CMSC: Hồi sinh 'bứt tốc' các đại dự án thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Trong hơn 6 năm qua, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) và 19 tập đoàn, tổng công ty đã tập trung quyết liệt xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương để có những bước chuyển mình, bứt phá mạnh mẽ...

Trước yêu cầu cấp bách phát triển sản xuất, chống lãng phí, trong đó phải "hồi sinh" các đại dự án từng bị đình đốn, "đắp chiếu" ngành Công Thương; đồng thời "bứt tốc" phát triển các tập đoàn kinh tế lớn của đất nước... những năm qua, 19 tập đoàn, tổng công ty do CMSC làm đại diện chủ sở hữu đã có những bước chuyển mình, bứt phá mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào nền kinh tế đất nước.

Với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, DN chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công Thương, CMSC đã triển khai thực hiện 11/12 dự án. Hiện nay toàn bộ 11/11 dự án, doanh nghiệp được giao Ủy ban trực tiếp xử lý đã được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương để thực hiện (riêng dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam do Bộ Công Thương xử lý).

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Tổng kết công tác đầu tư xây dựng Dự án đường dây 500kV mạch 3

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Tổng kết công tác đầu tư xây dựng Dự án đường dây 500kV mạch 3

Bên cạnh đó, một loạt các dự án lớn khác lâm vào bế tắc, đình trệ cũng đã được CMSC với vai trò được giao chủ động phối hợp với các Bộ, ngành báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc…, thúc đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành đưa vào vận hành, khai thác hoặc khởi công.

Đơn cử như Dự án Nhà máy Nhiệt Điện Thái Bình 2; dự án Nhà máy điện Ô Môn IV; dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không Quốc tế (HKQT) Long Thành giai đoạn 1- Dự án thành phần 3; dự án Nhà ga hành khách T3 Cảng HKQT Tân Sơn Nhất; dự án mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên; dự án mở rộng Nhà ga T2 Cảng HKQT Nội Bài; dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành... sau 6 năm, các dự án này đã có bước chuyển mình, bứt phá, phát triển theo hướng mới.

Bên cạnh đó, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và CMSC, 19 tập đoàn, tổng công ty đã tập trung nguồn lực vào việc cơ cấu lại ngành, lĩnh vực kinh doanh chính; đẩy mạnh thoái vốn đầu tư ngoài ngành, cơ cấu lại các đơn vị thành viên, sản phẩm, thị trường, kế hoạch đầu tư, nguồn nhân lực; tăng cường đổi mới, hiện đại hóa quản trị doanh nghiệp; kiện toàn bộ máy quản lý, kiểm soát, kiểm toán nội bộ... từng bước tháo gỡ khó khăn, làm ăn có lãi.

Đường dây 500kV mạch 3 đã khánh thành và đưa vào hoạt động sau hơn 6 tháng thi công

Đường dây 500kV mạch 3 đã khánh thành và đưa vào hoạt động sau hơn 6 tháng thi công

Riêng trong năm 2024, giá trị thực hiện đầu tư hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty do CMSC làm đại diện chủ sở hữu ước đạt 160.000 tỷ đồng, bằng 130% so với cùng kỳ năm 2023. CMSC đã chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty thi công và hoàn thành một số dự án trọng điểm của quốc gia, tiêu biểu như dự án Đường dây tải điện 500kV mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình) - Phố Nối (Hưng Yên) với tổng mức đầu tư hơn 22.300 tỷ đồng.

CMSC cũng đã tích cực chỉ đạo Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) tranh thủ thời tiết thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành. Đến nay, các đoạn cao tốc đầu tiên của dự án đã cơ bản hoàn thành, đủ điều kiện đưa vào khai thác.

Cùng với đó, dự án xây dựng Nhà ga hành khách T3 - Cảng HKQT Tân Sơn Nhất có quy mô 20 triệu hành khách/năm với tổng mức đầu tư 10.873 tỷ đồng cũng được thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả nhằm đẩy mạnh hoàn thành vượt tiến độ thi công 2 tháng, đưa vào khai thác đúng dịp chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)...

Nhiều hạng mục của sân bay Long Thành đang vượt tiến độ

Nhiều hạng mục của sân bay Long Thành đang vượt tiến độ

Năm 2024, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, nỗ lực của Ủy ban, các tập đoàn, tổng công ty đạt nhiều kết quả tích cực, từng bước khẳng định thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế. Điển hình là, Tổng Công ty Cà phê Việt Nam (VINACAFE) đã xây dựng và đăng ký sở hữu thành công bộ nhận diện sản phẩm mới Vietnam Coffee, cùng một loạt sản phẩm cà phê qua chế biến sâu như cà phê hòa tan, cà phê rang xay... thay vì trồng, thu mua, xuất khẩu và bán tại thị trường nội địa cà phê nhân xanh như trước đây.

Tổng kết năm 2024, tình hình tài chính hợp nhất của các tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và 19 tập đoàn, tổng công ty (CMSC) làm đại diện chủ sở hữu với doanh thu ước đạt 2.030.572 tỷ đồng (bằng 120% kế hoạch năm và bằng 107% so với cùng kỳ). Lợi nhuận trước thuế ước đạt 111.692 tỷ đồng (bằng 158% kế hoạch năm và bằng 156% so với cùng kỳ). Giá trị nộp Ngân sách Nhà nước ước đạt 206.206 tỷ đồng (bằng 153% kế hoạch năm và bằng 105% so với cùng kỳ). Những con số là minh chứng rõ ràng nhất cho sự tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận của các tập đoàn, tổng công ty.

PV/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/cmsc-hoi-sinh-but-toc-cac-dai-du-an-thuc-day-tang-truong-kinh-te-post1144809.vov