Có 36 tổ hợp xét tuyển, trường đại học lên kế hoạch điều chỉnh, bổ sung tổ hợp

Từ năm 2025, thí sinh thi tốt nghiệp THPT sẽ có 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn. Từ đó, việc tuyển sinh vào ĐH có nhiều thay đổi và cần sự định hướng phù hợp.

Theo Phương án tổ chức Kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, từ năm 2025 thí sinh bắt buộc thi môn Ngữ văn, Toán học và tự chọn 2 môn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).

Như vậy bắt đầu từ năm 2025, các thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ được giảm đi 2 môn so với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hiện nay. Và bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) và Khoa học Xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân) không còn. Đây cũng là lần đầu tiên Tin học và Công nghệ trở thành môn thi tốt nghiệp. Vì vậy, việc có 9 môn tự chọn có thể sinh ra rất nhiều tổ hợp xét tuyển đại học.

Nhiều thay đổi đáng chú ý về tổ hợp xét tuyển

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Lê Phan Quốc - Phó trưởng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, khi học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì tuyển sinh đại học sẽ có nhiều thay đổi về tổ hợp xét tuyển vì có sự xuất hiện của các môn mới trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Vì vậy, các cơ sở giáo dục đại học sẽ phải xây dựng phương án tuyển sinh cho các ngành học phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018của học sinh trung học phổ thông hiện nay. Qua đó, các em học sinh có thể an tâm với những lựa chọn môn học của bản thân ngay từ lớp 10.

 Thạc sĩ Lê Phan Quốc - Phó trưởng phòng đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC.

Thạc sĩ Lê Phan Quốc - Phó trưởng phòng đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC.

Được biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025. Theo đó, thí sinh sẽ thi 4 môn gồm 2 môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán) và hai môn tự chọn trong số các môn Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ. Như vậy, thí sinh sẽ có 36 cách chọn môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Có thể thấy, đây là phương án rất khác so với các phương án thi từ năm 2024 trở về trước. So với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hiện nay, số môn thi từ năm 2025 giảm hai (4 môn thay vì 6 môn) và số buổi thi giảm một (3 buổi thay vì 4 buổi). Bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân) không còn. Thí sinh có thể lựa chọn thi một môn tự nhiên và một môn xã hội thay vì cố định phải thi cả 3 môn thuộc cùng một khối như hiện tại.

Song, số lượng tổ hợp các môn thi là 36, do đó các trường đại học phải xây dựng phương án tuyển sinh bằng cách chọn tổ hợp xét tuyển phù hợp. Với những đổi mới của kỳ thi từ năm 2025 nên từ bây giờ sẽ có rất nhiều việc phải làm để học sinh và những bộ phận có liên quan chuẩn bị.

Theo Thạc sĩ Lê Phan Quốc, kế hoạch tuyển sinh của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2025 dự kiến vẫn xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

 Việc thí sinh có thể lựa chọn 2 môn thi thuộc khối tự nhiên hoặc xã hội sẽ giúp các em phát huy được năng lực, sở trường cao nhất để làm bài có kết quả tốt. Ảnh: FTU.

Việc thí sinh có thể lựa chọn 2 môn thi thuộc khối tự nhiên hoặc xã hội sẽ giúp các em phát huy được năng lực, sở trường cao nhất để làm bài có kết quả tốt. Ảnh: FTU.

Song song với đó là xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt do trường tự tổ chức, với tỷ lệ chỉ tiêu nhiều hơn so với hiện nay.

Đối với phương thức xét tuyển dựa trên kết quả của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, nhà trường vẫn định hướng xét điểm trung bình tổ hợp 3 môn. Cách tính điểm xét tuyển là tổng điểm của 3 môn độc lập; hoặc 2 môn trong đó môn chính nhân hệ số 2.

Tuy nhiên, các môn cụ thể ra sao thì nhà trường cần có thêm dữ liệu từ thực tế học sinh theo học hiện nay và kết quả thi riêng của trường để phân tích, đánh giá.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, năm 2025, nhà trường dự kiến giữ ổn định phương thức xét tuyển nhưng điều chỉnh tổ hợp xét tuyển cho phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông 4 môn.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mỗi ngành học được xét tuyển tối đa 4 tổ hợp; mỗi tổ hợp bao gồm 3 môn thi. Theo đó, định hướng chung là ngoài 2 môn bắt buộc, các môn tự chọn sẽ được trường cân nhắc đưa vào phù hợp với đặc thù đào tạo ngành học. Ví dụ, với nhóm ngành Công nghệ kỹ thuật thì cần ít nhất 2 môn học có trong tổ hợp xét tuyển là Toán và Lý.

 Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: IUH.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: IUH.

Cách thức tuyển sinh của trường đại học không chỉ phục vụ việc tuyển chọn mà còn cần phù hợp với chương trình đào tạo và có độ phủ đủ rộng để tạo cơ hội tham gia xét tuyển cho người học. Dự kiến tháng 10 tới đây, nhà trường sẽ họp Hội đồng Khoa học đào tạo để điều chỉnh, bổ sung các tổ hợp xét tuyển liên quan đến các môn thi mới.

Phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 với 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn đã tạo ra 36 tổ hợp môn.

Do đó, các trường đại học cần được cung cấp dữ liệu đầy đủ về tình hình học sinh đăng ký lựa chọn môn học trong chương trình giáo dục phổ thông mới để có cơ sở xây dựng phương thức xét tuyển phù hợp, đặc biệt trong công tác xây dựng tổ hợp xét tuyển.

Cần sớm quy định thống nhất trong tuyển sinh đại học

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 với 4 môn sẽ giúp hạn chế tình trạng "cá biệt" mà nhiều năm nay vẫn diễn ra với những khái niệm "tổ hợp lạ", "tổ hợp khác thường".

Song, các trường đại học cần tinh chọn các tổ hợp theo phương án mới, đưa ra những giải pháp để xây dựng quy trình tuyển sinh đại học có thể phản ánh đúng với năng lực và phẩm chất của học sinh.

Tiến sĩ Trịnh Văn Toàn - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Điện lực chia sẻ, hiện nay, nhà trường chưa thống nhất về việc xây dựng tổ hợp xét tuyển, còn chờ vào công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho các cơ sở về xây dựng phương thức xét tuyển và tổ hợp xét tuyển trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025.

 Bắt đầu từ năm 2025, thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ được giảm đi 2 môn so với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hiện nay. Ảnh: Ngọc Ánh.

Bắt đầu từ năm 2025, thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ được giảm đi 2 môn so với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hiện nay. Ảnh: Ngọc Ánh.

Hầu hết các trường đại học nói chung và Trường Đại học Điện lực nói riêng vẫn xây dựng tổ hợp xét tuyển bao gồm 3 môn, trong đó có Ngữ văn hoặc Toán.Vì vậy, theo thầy Toàn, việc lựa chọn tổ hợp xét tuyển trong mùa tuyển sinh năm 2025 không có quá nhiều sự thay đổi lớn.

Với quy định mỗi ngành học không quá 4 tổ hợp xét tuyển, nhà trường vẫn đang cân nhắc sử dụng môn thi Công nghệ hoặc Tin học để đưa vào tuyển sinh. Hội đồng tuyển sinh của trường sẽ nghiên cứu, tính toán sao cho phù hợp với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tuy nhiên, Bộ cần sớm có những định hướng rõ ràng cho các cơ sở đào tạo về xây dựng phương thức xét tuyển và tổ hợp xét tuyển trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025 bởi điều này giúp các trường sớm xây dựng, triển khai công tác tuyển sinh được đồng bộ, thống nhất, minh bạch và hiệu quả.

Lưu Diễm

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/co-36-to-hop-xet-tuyen-truong-dai-hoc-len-ke-hoach-dieu-chinh-bo-sung-to-hop-post245135.gd