Vấn đề Ukraine trong cuộc điện đàm giữa Chủ tịch Trung Quốc và Tổng thống Nga
Truyền thông chính thức của Liên bang Nga và Trung Quốc cho hay chiều 24/2 Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc gặp ở Astana, Kazakhstan ngày 3/7/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Trong bản tin phát đi vào tối 24/2, Tân Hoa xã cho hay vào chiều cùng ngày Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin.
Trong cuộc điện đàm, Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh rằng trước Tết Nguyên đán, ông và Tổng thống Putin đã hội đàm trực tuyến để định hướng và lên kế hoạch phát triển quan hệ Trung - Nga trong cả năm, đồng thời tăng cường phối hợp về một loạt vấn đề quốc tế và khu vực quan trọng. Hiện nay, các cơ quan của hai nước đang từng bước thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực theo nhận thức chung đạt được, bao gồm tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm chiến thắng của nhân dân Trung Quốc trong cuộc kháng chiến chống Nhật và chiến thắng của thế giới trong cuộc chiến chống phát xít.
Lịch sử và thực tiễn cho thấy Trung Quốc và Nga là những người láng giềng tốt không thể tách rời, là những người bạn chân thành luôn đồng cam cộng khổ, hỗ trợ lẫn nhau và cùng phát triển. Quan hệ Trung - Nga có động lực nội sinh mạnh mẽ và giá trị chiến lược đặc biệt, không nhằm vào bên thứ ba và không chịu ảnh hưởng của bất kỳ bên nào khác. Chiến lược phát triển và chính sách đối ngoại của Trung Quốc và Liên bang Nga đều hướng tới tương lai lâu dài. Bất chấp những biến động của tình hình quốc tế, quan hệ Trung - Nga sẽ tiếp tục vững bước, đóng góp vào sự phát triển và phục hưng của mỗi nước, đồng thời mang lại sự ổn định và năng lượng tích cực cho quan hệ quốc tế.
Tổng thống Putin khẳng định Liên bang Nga rất coi trọng quan hệ với Trung Quốc và mong muốn duy trì các cuộc tiếp xúc cấp cao với Bắc Kinh trong năm mới, thúc đẩy hợp tác thực chất, cùng tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm chiến thắng của thế giới trong cuộc chiến chống phát xít và chiến thắng của nhân dân Trung Quốc trong cuộc kháng chiến chống Nhật. Ông nhấn mạnh, việc phát triển quan hệ với Trung Quốc là một lựa chọn chiến lược dài hạn của Liên bang Nga, không phải là một giải pháp tạm thời, cũng không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài hay các sự kiện nhất thời. Trong bối cảnh tình hình hiện nay, việc duy trì trao đổi chặt chẽ giữa Liên bang Nga và Trung Quốc phù hợp với tinh thần của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước trong thời đại mới, đồng thời gửi đi tín hiệu tích cực về vai trò ổn định của Liên bang Nga và Trung Quốc trong các vấn đề quốc tế.
Tổng thống Putin cũng thông tin về các cuộc tiếp xúc mới nhất giữa Liên bang Nga và Mỹ, đồng thời bày tỏ lập trường nguyên tắc của Liên bang Nga về cuộc khủng hoảng Ukraine. Ông nhấn mạnh Liên bang Nga cam kết loại bỏ những nguyên nhân gốc rễ của xung đột Nga - Ukraine và tìm kiếm một giải pháp hòa bình bền vững, lâu dài.
Chủ tịch Tập Cận Bình nhắc lại rằng ngay từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine leo thang toàn diện, ông đã đề xuất “bốn điều nên làm” làm cơ sở để giải quyết vấn đề. Vào tháng 9 năm ngoái, Trung Quốc đã phối hợp với Brazil và một số quốc gia thuộc “phương Nam toàn cầu” thành lập Nhóm Bạn của Hòa bình về cuộc khủng hoảng Ukraine, nhằm tạo điều kiện và bầu không khí thuận lợi để thúc đẩy giải pháp chính trị. Trung Quốc hoan nghênh những nỗ lực tích cực của Liên bang Nga và các bên liên quan nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng.
Trong khi đó, bản tin liên quan của hãng thông tấn nhà nước Liên bang Nga TASS cho hay trong điện đàm chiều 24/2, nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của chính sách ngoại giao dài hạn và các chiến lược phát triển quốc gia của Trung Quốc và Liên bang Nga. Hai bên đã thảo luận về một số vấn đề, bao gồm xung đột Ukraine, và nhất trí duy trì liên lạc qua nhiều kênh khác nhau cũng như phối hợp các hoạt động của mình.

Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal bin Farhan Al Saud (thứ 4, trái), Ngoại trưởng Liên bang Nga Sergey Lavrov (phải), Cố vấn của Tổng thống Liên bang Nga về chính sách đối ngoại Yuri Ushakov (thứ 2, phải), Ngoại trưởng Mỹ Marco Antonio Rubio (thứ 2, trái), Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Mike Waltz (thứ 3, trái) và Đặc phái viên Mỹ về Trung Đông Steve Witkoff (trái) tại cuộc đàm phán ở Riyadh, Saudi Arabia, ngày 18/2/2025. Ảnh: Reuters/TTXVN
Vào hôm 18/2, Liên bang Nga và Mỹ đã tiến hành cuộc hội đàm tại Riyadh, Saudi Arabia. Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa các quan chức cấp cao Mỹ và Liên bang Nga kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát vào tháng 2/2022.
Sau cuộc này, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã nêu rõ ba mục tiêu chính mà hai bên đã thống nhất theo đuổi, gồm: Khôi phục hoạt động của nhân viên đại sứ quán tại Washington và Moscow; thành lập một nhóm cấp cao để thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình về Ukraine và tìm cách tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Liên bang Nga Sergei Ryabkov cho biết các công tác chuẩn bị đang được tiến hành cho một cuộc gặp trực tiếp tiềm năng giữa Tổng thống nước này, ông Vladimir Putin và người đồng cấp phía Mỹ Donald Trump
Phát biểu trên truyền thông nhà nước Liên bang Nga, ông Ryabkov cho biết hội nghị thượng đỉnh này có thể bao quát nhiều vấn đề toàn cầu rộng lớn hơn ngoài cuộc chiến tại Ukraine. Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải “tiến tới bình thường hóa quan hệ” và giải quyết “những tình huống cấp bách và có khả năng rất, rất nguy hiểm, trong đó Ukraine chỉ là một phần”.
Ông Ryabkov tuyên bố rằng kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh vẫn ở giai đoạn đầu và sẽ cần đến “công tác chuẩn bị chuyên sâu nhất” để có thể trở thành hiện thực. Ông cũng tiết lộ rằng các phái đoàn Mỹ và Liên bang Nga có thể sẽ tổ chức một cuộc gặp khác trong vòng hai tuần tới để chuẩn bị cho các cuộc thảo luận cấp cao tiếp theo.
Về phần mình, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã bác bỏ mọi kết quả có thể có từ các cuộc đàm phán này, nhấn mạnh rằng Kiev không hề được đưa vào bàn thảo luận.
Các đồng minh châu Âu cũng đã bày tỏ quan ngại về việc bị gạt ra ngoài các cuộc đàm phán, làm dấy lên thêm nghi ngờ về hiệu quả của các nỗ lực ngoại giao đang diễn ra.