CIENCO4: Áp lực tài chính gia tăng giữa lúc bị cấm thầu tại Hà Nam
CIENCO4 vừa bị cấm tham gia đấu thầu các dự án sử dụng ngân sách nhà nước tại Hà Nam trong vòng 4 năm. Giữa nhiều tin xấu, tình hình tài chính của doanh nghiệp này cũng đang đối mặt với không ít thách thức.
CIENCO4 bị cấm thầu
Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam mới đây đã ban hành quyết định xử phạt Công ty Cổ phần Tập đoàn CIENCO4 (CIENCO4, mã: C4G) bằng hình thức cấm tham gia hoạt động đấu thầu trong vòng bốn năm. Quyết định này được đưa ra sau khi cơ quan chức năng phát hiện doanh nghiệp đã sử dụng tài liệu không trung thực trong hồ sơ dự thầu.
Hành vi vi phạm được xác định xảy ra trong quá trình tham gia Gói thầu số 11 – Thi công xây lắp 2, thuộc Dự án đầu tư xây dựng hoàn thiện tuyến đường N1 và D1 tại Khu Đại học Nam Cao. Đây là một trong những dự án hạ tầng trọng điểm đang được triển khai trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Hà Nam cấm đấu thầu 4 năm với Tập đoàn Cienco4 do làm giả tài liệu.
Theo đó, UBND tỉnh Hà Nam yêu cầu loại toàn bộ sự tham gia của CIENCO4 ra khỏi các hoạt động đấu thầu đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công do các sở, ban, ngành, cũng như chính quyền các cấp từ xã, phường đến huyện, thị xã và thành phố trong tỉnh quản lý. Quyết định cấm tham gia đấu thầu có hiệu lực trong vòng 4 năm, tính từ thời điểm ban hành.
Trước khi vụ việc bị phát giác, vào ngày 13/3, Ban Quản lý Khu Đại học Nam Cao đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, theo đó trao Gói thầu số 11 cho CIENCO4 với mức giá trúng thầu hơn 433 tỷ đồng. Hợp đồng được thiết kế theo hình thức điều chỉnh đơn giá, với thời gian thực hiện kéo dài 660 ngày.
Trong quá trình đánh giá hồ sơ, có ba nhà thầu nộp dự thầu, nhưng chỉ CIENCO4 được lựa chọn. Hai doanh nghiệp còn lại gồm: Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập, được xếp hạng thứ hai với mức giá 465,7 tỷ đồng và Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Dacinco, xếp hạng thứ ba với giá dự thầu là 490,4 tỷ đồng.
Thậm chí, ngày 20/3, một tuần sau khi công bố kết quả lựa chọn nhà thầu, lễ động thổ gói thầu xây lắp số 11 đã được tổ chức với sự tham gia của đại diện UBND tỉnh Hà Nam và doanh nghiệp CIENCO4. Tuy nhiên, đến ngày 23/4, tức chỉ sau đúng một tháng kể từ khi trúng thầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam – ông Trần Xuân Dưỡng – đã ký ban hành Quyết định số 1020, hủy toàn bộ kết quả lựa chọn nhà thầu đối với CIENCO4, đồng thời chấm dứt vai trò của doanh nghiệp này trong dự án.
Dòng tiền CIENCO4 chịu sức ép, tài sản bị “giam” ở các dự án dở dang
Từng thi công loạt công trình trọng điểm quốc gia, CIENCO4 (C4G) được coi là một trong những “cánh chim đầu đàn” trong ngành xây dựng hạ tầng Việt Nam. Nhưng sau gần một năm chuyển đổi mô hình sang công ty cổ phần, doanh nghiệp đang cho thấy nhiều tín hiệu tài chính đáng lo ngại: lợi nhuận giảm sâu, hàng nghìn tỷ đồng vốn bị giam tại các công trình dở dang, trong khi gánh nặng lãi vay vẫn đè nặng lên kết quả kinh doanh.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2025 cho thấy, doanh thu hợp nhất của C4G đạt 508,6 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lãi gộp chỉ còn 53,4 tỷ đồng, giảm tới 33%. Biên lợi nhuận gộp rơi về khoảng 10,5% – thấp đáng kể so với mức trung bình của các năm trước.
Chi phí tài chính vẫn ở mức cao (36,6 tỷ đồng), trong đó lãi vay chiếm hơn 29 tỷ đồng, tương đương gần 55% lãi gộp – một tỷ lệ rất đáng lo ngại. Lợi nhuận ròng kỳ này chỉ còn 17 tỷ đồng, giảm gần 60% so với quý I/2024.
Trong bối cảnh lãi vay vẫn cao, chi phí tài chính đang “ăn mòn” phần lớn lợi nhuận, việc đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 200 tỷ đồng cho cả năm 2025 có thể là một thách thức lớn nếu không có đột phá về hiệu quả thi công hoặc cải thiện dòng tiền.
Tính đến 31/3/2025, tổng tài sản của C4G đạt hơn 9.414 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Tuy nhiên, cơ cấu tài sản cho thấy một điểm nghẽn lớn: dòng tiền đang bị “kẹt” trong các khoản phải thu và chi phí sản xuất kinh doanh dở dang.
Cụ thể, doanh nghiệp ghi nhận: 928,5 tỷ đồng phải thu ngắn hạn từ khách hàng, giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức cao; 2.065 tỷ đồng cho vay ngắn hạn - đây là con số chiếm hơn 22% tổng tài sản, tạo rủi ro mất vốn hoặc bị chiếm dụng vốn kéo dài; 941,7 tỷ đồng hàng tồn kho, mà tới 924 tỷ đồng là chi phí dở dang, tập trung tại các công trình như Metro Bến Thành – Suối Tiên, cầu Hiếu 2, các khu đô thị Long Sơn, Nguyễn Trường Tộ… Đáng lưu ý, tới 699,3 tỷ đồng nằm ở các công trình không được thuyết minh cụ thể, gây khó khăn trong đánh giá khả năng thu hồi.
Dòng tiền ngắn hạn của doanh nghiệp khá căng thẳng, tiền mặt chỉ còn hơn 220 tỷ đồng (giảm 16,3% so với đầu năm), trong khi tổng nợ vay lên tới 2.834 tỷ đồng. Hệ số thanh toán nhanh ước tính dưới 0,1 – mức rất thấp, thể hiện rủi ro thanh khoản hiện hữu nếu doanh nghiệp không xoay vòng vốn hoặc được thanh toán từ các dự án lớn.
Tính đến thời điểm kết thúc quý I/2025, C4G đang nắm giữ danh mục đầu tư tài chính dài hạn vào 8 công ty liên kết và liên doanh, với tổng giá trị ghi nhận đạt 327,5 tỷ đồng. Con số này giảm nhẹ so với mức 330,9 tỷ đồng được ghi nhận vào đầu năm.
Trong danh mục trên, khoản đầu tư vào các công ty liên kết chiếm 33,97 tỷ đồng. Các khoản đầu tư này chủ yếu được phân bổ vào một số đơn vị nội bộ của tập đoàn, bao gồm: Công ty Cổ phần Tư vấn CIENCO4 (3,04 tỷ đồng), Công ty Xây dựng và Đầu tư 415 (10,3 tỷ đồng), Công ty 412 (10,1 tỷ đồng) và Công ty CIENCO4 Japan Bridge (3,43 tỷ đồng). Tình hình đầu tư vào nhóm công ty liên kết này gần như không thay đổi so với thời điểm đầu năm, cho thấy CIENCO4 đang duy trì sự ổn định trong các mối quan hệ hợp tác chiến lược dài hạn.
Đáng chú ý hơn là danh mục đầu tư vào các công ty liên doanh, hiện đạt tổng giá trị 293,5 tỷ đồng – chiếm phần lớn trong cơ cấu đầu tư tài chính dài hạn của doanh nghiệp. Một số khoản mục đáng kể trong nhóm này bao gồm: Công ty TNHH BOT Cầu Yên Lệnh với giá trị đầu tư 39 tỷ đồng, Công ty TNHH Hải Thành – BOT Quốc lộ 1A CIENCO4 – TCT319 với 94,3 tỷ đồng, và đặc biệt là Công ty TNHH BOT Thái Nguyên – Chợ Mới với mức đầu tư cao nhất lên tới 160,1 tỷ đồng.
So với đầu năm, khoản đầu tư vào BOT Hải Thành ghi nhận mức giảm khoảng 9 tỷ đồng, từ 103,1 tỷ đồng xuống còn 94,3 tỷ đồng. Diễn biến này nhiều khả năng đến từ hoạt động phân chia lợi nhuận giữa các bên góp vốn hoặc sự điều chỉnh trong cơ cấu vốn đầu tư.
Dữ liệu cho thấy, giai đoạn 2015–2021, doanh thu thuần của CIENCO4 liên tục suy giảm, từ hơn 6.100 tỷ xuống dưới 1.900 tỷ đồng (giảm gần 70% trong 6 năm).

Tình hình làm ăn của C4G (tỷ đồng). Ảnh: O.L
Giai đoạn này, lợi nhuận sau thuế biến động mạnh, nhưng không bền vững. Điển hình là năm 2016 dù doanh thu giảm vẫn đạt LNST 170,8 tỷ – cho thấy hiệu quả hoạt động tốt. Tuy nhiên, các năm sau đó, lợi nhuận lại lao dốc cùng doanh thu.
Từ 2022 đến 2024, C4G có dấu hiệu phục hồi doanh thu và gia tăng lợi nhuận, đặc biệt năm 2024 ghi nhận LNST gần 179 tỷ đồng – mức cao nhất trong 10 năm qua.
Tuy nhiên, hiệu suất sinh lời vẫn chưa ổn định. Nếu so tỷ suất lợi nhuận ròng (LNST/Doanh thu). Năm 2016 đạt đỉnh: ~3,4%. Năm 2024 là ~5,5% – cải thiện nhưng vẫn chưa vượt trội nếu so với rủi ro ngành xây dựng và tỷ suất lãi vay đang cao.
Năm 2025, C4G đặt mục tieu doanh thu dự kiến 4.000 tỷ đồng, thấp hơn một chút so với kế hoạch năm 2024 (4.500 tỷ đồng), trong khi lợi nhuận sau thuế cũng được dự báo chỉ đạt 200 tỷ đồng.
Với việc bị cấm thầu tại Hà Nam – một địa bàn năng động về đầu tư hạ tầng – CIENCO4 đã mất đi không chỉ là cơ hội doanh thu trên 400 tỷ đồng, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín trên thị trường xây lắp.
Trong bối cảnh nợ vay cao, khả năng sinh lời bị bào mòn, chi phí lãi vay ăn mòn lãi gộp, CIENCO4 sẽ gặp nhiều khó khăn để đạt chỉ tiêu 200 tỷ lãi ròng trong năm 2025.