CNN: Mỹ buộc loạt máy bay dừng cất cánh vì sợ tên lửa Triều Tiên bắn trúng
Các quan chức quân sự và hàng không Mỹ tin rằng vụ phóng tên lửa của Triều Tiên có thể đe dọa lãnh thổ nước này, nên đã quyết định tạm dừng hàng loạt chuyến bay trong khoảng 15 phút.
Vào lúc 7h30’ sáng 11/1 (giờ địa phương), Triều Tiên tiến hành phóng thử một tên lửa siêu thanh từ tỉnh Jagang (giáp Trung Quốc) về phía Đông nước này.
Ngay sau khi tên lửa Triều Tiên rời bệ phóng, các cơ quan quân sự và hàng không Mỹ gồm Cục Hàng không Liên bang (FAA), Bộ Tư lệnh phương Bắc và Bộ Tư lệnh Phòng không Bắc Mỹ (NORAD) đã kích hoạt chế độ ứng phó khẩn cấp để xác định liệu tên lửa Triều Tiên có thể chạm tới lãnh thổ Mỹ hay không.
Dữ liệu ban đầu cho thấy tên lửa có thể tấn công Quần đảo Aleutian ngoài khơi Alaska hoặc bờ biển California, 2 nguồn thạo tin cho biết.
Không lâu sau đó, Lầu Năm Góc nhanh chóng nhận ra rằng tên lửa này không gây ra mối đe dọa trực tiếp cho lãnh thổ Mỹ. Nhưng FAA vẫn yêu cầu một số chuyến bay ở các sân bay Bờ Tây dừng cất cánh trong khoảng 15 phút và nhiều máy bay khác phải chuyển hướng để đề phòng.
Lúc này, các kiểm soát viên không lưu lúng túng khi được yêu cầu giải thích cho phi công về nguyên nhân dẫn đến mệnh lệnh bất thường. Một số kiểm soát viên thậm chí còn nhầm lẫn rằng đây là tình huống tạm dừng bay toàn quốc, điều chưa từng xảy ra kể từ sau vụ khủng bố 11/9.
Trên thực tế, tên lửa Triều Tiên bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 1.000km, và đạt tốc độ tối đa Mach 10, theo nhận định của các chuyên gia quân sự Hàn Quốc. Vị trí rơi của tên lửa nằm trên vùng biển giữa Trung Quốc và Nhật Bản, cách biên giới Mỹ hàng nghìn dặm.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho biết việc tạm dừng các chuyến bay là một phần trong “quy trình phối hợp và liên lạc” giữa các quan chức quốc phòng và hàng không Mỹ.
Tuy nhiên, một nghị sĩ Mỹ giấu tên nhận định động thái này cho thấy các quan chức Lầu Năm Góc không tự tin về khả năng của mình.
Theo Jeffrey Lewis, một chuyên gia vũ khí và là giáo sư tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury, không có gì lạ khi các hệ thống radar hoặc vệ tinh hồng ngoại gặp khó khăn trong việc xác định quỹ đạo của tên lửa ngay sau khi phóng.
Đây là vụ thử thứ 2 của Triều Tiên từ đầu năm đến nay. Trước đó, Triều Tiên từng phóng thử một tên lửa siêu thanh vào ngày 5/1.
Để “dằn mặt” Triều Tiên sau các vụ phóng tên lửa liên tiếp, ngày 12/1 chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ban hành biện pháp trừng phạt mới nhằm vào 6 cá nhân người Triều Tiên, 1 người Nga và 1 công ty Nga mà Washington cho là đã tham gia mua hàng từ Nga và Trung Quốc để phục vụ chương trình vũ khí của Triều Tiên.
Sáng 14/1, Triều Tiên công khai cảnh báo Mỹ về việc Washington áp đặt lệnh trừng phạt mới lên Bình Nhưỡng. “Nếu Mỹ duy trì lập trường đối đầu như vậy, Bình Nhưỡng sẽ buộc phải có phản ứng mạnh mẽ hơn”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết.
Trưa cùng ngày, Hàn Quốc cho biết Triều Tiên vừa tiếp tục phóng 2 vật thể nghi là tên lửa đạn đạo về phía Đông nước này.