Circle K 'ngắm nghía' 7-Eleven: 'Đốm lửa' cho các thương vụ M&A xuyên biên giới

Phi vụ mua lại giữa chuỗi cửa hàng tiện lợi Circle K và 7-Eleven được kỳ vọng kích hoạt làn sóng M&A xuyên biên giới bùng nổ trong năm 2024.

Thông tin Seven & I Holdings (Nhật Bản), đơn vị điều hành chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven đình đám nhận được lời đề nghị mua lại từ Alimentation Couche-Tard (trụ sở tại Canada) - chủ thương hiệu Circle K đang thu hút sự quan tâm của giới quan sát.

Được biết, sau hơn một năm nỗ lực đàm phán giữa hai bên, Alimentation Couche-Tard đã gửi "đề xuất thân thiện, không ràng buộc" tới công ty mẹ của 7-Eleven, nhằm tìm kiếm "một thỏa thuận có lợi cho khách hàng, nhân viên, nhà nhượng quyền và cổ đông của cả hai công ty".

Phi vụ mua lại giữa chuỗi cửa hàng tiện lợi Circle K và 7-Eleven được kỳ vọng kích hoạt làn sóng M&A xuyên biên giới bùng nổ trong năm 2024 (Ảnh minh họa)

Phi vụ mua lại giữa chuỗi cửa hàng tiện lợi Circle K và 7-Eleven được kỳ vọng kích hoạt làn sóng M&A xuyên biên giới bùng nổ trong năm 2024 (Ảnh minh họa)

Với giá trị ước tính lên đến 38 tỷ USD (hơn 5.600 tỷ yên), thương vụ này được xem là một trong những giao dịch lớn nhất ngành bán lẻ trong năm nay. Đây cũng được xem là nỗ lực thâu tóm của một doanh nghiệp nước ngoài nhắm vào một công ty Nhật Bản. Giới quan sát cho rằng, nếu Alimentation Couche-Tard thành công sẽ kích hoạt làn sóng M&A xuyên biên giới nói chung và trên đất nước mặt trời mọc này nói riêng.

Về phía Seven & I Holdings (Nhật Bản), công ty này cũng cho biết, họ đã thành lập một ủy ban đặc biệt gồm các thành viên hội đồng quản trị không điều hành để xem xét đề xuất từ Alimentation Couche-Tard. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, cả hội đồng quản trị và ủy ban đặc biệt đều chưa đưa ra quyết định cuối cùng.

Sau khi thông tin trên được xác nhận đã đẩy cổ phiếu Seven & I Holdings tăng cao trong tuần này, trong khi Alimentation Couche-Tard chỉ đứng yên không có sự dịch chuyển đáng chú ý.

Trong hơn một thập kỷ qua, Alimentation Couche-Tard đã thực hiện nhiều thương vụ khác nhau, nhưng đối với lần thâu tóm doanh nghiệp Nhật Bản này được đánh giá là một trong những thương vụ lớn nhất mà ông lớn này thực hiện. Được biết, Alimentation Couche-Tard đã từng thất bại trước Seven & I trong phi vụ mua lại chuỗi trạm xăng Speedway của Hoa Kỳ vào năm 2020.

Nếu thương vụ trên thành công, nó sẽ tạo ra một “gã khổng lồ” mới trong ngành bán lẻ, sở hữu mạng lưới cửa hàng tiện lợi trải dài trên khắp Bắc Mỹ và châu Á. Đưa Couche-Tard mở rộng hơn gấp đôi quy mô ở Mỹ và Canada so với hiện tại, chiếm 12,3% thị trường cửa hàng tiện lợi của Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, việc sở hữu một thương hiệu có uy tín như 7-Eleven sẽ giúp Circle K tăng cường vị thế trên thị trường và thu hút thêm nhiều nhà đầu tư, mở rộng đáng kể thị phần toàn cầu giúp thâm nhập sâu hơn vào thị trường châu Á đầy tiềm năng.

Tuy nhiên, việc thương vụ trên có thể về đích được hay không vẫn đang là một dấu hỏi lớn. Alimentation Couche-Tard chắc chắn sẽ nhận được sự “quan tâm đặc biệt” từ phía Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ - cơ quan quản lý chống độc quyền cho hành động mua lại lần này của mình. Các cơ quan này sẽ phải xem xét kỹ lưỡng liệu thương vụ có làm giảm sự cạnh tranh trên thị trường hay không, và liệu có cần thiết phải đặt ra các điều kiện nhất định để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng hay không.

Couche-Tard có thể sẽ gặp phải vấn đề khó khăn trong việc đàm phán với công ty mẹ của 7-Eleven khi gia đình của nhà sáng lập Masatoshi Ito hiện vẫn sở hữu 8,1% cổ phần (tương đương khoảng 3,1 tỷ USD) trong Seven & I Holdings.

7-Eleven được biết đến như một biểu tượng của ngành bán lẻ cửa hàng tiện lợi Nhật Bản hoạt động từ năm 1974 dưới sự dẫn dắt của "ông trùm bán lẻ" Masatoshi Ito. Từ một cửa hàng nhỏ, 7-Eleven đã vươn mình trở thành một đế chế toàn cầu với hơn 85.000 cửa hàng tại 20 quốc gia. Trong đó có hơn 13.000 cửa hàng tại Bắc Mỹ

Song song đó, Circle K, thuộc sở hữu của Alimentation Couche-Tard, cũng là một tên tuổi lớn trong lĩnh vực này, với khoảng 17.000 cửa hàng trải dài trên 30 quốc gia. Công ty này hiện niêm yết trên sàn chứng khoán Toronto với vốn hóa 80 tỷ đô-la Canada (58,2 tỷ USD).

Cả hai thương hiệu đều có chung một mục tiêu: Trở thành nhà cung cấp hàng đầu về các sản phẩm và dịch vụ tiện lợi, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng trên toàn thế giới. Việc Alimentation Couche-Tard đưa ra lời đề nghị mua lại Seven & I Holdings đã cho thấy tham vọng to lớn của công ty này trong công cuộc xây dựng một đế chế bán lẻ toàn cầu với mảng kinh doanh cốt lõi là cửa hàng tiện lợi, vượt qua cả những đối thủ cạnh tranh lớn nhất.

Minh Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/circle-k-ngam-nghia-7-eleven-dom-lua-cho-cac-thuong-vu-ma-xuyen-bien-gioi-341042.html