Có ba là có tất cả
'Cuối tuần này con về chứ, ba mới ngâm hũ hành tím mà con thích nè. Măng đợt này lên nhiều ba đợi con về mới xắn'. Lần nào cũng vậy, nếu 1 tuần tôi không về thăm nhà là y rằng ba lại gọi điện hỏi thăm, có khi sốt ruột quá ba đón xe buýt qua Đồng Xoài thăm con gái.
Nhà có 2 ba con thủ thỉ với nhau. Ngày tôi thi đậu Trường cao đẳng Sư phạm Bình Phước (nay là Trường cao đẳng Bình Phước), ba mừng quá đi khoe khắp xóm. Còn tôi nửa mừng nửa lo, mừng vì sắp thực hiện được mơ ước làm giáo viên, lo vì đi học xa nhà ba sẽ lủi thủi một mình, cô quạnh biết bao. Tôi suy nghĩ rất nhiều, cứ chần chừ nửa đi nửa ở. Ba như thấu nỗi niềm của con gái, động viên tôi yên tâm đi học, rằng ba còn khỏe mạnh, xung quanh có chòm xóm lo gì. Rồi ba dúi vào tay tôi vài trăm ngàn đồng bảo đi mua mấy bộ quần áo mới, sắp làm sinh viên rồi phải tươm tất chút.
Hồi đó, thông tin liên lạc không thuận tiện như bây giờ, thường thì viết thư tay hoặc ra trạm điện thoại tại bưu điện để gọi về. Nếu ba muốn nói chuyện với tôi sẽ phải đi tới bưu điện 2 lần: lần thứ nhất gọi vào số điện thoại ký túc xá sinh viên để nhờ nhắn lại cho tôi chiều tan học thì nhận điện thoại, rồi xế chiều ba lại đi xe đạp ra bưu điện cách nhà 8km để gọi cho tôi. Tôi bảo ba viết thư tay cho con được rồi, gọi điện thoại vừa phải đi xa lại tốn kém. Ba cười nói ba nhớ con gái quá, muốn được nghe giọng con…
3 năm tôi học sư phạm, không biết ba đã đạp xe bao nhiêu cây số chỉ để nghe được giọng con và biết rằng con vẫn bình an. Hôm nào tôi thông báo sẽ về nhà là ba vui mừng như đứa trẻ được quà. Ba sốt sắng tới lui chuẩn bị những món ăn tôi thích, gặp ai trong xóm ba cũng khoe cuối tuần con gái về chơi.
Lúc bấy giờ phương tiện đi lại còn ít, một ngày chỉ có vài chuyến xe đò đi tuyến Tây Ninh - Bù Đăng và tôi sẽ canh giờ để đón được chuyến xe ấy về ngang Chơn Thành. Xe dừng cho tôi xuống ở ngã tư Chơn Thành, nhà tôi cách đó 15km. Và lần nào cũng vậy, xe vừa đỗ lại đã thấy ba đứng bên chiếc xe đạp đợi sẵn. Năm đó ba đã ngoài 50 tuổi, chở con gái ngồi sau lưng vừa đi ba vừa hỏi đủ điều về cuộc sống, học tập, rồi con muốn ăn gì ba mua, ba thấy dạo này con hơi gầy. Lúc ấy, tôi có cảm giác như mình bé lại hồi 5, 6 tuổi.
Tôi không biết ba mẹ ruột của mình là ai, có lẽ vì lý do nào đó ba mẹ đã để tôi lại ở cổng chùa khi mới tròn 1 tuổi. Tôi được làm con của ba là một điều quá may mắn. Nhà ba ở gần chùa, hay tới lui công quả, lần đầu gặp tôi, ba nói có cảm giác yêu thương khó tả lắm, rồi ba quyết tâm xin chùa giao tôi cho ba nuôi dưỡng. Khi ấy ba ngoài 30 tuổi, chưa vợ con, nhiều người ái ngại chuyện một người đàn ông vụng về có thể nào nuôi nấng một đứa trẻ?! Nhưng rồi ba đã chứng minh cho mọi người thấy rằng ba đã làm rất tốt vai trò của mình. Ba chỉ là một người nông dân chân chất, nhưng con gái ba vẫn có cơm no áo ấm, học hành chẳng thua kém ai.
Tôi ra trường và công tác tại Đồng Xoài, rồi lập gia đình ở đây. Còn ba vẫn ở Chơn Thành, quanh quẩn với căn nhà nhỏ và mảnh vườn đầy hoa trái. Đã rất nhiều lần vợ chồng tôi ngỏ ý đón ba sang ở cùng, nhưng ba đều từ chối. Ba nói giờ xe buýt thuận tiện, lúc nào muốn ba tự đón xe qua. Ba ở đây có chòm xóm thân quen, đi chỗ khác ba không đành. Tôi biết ba không muốn phiền con cái nên cuối tuần vợ chồng tôi thường sắp xếp về thăm ba. Ba vẫn vui mừng như ngày xưa mỗi lần tôi đi học xa được về nhà.
Có lẽ với ba, người đàn ông đã ngoài 70 tuổi, thì tôi, dù 40 tuổi nhưng vẫn luôn là đứa con bé bỏng. Ba vẫn muối hành, xào măng mỗi dịp tôi về, khi tôi đi ba lại dúi vào tay vài trăm ngàn đồng như thời còn đi học... Bây giờ tôi đã đủ sức để phụng dưỡng ba, nhưng cảm giác được chăm lo ấy khiến tôi thấy mình luôn bé nhỏ trong vòng tay ba. Tôi chưa bao giờ nói lời cảm ơn ba, vì tôi nghĩ mọi lời cảm ơn với ba đều không đủ. Ba như đã sinh ra tôi thêm lần nữa, để tôi được sống một cuộc đời tươi đẹp và ý nghĩa!
Chào nhé yêu thương, mùa thứ 4, chủ đề “Cha” chính thức ra mắt từ ngày 27-12-2024 trên bốn loại hình báo chí và các hạ tầng số của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV), hứa hẹn sẽ mang đến cho công chúng những giá trị tuyệt vời của tình cha thiêng liêng, cao đẹp.
Hãy gửi đến BPTV những câu chuyện xúc động về Cha bằng cách viết báo, viết bài cảm nhận, thơ, tản văn, video clip, bài hát (có bản thu âm),... qua email chaonheyeuthuongbptv@gmail.com, Phòng Thư ký biên tập, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước, số 228, Trần Hưng Đạo, phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, số điện thoại: 0271.3870403. Thời gian nhận bài từ nay đến hết ngày 30-8-2025.
Bài viết chất lượng sẽ được đăng phát lan tỏa, được trả nhuận bút, đồng thời tặng thưởng khi khép lại chủ đề với 1 giải đặc biệt và 10 giải xuất sắc.
Hãy cùng “Chào nhé yêu thương” mùa 4 viết tiếp câu chuyện về Cha, để những câu chuyện về Cha được lan tỏa và chạm đến trái tim mọi người!
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/171061/co-ba-la-co-tat-ca