CICON 2025: Việt – Hàn bắt tay thiết kế tương lai đô thị
Từ thành phố thông minh Sejong đến mô hình hành chính sáng tạo Hanam (Hàn Quốc) mang đến CICON 2025 những bài học quý giá cho Việt Nam trong hành trình xây dựng đô thị tương lai.

Ông Park Bong Kyu – nhà sáng lập CICON, Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh CEO Hàn Quốc
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu dịch chuyển mạnh mẽ theo hướng xanh hóa, số hóa và phi tập trung, Việt Nam và Hàn Quốc đang bước vào một giai đoạn hợp tác mới, nơi công nghệ không chỉ là công cụ phát triển mà còn là chất keo gắn kết các nền kinh tế.
Hội nghị CICON Việt Nam 2025, với chủ đề “AI Era – Smart City – Web 3.0 – Convergence & Green Innovation” được Hội Kỹ sư Xây dựng Việt Nam, Korea CEO Summit và IOTA Capital tổ chức mới đây là diễn đàn kinh tế – công nghệ, quy tụ hơn 300 đại biểu gồm lãnh đạo Chính phủ, doanh nhân, chuyên gia công nghệ và nhà đầu tư từ cả hai nước.
Công nghệ là hạ tầng mới của đô thị
Không chỉ tham gia với tư cách khách mời, Hàn Quốc mang đến CICON một thông điệp rõ ràng – Sự tăng trưởng không thể chỉ dựa vào tài nguyên hay quá khứ, mà phải được thiết kế từ tương lai. Điển hình là thành phố Sejong, trung tâm hành chính quốc gia và cũng là "phòng thí nghiệm sống" cho mô hình đô thị bền vững.
“Thành phố của chúng tôi không bị ràng buộc bởi những hạ tầng cũ. Chúng tôi có điều kiện để triển khai một cách tiếp cận mới, phát triển đô thị như một hệ sinh thái, nơi công nghệ, con người và môi trường cùng tồn tại” ông Choi Min Ho, Thị trưởng thành phố Sejong phát biểu.
AI hiện đang được Sejong tích hợp toàn diện vào quản trị đô thị, từ phân tích giao thông, kiểm soát ô nhiễm cho đến tối ưu vận hành các khu đô thị phức hợp. Đáng chú ý, không gian xanh không phải là phần bổ sung sau quy hoạch, mà là nền tảng chính tạo nên bản sắc thành phố: các dòng sông, công viên và không gian công cộng kết nối xuyên suốt.
Nếu Sejong là biểu tượng của quy hoạch hiện đại, thì Hanam – một trong những thành phố tăng trưởng nhanh nhất Hàn Quốc là minh chứng cho sức mạnh của cải cách hành chính và sự nhạy bén với nhu cầu xã hội.
“Chúng tôi tập trung vào việc làm cho chính quyền trở nên gần gũi. Người dân không đến gặp chính quyền, mà chính quyền đến với họ”, ông Lee Hyeon-jae, Thị trưởng thành phố Hanam chia sẻ về mô hình “văn phòng lưu động”, nơi các thủ tục hành chính được giải quyết ngay tại cộng đồng. Bên cạnh đó, Hanam tiến hành đánh giá định kỳ hiệu quả phục vụ của công chức mỗi 6 tháng, hợp tác cùng doanh nghiệp để nâng cao chuẩn mực hành chính công.
Ông Lee cũng nhấn mạnh vai trò của AI trong điều phối giao thông, đồng thời khuyến nghị Hà Nội cần tận dụng công nghệ để giải quyết bài toán nan giải này. Tuy nhiên, ông cảnh báo: “Rào cản lớn nhất không nằm ở công nghệ, mà nằm ở thể chế. Hàn Quốc chỉ có thể đổi mới nhờ dám thay đổi luật chơi”.
Tư duy mới cho đô thị tương lai
Ở phía Việt Nam, thách thức đặt ra không phải thiếu công nghệ, mà là thiếu một khung năng lực tổng thể để ngành xây dựng và đô thị bứt phá. Ông Trần Đình Tùng – Chủ tịch Hội Kỹ sư Xây dựng Việt Nam, đồng thời là Chủ tịch Tập đoàn TRV nhận định: “Chúng ta cần một khung năng lực quốc gia cho ngành xây dựng, điều kiện để Việt Nam hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu và nâng tầm kỹ sư Việt trên thị trường quốc tế”.

Ông Trần Đinh Tùng - Chủ tịch Hiệp Hội Kỹ sư Xây dựng Việt Nam (VSCE) trình bày tham luận tại hội nghị.
Cùng với nỗ lực từ phía nhà nước, khối doanh nghiệp và startup Việt Nam cũng đang từng bước tham gia sâu hơn vào tiến trình số hóa và xanh hóa đô thị. Từ các nền tảng dữ liệu đô thị, giải pháp giao thông thông minh đến hệ thống quản lý năng lượng tái tạo, khu vực tư nhân giữ vai trò là mắt xích quan trọng kết nối giữa công nghệ và nhu cầu thực tiễn.
Theo các chuyên gia tại CICON 2025, việc hình thành những liên minh chiến lược giữa doanh nghiệp trong nước với các đối tác công nghệ quốc tế, đặc biệt là từ Hàn Quốc có thể giúp Việt Nam rút ngắn đáng kể khoảng cách về năng lực triển khai và vận hành đô thị thông minh.
CICON 2025 cho thấy một sự thật quan trọng, đó là đô thị thông minh không thể chỉ xây dựng bằng AI hay blockchain, mà cần một tầm nhìn tích hợp, nơi chính sách, con người, thiết kế đô thị và văn hóa cùng phát triển. Những mô hình như Sejong hay Hanam là gợi ý quý giá, nhưng bài toán của Việt Nam phải được giải từ điều kiện nội tại.
Trong bối cảnh các rủi ro thương mại và địa chính trị toàn cầu gia tăng, Việt Nam nổi lên như quốc gia có tiềm năng dẫn đầu Đông Nam Á về đô thị số, công nghiệp văn hóa và năng lượng sạch. CICON không chỉ là sự kiện mà là bệ phóng cho một mô hình hợp tác Việt – Hàn thế hệ mới, nơi doanh nghiệp, startup và nhà đầu tư từ cả hai phía có thể tìm thấy điểm giao thoa lợi ích bền vững.