CNN: Mỹ đang chuẩn bị phương án đối phó trường hợp Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Ukraine
Giữa lúc mối lo ngại về việc Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân gia tăng, Mỹ được cho là đang cân nhắc các kịch bản ứng phó, nhất là trường hợp Moscow sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Ukraine.
Lo ngại Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ leo thang cuộc xung đột tại Ukraine, Mỹ đang cân nhắc cách thức đối phó các kịch bản có thể xảy ra, bao gồm trường hợp Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật, đài CNN ngày 3-10 dẫn một số nguồn tin tình báo Mỹ cho hay.
Ngay từ đầu cuộc xung đột Nga-Ukraine, Washington đã phát triển các kế hoạch dự phòng nhằm đáp trả các hành động quân sự của Nga, bao gồm khả năng Moscow có thể leo thang cuộc chiến qua một bước gọi là “sự phô trương hạt nhân” như tấn công vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia hoặc cho kích nổ ở độ cao lớn hoặc tại những nơi cách xa khu dân cư.
Các chuyên gia coi việc chuẩn bị cho một cuộc tấn công hạt nhân là một lựa chọn mà Washington cần tính đến, nhất là khi đà tiến của lực lượng Nga chậm lại và khi Moscow sáp nhập thêm lãnh thổ của Ukraine.
Các quan chức Mỹ nhìn nhận một cách nghiêm túc những lời đe dọa công khai về việc sử dụng vũ khí hạt nhân của Tổng thống Putin. Trong một bài phát biểu vào tháng trước, ông Putin đã nhấn mạnh: “Nếu sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước chúng ta bị đe dọa, chúng ta sẽ sử dụng tất cả các phương tiện sẵn có để bảo vệ nước Nga và người dân của chúng ta".
Tương tự vào ngày 30-9, tại lễ ký hiệp ước sáp nhập bốn tỉnh ly khai của Ukraine vào lãnh thổ Nga, chủ nhân Điện Kremlin cũng cam kết sử dụng “tất cả phương tiện sẵn có” để bảo vệ các khu vực này, đồng thời nói thêm rằng Mỹ đã "tạo tiền lệ" cho các cuộc tấn công hạt nhân khi thả bom xuống các thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Mike Quigley - thành viên của Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ - nhận định ông Putin có "khả năng làm bất cứ điều gì”, đồng thời lưu ý rằng mặc dù hiện tại vẫn chưa có bằng chứng về việc chuẩn bị cho một cuộc tấn công như vậy, "quý vị cần phải đánh giá ông ấy một cách nghiêm túc”.
Nếu Tổng thống Putin không ra lệnh tấn công hạt nhân vào lực lượng Ukraine hoặc trung tâm dân cư Ukraine thì có thể một "màn phô trương hạt nhân” sẽ được phía Nga cân nhắc. Theo các nguồn tin, Mỹ đang nghiên cứu một loạt kịch bản có thể xảy ra để đưa ra các phương án dự phòng về cách Washington và các đối tác sẽ phản ứng với bất kỳ cuộc tấn công hạt nhân nào từ phía Nga.
Tuy nhiên hiện vẫn chưa rõ các phương án mà Mỹ đang chuẩn bị cụ thể là gì.
Một cuộc tấn công hạt nhân vẫn được coi là khó xảy ra, mặc dù mối quan ngại của các quan chức Mỹ về khả năng xảy ra một cuộc tấn công như vậy đã tăng lên trong những tuần gần đây. Một nguồn tin tình báo Mỹ cho biết: “Thất bại không phải là một lựa chọn của ông Putin”.
Trong cuộc phỏng vấn với CNN vào ngày 2-10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho hay ông vẫn chưa nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào về việc Tổng thống Putin đã quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine.
Ngoài ra, Điều phối viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ về Truyền thông chiến lược - ông John Kirby cho biết Washington đang "quan sát chặt chẽ” các động thái của Nga tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia giữa những lo lắng về việc ông Putin có thể leo thang cuộc xung đột tại Ukraine. Ông cũng lưu ý Mỹ đã "suy nghĩ cặn kẽ” về các phản ứng đối với việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân.
Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov ngày 3-10 nêu rõ Nga ưu tiên "cách tiếp cận cân bằng” chứ không dựa vào cảm tính trong vấn đề vũ khí hạt nhân.
"Ngay cả những thời khắc khó khăn cũng không nên để cảm xúc xen vào bất kỳ đánh giá nào. Do đó, chúng tôi ưu tiên các đánh giá khách quan, cân bằng hơn” - ông Peskov nhấn mạnh, đồng thời cho biết cơ sở cho việc sử dụng vũ khí hạt nhân được đề cập trong học thuyết hạt nhân của Nga.