Cô ăn rồi

Niên học 1975-1976, tôi học năm cuối cấp III (nay là Trung học phổ thông). Làng tôi cách trường khoảng 6-7km. Để đến trường, tôi phải đi bộ. Vào ngày nắng, khô ráo còn đỡ, phải ngày mưa dầm, gió bấc, đường lầy lội, việc dậy sớm đi học như cực hình. Tan học lại vội vàng về, chiều đi làm lấy công điểm giúp gia đình.

Ảnh: minh họa

Ảnh: minh họa

Vì thiếu ăn, mẹ thường luộc củ dong riềng từ chập tối để sáng, tôi lấy mấy củ vừa ăn, vừa đi học. Sau củ dong riềng cũng hết, mẹ lại nấu cám để lót dạ. Ăn thiếu chất, tôi bị phù nề, phải chống gậy mới đi được.

Dọc đường đến trường, có cánh đồng hợp tác xã trồng su hào. Lợi dụng trời sương mù, vắng người, tôi nhổ trộm, vừa đi, vừa dùng răng tước vỏ ăn sống. Sáng ấy, để bón thúc cho su hào, chiều hôm trước, xã cho bón phân bắc, loại phân tươi chưa ủ. Sáng tôi đi sớm, không biết, theo thói quen, xuống nhổ trộm. Vì nhổ trộm nên nhổ vội, phân còn dính trên lá, gặp sương đêm, bắn hết vào quần áo.

Hôm đó, cô Chủ nhiệm có tiết đầu. Bước vào lớp, mùi từ quần áo của tôi phả ra, cả lớp đứng dậy chào nhưng đứa nào đứa nấy đều giơ tay bịt mũi. Cô nhìn khắp lớp rồi đi từng bàn, từ trên xuống dưới. Cô không nói gì, cho làm bài kiểm tra. Khi mọi người chép xong đề, bảo lớp trưởng trông, nói tôi theo cô ra ngoài.

Theo cô về khu giáo viên. Cô đưa cho tôi chiếc khăn mặt bông và bánh xà phòng của Liên Xô, đen sì, hôi hôi. Cô chỉ tay ra phía bờ giếng, nói tôi rửa sạch sẽ rồi vào. Khi tôi vào, cô đưa cho chiếc chăn chiên. Cô nói tôi cởi quần áo, lấy chăn cuốn ngồi trên giường. Cô thu quần áo của tôi dính phân mang ra giếng giặt. Xong cô lấy bàn là cho khô. Tôi xấu hổ vô cùng vì chắc cô biết việc ăn trộm su hào, thấy cái nghèo của tôi. Vừa là quần áo, cô vừa hỏi thăm gia đình. Tôi kể hết cho cô nghe. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ kể cô nghe để thanh minh cho việc làm của mình rồi ngày mai bỏ học.

Là khô, cô giục tôi mặc quần áo rồi theo lên lớp. Tan học, ra đến cổng, tôi đã thấy cô. Vẫy tôi lại, nói đi theo cô. Tôi vào phòng. Cô bảo tôi ngồi xuống chiếc ghế đẩu. Cô nhấc chiếc lồng bàn. Bên trong có mấy miếng thịt kho trên đĩa, mấy lát đậu phụ với ít rau muống luộc. Cô mang ra xoong cơm rồi lấy cơm vào bát. Cô giục:

- Em ăn đi. Ăn xong rồi về làm đồng giúp bố mẹ.

Mấy tháng nay, tôi chỉ ăn củ dong riềng nên ngửi thấy mùi cơm là nước miếng đã đầy trong miệng. Đỡ bát cơm từ tay cô. Tôi bảo:

- Cơm của cô mà. Cô ăn chưa ạ?

Cô xoa xoa lên đầu tôi, nhỏ nhẹ:

- Cô ăn rồi. Cô nấu cho em ăn đấy.

Lúc đầu, tôi còn e ngại, nhưng có lẽ đói quá, lại thèm cơm, tôi ăn hết cả xoong cơm của cô. Khi tôi ăn, cô ngồi bên cạnh hỏi chuyện. Khi ăn xong, cô đưa tôi cốc nước sôi để nguội rồi giục về nhanh kẻo không kịp giờ làm của hợp tác xã. Trước khi tôi về. Cô dặn:

- Mai em nhớ qua cô nhờ việc này nhé.

Tôi chỉ kịp đáp mỗi tiếng vâng rồi co chân chạy.

Sáng hôm sau, tôi dùng dằng mãi vì ý định bỏ học, song lại nhớ lời cô dặn. Nhùng nhằng mãi chuyện đi hay ở, tôi đi ra sân rồi lại vào nhà, vứt cái cặp cói xuống giường. Thấy thế, bố quát, giục đi học không muộn. Tôi lấy vội mấy củ dong riềng mẹ luộc để trên chõng, chạy đi. Hôm đó, ngồi trong lớp học, tôi chỉ mong hết giờ để xem cô nhờ việc gì làm rồi về.

Tan học, tôi xuống phòng cô. Cô lại giục tôi ngồi xuống bàn. Trên mặt bàn hôm ấy có thêm món trứng tráng. Tôi hỏi: Cô ăn chưa? Lần nào cô cũng nói: Cô ăn rồi. Tôi lại ăn hết xoong cơm của cô. Khi ăn xong, tôi hỏi cô nhờ việc gì. Cô cười.

- Hôm nay muộn rồi. Để mai tan học sớm rồi em làm giúp cô.

Gần tháng trời, cứ tan học, cô lại gọi xuống và cho ăn. Giáp Tết, hợp tác xã chia cho mỗi gia đình mấy cân gạo. Khi đó cũng bắt đầu vào vụ thu hoạch khoai tây. Tan học, cô gọi xuống và vẫn nấu ăn như mọi ngày. Tôi không ăn, nói cho cô biết đã có gạo của hợp tác xã chia, có khoai tây mới thu hoạch. Tôi hỏi cô việc định nhờ làm. Cô không nói gì, đi vội ra hè. Khi quay vào, trên mắt cô đỏ hoe.

- Cô không có việc gì nhờ em đâu. Cô nói thế để em đi học vì nhớ còn phải giúp cô. Ai cũng có khuyết điểm cả. Nhưng vì đói khổ mà phạm khuyết điểm rồi vì danh dự bỏ học thì không đáng. Làm con người phải biết vượt lên mọi vất vả, phải có ý chí mới nên người được.

- Thế còn những bữa trưa thì sao ạ? Cô ăn thật đấy chứ?

- À. Ừ. Mà thôi. Chuyện đó cô trò mình nói sau. Em ăn thấy ngon và có sức giúp gia đình. Em không bỏ học là cô vui rồi.

30 năm sau, tôi tìm gặp lại cô. Nghe tin tôi đến thăm, cô ra tận đầu phố đón. Cô đã nghỉ hưu, lên ở với con trông cháu. Tôi kể lại kỷ niệm, cô cười, cốc trán, đùa:

- Em chỉ được cái nhớ dai. Nay em thế này, cô mừng lắm.

Cô điểm tên từng người trong lớp. Cô nhắc đến mấy người đi bộ đội rồi hy sinh trong chiến trường. Khi nhắc tên mấy người đó, đôi mắt cô đỏ hoe, ngân ngấn nước.

- Ngày ấy đói khổ quá. Cô biết việc một số em nhà nghèo, tình nguyện đi bộ đội để hy vọng sau này về học tiếp. Cô biết mà không thể làm sao giúp các em được. Cô cứ ân hận mãi.

Để cô đỡ buồn, tôi mời cô đi ăn. Cô cười.

- Hôm nay thì cô ăn thật rồi. Mà cô bây giờ già, có ăn được mấy đâu.

Nhìn mái tóc cô bạc trắng. Thời gian, bụi phấn, hạt đời đã lấy đi màu xanh tóc cô, trong ấy, có tôi-đứa học trò, cô đã dìu đi qua quãng thời gian khó.

Phạm Nguyên Tâm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/co-an-roi-post483271.html