Cine một thời...

Những ngày ấy đã rất lâu rồi, rạp cine Tân Quang của Nha Trang quê tôi (sau là Siêu thị Maximark và nay là một khách sạn, nhà hàng 10 tầng cao ngất) tọa lạc ngay góc đường Yersin và Lý Thánh Tôn, nơi trung tâm thành phố. Mỗi khi đi ngang qua nơi này, lòng tôi luôn nhớ đến những kỷ niệm vui nơi đây.

Lúc ấy, rạp cine này mỗi đêm thường hay có các đoàn hát cải lương nổi tiếng về hát phục vụ người dân Nha Trang nên nơi đây đêm nào cũng đông đúc và rực rỡ với những chiếc đèn treo sáng trưng, rạp cũng tương đối rộng, sức chứa hàng trăm người. Các đoàn cải lương nổi tiếng ngày ấy đến diễn thường là Kim Chung 5, Minh Cảnh, đoàn kịch nói Kim Cương… Các nghệ sĩ nổi tiếng thời ấy rất nhiều, như: Minh Vương, Minh Phụng, Lệ Thủy, Minh Cảnh, Ngọc Giàu, Bạch Tuyết, Văn Chung, Thanh Nga, Thanh Tú, Bảo Quốc..., người dân quê tôi vô cùng ái mộ. Mẹ tôi cũng vậy, mẹ rất mê cải lương, không tuồng nào về diễn mà mẹ bỏ sót không xem. Bởi lao động vất vả suốt ngày, lo cơm nước, dạy dỗ 7 chị em tôi, thú vui của mẹ hầu như chỉ là được thỏa thuê xem hát cải lương.

Rạp Tân Quang của Nha Trang.

Rạp Tân Quang của Nha Trang.

Ngày ấy, xóm tôi là một xóm lao động nghèo, ban ngày khổ cực mưu sinh, đêm về tụ tập cùng nhau rất thuận hòa, vui vẻ. Phần lớn cô bác và cả lũ trẻ chúng tôi đều yêu thích cải lương, nói đến tên các nghệ sĩ là kể vanh vách. Cứ hễ nghe loa thông báo có tuồng hát mới về (thường có xe loa đi dọc thành phố và phát tờ rơi) là cả xóm đêm ấy vui như trẩy hội, nhà nào cũng lo về nấu cơm ăn sớm, mặc đồ đẹp rủ nhau đi xem cải lương ở rạp Tân Quang… 20 giờ 30 phút vở diễn mới mở màn nhưng mới 18 giờ, những con đường dẫn đến rạp đã tấp nập người và xe, chủ yếu là đi bộ, xe xích lô, xe đạp, còn xe máy và ô tô hồi ấy hiếm hoi. Dòng người tụ tập càng lúc càng đông trước rạp, các chị bán trái cây, kẹo đậu, singum, chè, nước mía và các nhà cận bên giữ xe đều ăn nên làm ra nhờ rạp. Tôi cũng thường đi ké chung với mẹ để xem, hai mẹ con đi cùng mấy bác hàng xóm, vừa đi suốt đoạn đường vừa bàn tán rất vui và thân thiện, tình làng nghĩa xóm càng gắn bó.

Hồi ấy, rạp Tân Quang có đoàn cải lương hay về diễn (có nghệ sĩ Minh Phụng, Kim Cương, Lệ Thủy, Văn Chung) là hầu như cháy vé, cái cổng rạp mở bé xíu cho lọt mỗi một người vào mà soát vé cũng chật vật vì quá đông. Trong rạp, ở sảnh bên ngoài thường treo các khung ảnh nghệ sĩ nổi tiếng rất đẹp, ai đến sớm thì tha hồ xem ảnh thần tượng. Đám trẻ con chúng tôi có đêm không đủ tiền mua vé cứ hau háu chờ đến cuối vở diễn, tranh thủ bác soát vé thả cửa cho vào xem khúc cuối cũng đỡ ghiền, vui ơi là vui.

Sau mấy giờ xem cải lương, lúc ra về khoảng 23 giờ khuya, các con đường lại nhộn nhịp dòng người ra về nói cười cả đêm, bàn tán xôn xao về nội dung vở diễn đã xem. Niềm vui của mẹ tôi cũng ngập tràn, mọi cực nhọc như đều tan biến, lấy lại năng lượng làm việc cho công việc của ngày mai.

Bây giờ, tất cả hầu như đã thay đổi để hòa nhập vào cuộc sống mới, trong thời buổi tràn ngập các loại hình, phương tiện giải trí, mạng xã hội..., cải lương không còn huy hoàng như xưa, không còn cảnh từng đoàn người đi xem cine như hội. Khoảng cách giữa hàng xóm láng giềng như cách xa nhau dần, các con đường tấp nập, nhộn nhịp mỗi khi có phim ảnh hay kịch nói, cải lương nay chỉ còn trong ký ức. Vậy nhưng, mỗi khi đi qua khúc cua trước rạp Tân Quang ngày xưa ấy, lòng tôi không khỏi bồi hồi nhớ mãi những tháng ngày đã qua, nhớ thật nhiều nơi đây đã từng mang đến niềm vui trong cuộc sống của người mẹ thân yêu của tôi!

ĐINH THỊ CẨM NHUNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/nhung-vung-ky-uc/202408/cine-mot-thoi-4da1ad6/