Top 4 dược liệu 'lấy độc trị độc' được Bộ Y tế nêu tên

Bọ cạp, sâu ban miêu, rết… có thể gây ngộ độc nhưng đồng thời là dược liệu chữa bệnh.

Thông tư 13/2024 của Bộ Y tế đề cập tới danh mục dược liệu độc làm thuốc có nguồn gốc thực vật, động vật và khoáng vật. Đây là cơ sở để cơ quan chức năng quản lý dược liệu độc trong kinh doanh, chế biến, bảo quản, sử dụng...

Danh sách trên có 4 con vật được sử dụng làm thuốc chữa bệnh trong Đông y:

Ban miêu

Ban miêu nhìn khá giống bọ xít, mùi hăng, khó ngửi. Theo Đông y, loại sâu này vị cay, tính nhiệt, chứa độc. Thân sâu (bỏ đầu, chân và nội tạng) được sử dụng làm dược liệu điều trị các vết phồng rộp, mụn nhọt, ung độc, phá vỡ máu ứ, ho có đờm, đau rát cổ họng. Theo y học hiện đại, ban miêu có tác dụng chống lại các khối u, viêm, virus, vi khuẩn.

Sâu ban miêu chứa nhiều độc tố. Ảnh: BV Nguyễn Tri Phương

Sâu ban miêu chứa nhiều độc tố. Ảnh: BV Nguyễn Tri Phương

Bên cạnh đó, theo thông tin của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TPHCM), vị thuốc này độc tính cao có thể dẫn đến ngộ độc, thậm chí tử vong nếu dùng sai liều lượng. Các triệu chứng bao gồm đau dạ dày, tiểu tiện ít và có máu, rối loạn thần kinh, hôn mê. Bôi ngoài da quá nhiều gây bỏng rát da, đỏ, phồng rộp, thậm chí hoại tử. Phụ nữ có thai, đang cho con bú, trẻ em, người cao tuổi và người có hệ thống miễn dịch kém không được dùng bài thuốc chứa sâu ban miêu.

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) từng tiếp nhận nam bệnh nhân 42 tuổi, sinh sống tại Yên Bái, bị ngộ độc sau khi ăn sâu ban miêu chiên. Sau ăn 30 phút, người này buồn nôn, đau bụng, tê bì đầu lưỡi và mặt, yếu cơ tứ chi, tiểu ra máu, suy thận cấp. Sau 2 tuần điều trị tích cực, bệnh nhân mới hồi phục.

Ngô công

Đây là tên thuốc của con rết phơi khô. Theo Đông y, ngô công có vị cay, đắng, tính ấm, tác dụng chống co giật, chỉ thống, tán kết và giải độc, được dùng trong bài thuốc chữa uốn ván, động kinh, mụn nhọt, lao hạch và hỗ trợ điều trị ung thư.

Theo nghiên cứu dược lý hiện đại, ngô công có tác dụng chống u bướu và ức chế tế bào ung thư ở động vật, co giật, ức chế nấm ngoài da và trực khuẩn lao.

Tuy nhiên, vị thuốc này có độc tố và tác dụng tán huyết mạnh nên cần thận trọng khi chế biến và sử dụng. Dấu hiệu trúng độc ngô công gồm tiêu chảy, đau bụng, nôn mửa, tim đập chậm, bất tỉnh nhân sự, hạ áp, hạ thân nhiệt, suy thận.

Thiềm tô

Nhựa tiết ở tuyến sau tai và tuyến trên da của cóc được gọi là thiềm tô. Hiện nay, Tây y không dùng cóc để chữa bệnh. Theo Đông y, nhựa cóc vị ngọt, cay, tính ôn, có độc, vào kinh vị, có tác dụng gây tê cục bộ, giải độc, tán thũng, giảm đau; dùng chữa đinh râu, yết hầu sưng đau, đau răng.

Nhiều người dân cho rằng thịt cóc bổ dưỡng, chữa được còi xương, suy dinh dưỡng. Tuy nhiên, trong gan, trứng, da, mủ, mắt và hạch thần kinh cóc chứa nhiều chất độc. Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), độc tố trong cóc là bufotoxin tác động đến tim mạch, gây ảo giác, hạ huyết áp...

Toàn yết

Theo cuốn Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của Giáo sư Đỗ Tất Lợi, toàn yết (bọ cạp) là vị thuốc được dùng trong Đông y vị mặn, hơi cay, tính bình, có độc, vào kinh can.

Toàn yết có tác dụng trị động kinh, co giật, uốn ván, trị các chứng phong, xây xẩm, miệng mắt méo lệch, bán thân bất toại; co giật do sốt cao hoặc động kinh; uốn ván biểu hiện co cứng chân tay và gáy; co giật mạn tính do tiêu chảy lâu ngày; đau đầu dai dẳng.

Tuy nhiên, toàn yết có độc, chỉ dùng khi có hướng dẫn của thầy thuốc, không dùng quá liều, người mang thai không sử dụng.

An Yên

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/top-4-duoc-lieu-lay-doc-tri-doc-duoc-bo-y-te-neu-ten-2341663.html