Lập phương án đưa cán bộ từ Kon Tum đi làm tại Quảng Ngãi sau sáp nhập

Để bảo đảm điều kiện làm việc và sinh hoạt được thuận lợi, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã xây dựng dự thảo phương án bố trí phương tiện đưa, đón và nơi ở cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của tỉnh Kon Tum.

Cụ thể, các đồng chí thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý sẽ sử dụng xe công vụ đưa, đón theo tiêu chuẩn chức danh được sử dụng xe công vụ. Đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động còn lại, tỉnh sẽ thuê phương tiện để đưa đón theo lịch cố định hằng tuần.

Tuyến đường chính dự kiến là Quốc lộ 24 đưa đón cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tỉnh Kon Tum

Tuyến đường chính dự kiến là Quốc lộ 24 đưa đón cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tỉnh Kon Tum

Trong đó, xe xuất phát từ Kon Tum vào chiều Chủ nhật (lúc 14 giờ và 16 giờ), chuyến về từ Quảng Ngãi khởi hành vào chiều thứ Sáu (17 giờ 30 phút) và sáng thứ Bảy (8 giờ). Ngoài ra, từ thứ Hai đến thứ Sáu, tỉnh sẽ bố trí 4 chuyến xe hoạt động theo các khung giờ cố định để phục vụ nhu cầu đi lại đột xuất của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Về địa điểm đưa, đón, tại Kon Tum tập trung ở Bến xe Kon Tum, Trung tâm Hành chính tỉnh và một số địa điểm khác do tỉnh đề xuất. Tại tỉnh Quảng Ngãi, tập trung tại nơi bố trí nhà công vụ theo sắp xếp của UBND tỉnh và Trung tâm Quản lý điều hành xe buýt của Công ty TNHH Mai Linh Quảng Ngãi.

Tuyến đường chính dự kiến là Quốc lộ 24. Trong trường hợp thời tiết xấu, ùn tắc hoặc sự cố bất khả kháng, các tuyến đường thay thế gồm đường Trường Sơn Đông, đường ĐT 623, Quốc lộ 24B.

Phương án đưa, đón được xây dựng nhằm bảo đảm an toàn, tiết kiệm thời gian, đồng thời thể hiện sự quan tâm của chính quyền địa phương đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sau sáp nhập. Bởi, với địa hình đồi núi, điều kiện giao thông chưa thật sự thuận lợi, nếu không có phương tiện phù hợp, việc đi lại sẽ gặp nhiều khó khăn.

Do đó, việc tổ chức xe đưa, đón tập trung giúp cán bộ, công chức, viên chức và người lao động chủ động trong việc di chuyển, hạn chế rủi ro tai nạn giao thông và tạo sự yên tâm trong công tác.

Hiện nay, phương án đang được lấy ý kiến góp ý của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tỉnh Kon Tum.

Song song với việc xây dựng phương án đưa, đón, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát cơ sở vật chất hiện có để bố trí nơi ở cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động từ Kon Tum khi đến làm việc tại Quảng Ngãi.

Quảng Ngãi rà soát cơ sở vật chất hiện có để bố trí nơi ở cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động từ Kon Tum khi đến làm việc tại Quảng Ngãi

Quảng Ngãi rà soát cơ sở vật chất hiện có để bố trí nơi ở cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động từ Kon Tum khi đến làm việc tại Quảng Ngãi

Thực hiện chủ trương về sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC), UBND tỉnh Quảng Ngãi đã phối hợp với UBND tỉnh Kon Tum xây dựng Đề án sắp xếp ĐVHC năm 2025 trình Chính phủ phê duyệt.

Theo đó, sau sắp xếp, tỉnh Quảng Ngãi (mới) có 96 ĐVHC cấp xã gồm 9 phường, 86 xã và 1 đặc khu. Bên cạnh đó, ngày 28.4.2025, HĐND tỉnh Quảng Ngãi ban hành Nghị quyết số 28/NQ-HĐND về việc tán thành chủ trương hợp nhất tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Ngãi, tên gọi là tỉnh Quảng Ngãi.

Tỉnh Quảng Ngãi (mới) có diện tích tự nhiên hơn 14,8 nghìn km2, dân số 2,16 triệu người. Trung tâm chính trị - hành chính đặt tại TP.Quảng Ngãi hiện nay.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân cho biết, việc chăm lo đời sống, nơi ăn chốn ở của cán bộ công chức khi hợp nhất hai tỉnh là vấn đề hiện nay được tỉnh rất quan tâm.

“Ban Thường vụ Quảng Ngãi tiếp thu toàn bộ góp ý của Ban Thường vụ Kon Tum. Trong đó sẽ tính toán thành lập cơ sở 2 ở TP Kon Tum hiện nay bởi đúng là địa hình của chúng ta rất khó khăn trong đi lại”, bà Vân nói.

Đồng thời, bà Vân cho biết Ban Thường vụ 2 tỉnh sẽ tính toán kỹ việc cán bộ nào ở lại cơ sở 2 làm việc. Đảm bảo thủ tục nhanh chóng, bộ máy gần dân, sát dân và liên thông giải quyết công việc bằng hạ tầng số.

Việc tổ chức phương án bố trí đưa, đón, nơi ở cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của tỉnh Kon Tum sau khi sáp nhập thể hiện sự chủ động, trách nhiệm và sự quan tâm sâu sắc của chính quyền địa phương.

Qua đó góp phần ổn định tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ và thúc đẩy sự gắn kết trong đội ngũ cán bộ sau sáp nhập tỉnh.

NHƯ ĐỒNG

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/doi-song/lap-phuong-an-dua-can-bo-tu-kon-tum-di-lam-tai-quang-ngai-sau-sap-nhap-134039.html