Đều đặn 6 giờ sáng mỗi ngày, bà Nguyễn Thị Xuân Trường (75 tuổi, phường Cẩm Trung, TP Cẩm Phả) cùng hơn 60 chị em khác lại có mặt tại sân Trung tâm Văn hóa Thể thao TP Cẩm Phả, bắt đầu buổi tập của bộ môn thể dục dưỡng sinh – 1 trong 12 bộ môn của CLB hưu trí Bái Tử Long.
CLB hưu trí Bái Tử Long là nơi sinh hoạt của những người hưu trí, mất sức lao động ở “thủ phủ vùng than”, do đó phần nhiều thành viên là những người từng công tác trong các đơn vị ngành than. CLB thành lập từ năm 1984, trực thuộc UBND TX Cẩm Phả (nay là TP Cẩm Phả).
Bộ môn thể dục dưỡng sinh có đặc thù gồm toàn nữ. Người ít tuổi nhất cũng gần 70, cao nhất hơn 90 tuổi nhưng luôn tập luyện rất chăm chỉ, say sưa. Từ bài khởi động sang bài quyền, gậy, võ quạt, múa kiếm, song khuyên uyển chuyển, nhịp nhàng… Từ sự hướng dẫn của các HLV chuyên nghiệp, các bà tự luyện tập, hướng dẫn nhau cùng thuần thục từng động tác.
“Về hưu rồi mà mình không hoạt động gì ở nhà cũng buồn, sức khỏe lại yếu đi nên khi thấy tổ chức bộ môn dưỡng sinh năm 1999, tôi xin tham gia luôn. Từ chỗ có 10 người, thấy chị em chúng tôi tập trẻ khỏe ra, ít ốm đau nên nhiều người cũng tham gia theo”, bà Trường vui vẻ kể lại.
Bà Phạm Thị Nhạn, 77 tuổi, Trưởng bộ môn Thể dục dưỡng sinh cho biết, chính những người tham gia tại đây lại trở thành HLV, đi xây dựng phong trào tại các phường xã của TP Cẩm Phả, sang cả các huyện thị bạn, quy mô tới hàng nghìn người. Ngoài các cuộc giao lưu thì mỗi năm đều tổ chức hội thi đều đặn vào tháng 6, để các phường xã cùng tranh tài với mục tiêu chung là nâng cao sức khỏe và đời sống tinh thần cho những người hưu trí, cao tuổi. “Vừa rồi chúng tôi mới có màn đồng diễn 200 người ở quảng trường nhân ngày Đại đoàn kết dân tộc, trước nữa thì diễn khai mạc Hội thao”, bà Nhạn tự hào.
Tới 7 giờ, thời gian tập dưỡng sinh kết thúc, các bà lại chuyển sang tập văn nghệ. Các tiết mục đa dạng sắc màu đang được dàn dựng nhuần nhuyễn để phục vụ cho các chương trình nhân ngày 22/12 sắp tới. Các hoạt động văn nghệ của CLB Bái Tử Long rất đa dạng, đặc biệt có bộ môn ca nhạc dân tộc tập luyện ngày 17 AL hàng tháng, từ hát chèo, hát then, hát soọng cô… với các nhạc cụ truyền thống độc đáo.
Rộn ràng hơn cả là 7 bộ môn thể thao, bao gồm bóng chuyền hơi, cầu lông, bóng bàn, bi-a, cờ vua, cờ tướng. Các bộ môn đều có trưởng bộ môn, tổ chức tập luyện và thi đấu ngay tại Nhà Văn hóa - Thể thao Người cao tuổi có diện tích khoảng 500m2, mở cửa từ 6-19 giờ hàng ngày. Mỗi ngày có khoảng 250 lượt người tới đây sinh hoạt nên các môn đều phải chia lịch, chia sân để hoạt động.
Ông Nguyễn Xuân Quang (phường Cẩm Thành) năm nay đã 91 tuổi nhưng không ngày nào không đạp xe tới đây đánh bóng bàn. Từng cú giao bóng, vụt bóng của ông vẫn vô cùng chuẩn xác và hiểm hóc. Ông bảo, bóng bàn chính là một trong những bí quyết của mình để giữ gìn sức khỏe và ý chí tinh thần tốt đẹp. Gần 40 năm qua, CLB là “mái nhà” để mọi người “bớt tiền thuốc, tăng sức khỏe”, cùng sinh hoạt và chia sẻ với nhau những tình cảm đầm ấm, vui vẻ.
“Lợi thế của CLB đó là sự quan tâm của thành phố, sự hỗ trợ rất lớn về kinh phí hoạt động, cơ sở vật chất”, ông Nguyễn Văn Tơn, Phó Chủ nhiệm CLB Bái Tử Long cho biết. Qua những năm đầu hoạt động khó khăn, từ năm 2016, khi Nhà Văn hóa - Thể thao Người cao tuổi hoàn thành, các hoạt động của CLB ngày một được quan tâm, các phong trào ngày càng mạnh và trở thành nền nếp. Hiện tại, CLB có khoảng 11.000 tham gia tập luyện thường xuyên, bao gồm cả hệ thống CLB hưu trí tuổi cao tại 13 phường trên địa bàn.
“Hát lên cho vui, tập đều cho khỏe” là phương châm của mỗi thành viên nên các buổi tập luyện đều đầy ắp tiếng cười. “Hội tụ văn hóa thợ mỏ, lan tỏa tình người vùng than”, mỗi người đều mang tới đây những năng khiếu của mình để tạo nên các phong trào sôi nổi. Mỗi năm, các cụ tích cực hoạt động đều có cho mình danh hiệu “Tuổi vàng hữu ích”, các cặp vợ chồng nhận danh hiệu “Song thọ hạnh phúc”.
Hàng năm CLB đều triển khai 10-12 chương trình sinh hoạt và thi đấu TDTT, thơ ca. Như năm 2023 đã tổ chức 3 giải thể dục dưỡng sinh, bóng chuyền, bóng bàn với sự tham gia của hàng nghìn người từ các huyện thị thành phố trong tỉnh Quảng Ninh, cả các CLB từ tỉnh ngoài. Các ông bà đều tự hào “không thua kém ai” khi từng nhiều lần giải nhất Tiếng hát người cao tuổi toàn tỉnh Quảng Ninh; thi bóng bàn, cầu lông toàn quốc đều có giải nhất, giải nhì…
Đặc biệt nhất phải kể đến Phong trào hiến kế xây dựng quê hương Cẩm Phả. Ban Chủ nhiệm phổ biến xuống các hội viên, kêu gọi đóng góp các ý đề xuất các giải pháp phát triển KT-XH, phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương, xây dựng hệ thống chính trị, quan tâm chăm lo sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa, công tác chỉnh trang độ thị, xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự… Từ năm 2009 đến nay có hơn 1.300 lượt người tham gia hiến kế, được lãnh đạo TP Cẩm Phả ghi nhận và gửi thư cảm ơn.
Những người đã gắn bó với CLB hưu trí Bái Tử Long đều vui mừng vì hoạt động “tuổi cao, gương sáng” của mình có sức lan tỏa lớn, qua đó tạo thành những phong trào văn hóa trong khu dân cư, để các thế hệ trẻ noi theo. Đó là những sự ghi nhận tuyệt vời nhất, bên cạnh những bằng khen, giấy khen, hay Huân chương Lao động Hạng Ba mà Chủ tịch nước trao tặng năm 1998 cho CLB.
Ông Nguyễn Văn Nhân, Chủ nhiệm CLB hưu trí Bái Tử Long cho biết, CLB sẽ tiếp tục duy trì và mở rộng các hoạt động ý nghĩa, như mời các nhà thơ, những người công tác trong ngành TDTT để hướng dẫn, nâng cao chất lượng sinh hoạt, chăm lo hơn nữa cho đời sống tinh thần cho các thành viên. “Để họ, những người đã trải qua thời gian cống hiến cho quê hương, nay tiếp tục được quan tâm, được đóng góp tâm huyết trí tuệ của mình để xây dựng Cẩm Phả ngày càng giàu đẹp, văn minh”.
Trường Giang/VOV Đông Bắc