh (Nông Cống) là ví dụ.

Nhà văn hóa thôn Yên Định, xã Định Tân (Yên Định) vừa được đưa vào sử dụng trong quý III-2019.

Sau sáp nhập thôn, tổ dân phố, xã Tượng Lĩnh (Nông Cống) từ 9 thôn giảm còn 4 thôn. Cũng như nhiều xã khác, các NVHT sau sáp nhập cũng không đáp ứng được nhu cầu cho sinh hoạt của các thôn mới thành lập. Để có 4 NVH mới cho 4 thôn mới, điều quan trọng nhất phải có được sự đồng thuận của người dân. Bởi trước đó, người dân của 9 thôn cũ đã đóng góp xây dựng 9 NVH. Nếu đóng tiền một lần nữa để xây dựng NVH mới liệu người dân có đồng tình? Nhưng với Tượng Lĩnh, cái khó được tháo gỡ dễ hơn khi xã đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Để đáp ứng với chương trình nông thôn mới thì buộc các thiết chế văn hóa cũng phải bảo đảm được tiêu chí nông thôn mới. Ông Nguyễn Văn Chanh, Phó Chủ tịch UBND xã Tượng Lĩnh cho biết: Mừng là việc xây dựng NVH được nhân dân các thôn thống nhất rất cao. Tại hội nghị đầu xuân, có thôn đã ủng hộ gần 100 triệu đồng, có những cụ cao tuổi cũng ủng hộ 1 tháng lương. Dự kiến, các NVH được đầu tư khoảng 1 tỷ đồng, trong đó xã hỗ trợ 500 triệu đồng.

Đến nay, trong số 4 thôn mới thành lập có thôn Vĩnh Quang đã ép cọc móng và thôn Thọ Long đã đổ được mặt bằng. Chia sẻ của ông Lê Văn Tố, bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn Thọ Long: Qua hội nghị ban công tác mặt trận, các cuộc họp chi bộ và quần chúng nhân dân, việc đóng góp đã được đồng thuận, nhất trí cao. Từ 1 đến 60 tuổi đóng 500.000 đồng/khẩu/năm. Từ 60 tuổi trở lên thì làm công tác vận động, tuyên truyền...

Năm 2013, xã Định Tân (Yên Định) về đích nông thôn mới. Sau khi thực hiện sáp nhập thôn, xã có 8 thôn giảm xuống còn 4 thôn. NVH của 4 thôn cũng không đáp ứng được cho nhu cầu sinh hoạt sau sáp nhập. Một cái khó là trước đó để về đích nông thôn mới, các thôn đã đầu tư xây dựng NVH để đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Do vậy, để kêu gọi đóng góp một lần nữa cho xây dựng NVH là điều không dễ. Ông Trịnh Xuân Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Định Tân cho biết: Cũng có những cái thuận trong xây dựng NVH đó là vừa phải đáp ứng cho việc sau sáp nhập nhưng đồng thời cũng phải đáp ứng cho nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Chúng tôi họp từ cấp ủy và mở rất nhiều các hội nghị với nhân dân để bàn phương pháp, cách làm. Với những NVH cũ sẽ cho đấu giá để hỗ trợ các NVH xây mới, sửa chữa. Xã cũng sẽ có cơ chế hỗ trợ từ 100-150 triệu đồng cho các NVH. Bên cạnh đó là sự đóng góp của nhân dân, cao nhất là khoảng 1,2 triệu đồng/khẩu. Hiện trong 4 thôn thành lập mới đã có 2 thôn xây xong, 2 thôn còn lại cũng đã nâng cấp, sửa chữa. Mỗi NVH trị giá từ 1 đến 1,3 tỷ đồng, đáp ứng trên 700 chỗ ngồi. Tất cả các thiết chế bên trong NVH đều được đầu tư đồng bộ.

Bài và ảnh: Mai Phương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/chuyen-xay-dung-nha-van-hoa-sau-sap-nhap-thon/108432.htm