'Cô ba Thu' giàu lòng thiện nguyện
Người dân xã Tú An (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) vẫn thường gọi Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Nguyễn Thị Hồng Thu với danh xưng thân mật là 'cô ba Thu'. Gần 50 năm qua, người phụ nữ giàu lòng thiện nguyện ấy không chỉ giúp đỡ, sẻ chia với những hoàn cảnh khốn khó mà còn đóng góp tích cực cho cuộc vận động làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào Bahnar ở địa phương.
“Bà đỡ” ở thôn, làng
Bà Nguyễn Thị Hồng Thu sinh năm 1954 tại thôn Tú Thủy 1, xã Tú An. Sau khi học hết lớp 9, bà được ba mẹ định hướng theo nghề may. Thế nhưng, vì yêu thích trẻ con và mong muốn giúp đỡ những thai phụ trong lúc “vượt cạn”, bà xin gia đình chuyển sang học lớp đỡ đẻ cơ bản tại An Khê. Đến năm 1972, để nâng cao tay nghề, bà tiếp tục lên Pleiku vừa học vừa làm tại nhà bảo sanh của một bác sĩ ở đường Hoàng Diệu (nay là đường Hùng Vương, TP. Pleiku). Dẫu trong quá trình làm nghề phải đối mặt với không ít khó khăn, vất vả, thậm chí rủi ro cao, song cô gái trẻ vẫn kiên trì theo đuổi đam mê và trở thành một “cô mụ mát tay” có tiếng.
Sau ngày giải phóng, bà Thu trở về nhà và được chính quyền địa phương động viên vào công tác tại Trạm Y tế xã Tú An. Sẵn tay nghề, bà vừa chăm lo sức khỏe người dân, vừa tham gia hỗ trợ cho các thai phụ mỗi khi cần. Ngày đó, ngoại trừ những ca khó buộc phải đến bệnh viện, còn lại bà đều xử lý thành công. Tiếng lành đồn xa, từ thôn trên, xóm dưới đến các làng đồng bào dân tộc thiểu số, hễ có ca nào sắp sinh hay đau ốm là tìm tới cô ba Thu nhờ trợ giúp. Và bà cũng không bao giờ quản ngại đường xa, mưa gió, luôn sẵn sàng có mặt khi người dân cần đến.
Khi tạo được niềm tin nhất định trong lòng dân, bà Thu bắt đầu đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nhất là trong vùng dân tộc thiểu số. “Tôi khuyên họ muốn thoát nghèo trước tiên phải đẻ ít, mỗi gia đình chỉ nên sinh 1-2 con để vừa chăm lo tốt cho con cái, vừa có điều kiện và thời gian phát triển kinh tế. Trong quá trình mang thai phải thường xuyên theo dõi sức khỏe, khi sắp sinh cần đến cơ sở y tế chứ không được tự ý sinh tại nhà dễ gặp rủi ro cho cả mẹ lẫn con. Thêm vào đó, việc mổ trâu, bò, heo và mời thầy cúng Yàng khi đau bệnh hay sinh khó là rất lãng phí. Đặc biệt, việc chôn chung là hủ tục cần phải loại bỏ. Lúc đầu, họ không nghe mình đâu nhưng tôi cứ tuyên truyền mãi theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, dần dần cũng có biến chuyển”-bà Thu kể.
Hoạt động trên càng được bà Thu đẩy mạnh khi chuyển sang làm cán bộ chuyên trách dân số-kế hoạch hóa gia đình của xã và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo người dân. Nhờ đó, một thời gian dài, xã Tú An luôn nằm trong tóp đầu các xã của An Khê thực hiện tốt chính sách dân số, nhiều cặp vợ chồng tình nguyện thực hiện các biện pháp tránh thai. Các làng dân tộc thiểu số nhiều năm liền không có người sinh con thứ 3. Nhiều tập tục lạc hậu, lãng phí trong đồng bào Bahnar ở địa phương dần được đẩy lùi; người dân đã biết cách chăm sóc sức khỏe sinh sản, khi đau ốm đều đến các cơ sở y tế để thăm khám, chữa bệnh.
Nhắc nhớ chuyện xưa, ông Đinh Hỏih (làng Pơ Nang, xã Tú An) xúc động nói: “Gia đình tôi không bao giờ quên ơn cô ba Thu vì nhờ sự hỗ trợ của cô mà cả 3 lần sinh nở, vợ và các con tôi đều khỏe mạnh. Đặc biệt, nghe lời cô khuyên, vợ chồng tôi quyết định không sinh con thêm nữa mà cố gắng làm ăn, chăm lo cho các con đủ đầy hơn. Tôi cũng tuyên truyền cho các hộ khác làm theo. Cả làng ai cũng tin tưởng, quý mến cô ba Thu, luôn coi cô vừa là bà đỡ cho lũ trẻ chào đời, vừa là “bà đỡ” của dân làng trong xây dựng cuộc sống mới”.
Hết lòng vì người nghèo
Gần 12 giờ trưa, trong căn phòng nhỏ tại trụ sở UBND xã Tú An, bà Thu vẫn cặm cụi bên những thùng mì gói, dầu ăn, bột ngọt để phân chia thành từng suất quà. “Một Mạnh Thường Quân vừa thông qua Hội Chữ thập đỏ xã để ủng hộ cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Tôi đang cố gắng trao đến tay bà con sớm nhất”-bà Thu khoe.
Ngồi phụ giúp ở cạnh bên, chị Thân Lệ Quỳnh-công chức Văn hóa-Thông tin xã-chia sẻ: “Cô ba Thu lúc nào cũng thế. Hễ vận động được quà cho hộ nghèo là vui mừng còn hơn người nhận, lo lắng chuẩn bị đến quên cả ăn uống, nghỉ ngơi. Chúng tôi khuyên hoài không được, chỉ biết giúp cô một tay để công việc nhanh hoàn thành”.
Từ khi được phân công giữ chức Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã vào năm 2012 đến nay, bà Thu luôn tích cực và tận tâm với công tác từ thiện-nhân đạo, trở thành cầu nối bền vững giữa các nhà hảo tâm với những hoàn cảnh kém may mắn, nghèo khổ và học sinh nghèo hiếu học của xã. Đặc biệt, gần 10 năm qua, bà Thu đã vận động 8 cơ sở xay xát trên địa bàn cho đặt 8 “hũ gạo tình thương”, trong đó có 1 hũ đặt tại làng dân tộc thiểu số. Với tinh thần “tích tiểu thành đại”, mỗi người dân khi đến xay xát gạo đều tự nguyện bỏ vào hũ một ít gạo. Ngày 11 hàng tháng, bà Thu đến nhận gạo và trực tiếp hỗ trợ cho 10 đối tượng mồ côi, neo đơn, người tàn tật. Ngoài ra, “hũ gạo tình thương” còn hỗ trợ cứu đói đột xuất cho khoảng 30 hộ nghèo khác trong những đợt thiên tai, dịch bệnh. Tháng nào được ít gạo, nếu các chủ cơ sở xay xát không ủng hộ thêm, bà Thu đều tự bỏ tiền túi ra mua gạo để hỗ trợ người dân. Trong 5 năm (2016-2021), số gạo ủng hộ thông qua mô hình này đã gần 10 tấn.
Lần nào đón nhận gạo từ tay Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã trao tặng, bà Võ Thị Thanh Hương (82 tuổi, thôn Tú Thủy 2) cũng rưng rưng xúc động. Không có con cái trong khi đã già yếu, bà Hương chỉ biết sống nhờ vào sự giúp đỡ của hàng xóm, Mạnh Thường Quân và chính quyền, tổ chức đoàn thể ở địa phương. “Gần chục năm qua, nhờ được Hội Chữ thập đỏ xã và cô ba Thu hỗ trợ gạo hàng tháng, tôi không phải lo thiếu cái ăn. Cô ấy còn thường xuyên đến nhà thăm hỏi, động viên tôi cố gắng sống khỏe; khi tới không quên mang theo cho tôi thêm thức ăn, gia vị, xà phòng... Không riêng gì tôi, nhiều người nghèo khổ khác trong xã cũng vậy. Chúng tôi mang ơn cô Thu nhiều lắm!”-bà Hương bộc bạch.
Bên cạnh “hũ gạo tình thương”, năm 2014, bà Thu còn vận động người dân trên địa bàn xây dựng 1 “tủ thuốc nhân đạo” đặt tại Trạm Y tế xã. Những năm qua, tủ thuốc này đã giúp ích cho nhiều người dân có hoàn cảnh khó khăn, nhất là bà con dân tộc thiểu số ở 3 làng: Nhoi, Pơ Nang và Hòa Bình mỗi lúc ốm đau. Bà Thu còn tự bỏ tiền túi mua sổ khám-chữa bệnh và ép nhựa thẻ bảo hiểm y tế cho hàng trăm lượt người dân.
Sự nhiệt tình, tận tâm của bà Thu suốt mấy chục năm qua đã được cấp ủy, chính quyền địa phương và Hội Chữ thập đỏ các cấp ghi nhận, biểu dương bằng nhiều phần thưởng. Bà cũng là một trong số ít cá nhân tiêu biểu được chọn tham dự hội nghị biểu dương cán bộ dân số cơ sở tiêu biểu toàn quốc tại Hà Nội năm 2009; hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến về công tác Hội và phong trào chữ thập đỏ do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức vào năm 2013; dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nhiệm kỳ 2017-2022 vào năm 2017...
Ông Võ Anh Tài-Bí thư Đảng ủy xã Tú An dành những lời “có cánh” khi nhận xét về bà Thu: Với vai trò là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, bà Nguyễn Thị Hồng Thu luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, năng nổ, nhiệt tình trong công tác từ thiện-nhân đạo, được người dân tin yêu. Bà luôn có mặt ở những nơi khó khăn mỗi khi người dân cần mình; sẵn sàng hy sinh cái riêng để phục vụ cộng đồng. Ngoài quyên góp, vận động ủng hộ từ thiện, bà Thu còn tuyên truyền, vận động người dân tham gia công tác tình nguyện, góp phần giúp địa phương đảm bảo an sinh xã hội. Bà cũng là một trong những tấm gương mẫu mực trong học tập và làm theo gương Bác tại địa phương.
MỘC TRÀ