Lối đi nào cho Việt Nam xây dựng trung tâm tài chính quốc tế?
Theo ý kiến chuyên gia, Việt Nam nên có mô hình trung tâm tài chính kết hợp, không tách biệt hoàn toàn nhưng có khung pháp lý đặc thù, tập trung vào sử dụng ngoại tệ, luân chuyển lợi nhuận và bảo vệ nhà đầu tư.
Việt Nam đang "đặt cược" lớn vào tham vọng trở thành một trung tâm tài chính quốc tế (IFC), với kế hoạch phát triển các trung tâm tài chính tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Điểm nổi bật từ các cuộc thảo luận gần đây là sự đồng thuận rằng không có mô hình IFC nào là tốt nhất cho mọi quốc gia, và Việt Nam cần một lộ trình riêng, phù hợp với đặc thù kinh tế - xã hội, đồng thời bảo đảm ổn định vĩ mô và an toàn tài chính.
Tại sự kiện “Kinh nghiệm quốc tế và vai trò hệ thống ngân hàng trong trung tâm tài chính” do Thời báo Ngân hàng tổ chức mới đây, các chuyên gia trong và ngoài nước nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng một mô hình IFC “may đo” cho Việt Nam.
“Không có mô hình nào tốt nhất, phù hợp nhất với bất cứ quốc gia nào vì việc lựa chọn mô hình phụ thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội của từng quốc gia,” bà Lê Thị Thúy Sen, Tổng biên tập Thời báo Ngân hàng, khẳng định tại sự kiện.
"Chìa khóa" hướng tới quốc gia thu nhập cao
Việc xây dựng IFC được xem là đòn bẩy để Việt Nam kết nối với thị trường tài chính toàn cầu, thu hút dòng vốn quốc tế và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Bà Lưu Ánh Nguyệt, Phó trưởng Ban Phát triển thị trường tài chính, Bộ Tài chính, nhấn mạnh: “IFC sẽ giúp Việt Nam kết nối thị trường tài chính toàn cầu, thu hút tổ chức tài chính quốc tế và dòng vốn đầu tư, đồng thời tạo đột phá về thể chế.”
Việt Nam sở hữu nhiều lợi thế để hiện thực hóa tham vọng này: vị trí địa lý chiến lược, hội nhập kinh tế sâu rộng, và môi trường đầu tư đang được cải thiện.
Theo đó, TP. HCM, với nền kinh tế năng động và các thiết chế tài chính hiện đại, đã lọt vào Chỉ số Trung tâm tài chính toàn cầu (GFCI) từ năm 2022. Trong khi đó, Đà Nẵng được định hướng phát triển mô hình IFC thế hệ mới, tích hợp khu thương mại tự do và dịch vụ tài chính xanh.

Richard D. McClellan cho rằng Việt Nam đang ở thời điểm bản lề hiếm có, đòi hỏi hành động quyết liệt và táo bạo. Ảnh: SBV
Chuyên gia kinh tế Richard D. McClellan, Nhà sáng lập RMAC Advisory, LLC, nhận định: “Một IFC không đơn thuần là nơi diễn ra các giao dịch tài chính. Đó là nền tảng để huy động vốn toàn cầu, làm sâu sắc thị trường tài chính trong nước và gia tăng sức mạnh mềm.”
Ông cho rằng với một quốc gia đang hướng tới mục tiêu thu nhập cao như Việt Nam, IFC có thể giúp chuyển hóa cấu trúc nền kinh tế và trở thành bệ phóng cho tăng trưởng dài hạn.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng cảnh báo sự chậm trễ có thể khiến Việt Nam mất lợi thế trước các đối thủ khu vực như Jakarta, Kuala Lumpur và Bangkok, đặc biệt khi các tiêu chuẩn toàn cầu từ FATF/OECD ngày càng khắt khe.
Mô hình phù hợp
Dù tiềm năng lớn, hành trình xây dựng IFC đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là khung pháp lý. Ông Nguyễn Đức Long, Cục trưởng Cục An toàn các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), chỉ ra rằng khung pháp lý hiện hành, với các quy định chặt chẽ về giao dịch vốn và tự do hóa dòng vốn, là trở ngại lớn.
“Làm sao tạo khung pháp lý để IFC hoạt động hiệu quả nhưng vẫn bảo đảm an toàn kinh tế vĩ mô là bài toán khó,” ông Long chia sẻ.
Theo ông McClellan, một IFC hiện đại đòi hỏi hệ thống pháp lý minh bạch, khả năng luân chuyển vốn linh hoạt, và tuân thủ chuẩn mực quốc tế như IFRS.
Ông cũng chỉ ra các mô hình IFC thành công như Singapore, với cải cách quốc gia và định hướng fintech rõ ràng, hay Dubai, với khu vực pháp lý riêng biệt, đều dựa trên sự rõ ràng và uy tín.
Với Việt Nam, nhà sáng lập RMAC Advisory đề xuất mô hình cải cách kết hợp, không tách biệt hoàn toàn nhưng có khung pháp lý đặc thù, tập trung vào sử dụng ngoại tệ, chuyển lợi nhuận và bảo vệ nhà đầu tư.
Rủi ro lớn nhất, theo ông McClellan, bao gồm thất thoát vốn, áp lực tỷ giá, và phân mảnh quản lý. Theo ông ,Việt Nam nên bắt đầu với cải cách có kiểm soát, sử dụng cơ chế thử nghiệm (sandbox), áp hạn ngạch, và yêu cầu báo cáo chặt chẽ.
“Nhà đầu tư có thể chấp nhận quy định nghiêm ngặt, nhưng họ không chấp nhận sự thiếu rõ ràng", ông McClellan nhấn mạnh.
Động lực tiên phong
Hệ thống ngân hàng được xem là “huyết mạch” của IFC, đóng vai trò vừa tạo nền tảng ổn định vừa thúc đẩy đổi mới.
Bà Trương Thị Thu Ba, Phó giám đốc Ban Định chế tài chính BIDV, cho biết: “IFC sẽ mở ra cơ hội để các ngân hàng Việt Nam thu hút vốn chi phí thấp, chuẩn hóa theo thông lệ quốc tế, và tăng tốc chuyển đổi số.”
NHNN đang nỗ lực tiệm cận chuẩn mực quốc tế, với kế hoạch sửa đổi thông tư về tỷ lệ an toàn vốn theo Basel II nâng cao. Ông McClellan nhấn mạnh vai trò của NHNN: “Ngân hàng Nhà nước sẽ là trụ cột tạo dựng lòng tin của nhà đầu tư vào IFC Việt Nam,” thông qua cải thiện cơ chế luân chuyển vốn, tuân thủ tiêu chuẩn chống rửa tiền, và triển khai chuẩn Basel III.
Thời gian không đứng về phía Việt Nam. Với áp lực từ các tiêu chuẩn toàn cầu của FATF/OECD và nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, các chuyên gia kêu gọi hành động nhanh chóng.
Ông McClellan khuyến nghị hợp tác với Singapore, Anh, và Dubai để học hỏi kinh nghiệm, đồng thời lôi kéo khu vực tư nhân như các quỹ đầu tư mạo hiểm và doanh nghiệp fintech.
“Việt Nam đang ở thời điểm bản lề hiếm có, đòi hỏi hành động quyết liệt và táo bạo. “Đây không phải là sao chép Singapore hay Dubai, mà là thiết kế một IFC phù hợp với thế mạnh của Việt Nam và giành được lòng tin của thế giới", ông McClellan kết luận.
Với tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam kỳ vọng TP. Hồ Chí Minh sẽ thăng hạng trong GFCI, thu hút hơn 10% dòng vốn FDI, và trở thành trung tâm khu vực cho các công ty quản lý tài sản toàn cầu.
Hành trình này không chỉ là câu chuyện kinh tế, mà còn là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế trên bản đồ tài chính toàn cầu.